Trấn Yên phấn đấu cứu khoảng 600 ha dâu tằm sau ngập lũ

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/9/2024 | 9:30:44 AM

YênBái - Ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên đang tập trung nhân lực, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc phục hồi cho bà con, phấn đấu cứu khoảng 600 ha dâu tằm trong số toàn bộ 1.000 ha dâu bị ngập úng, thiệt hại do cơn bão số 3.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Min – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương (người ngoài cùng, bên trái) kiểm tra mức độ ảnh hưởng của cây dâu để có hướng hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Min – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương (người ngoài cùng, bên trái) kiểm tra mức độ ảnh hưởng của cây dâu để có hướng hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất.


Trấn Yên là địa phương có diện tích dâu lớn nhất tỉnh Yên Bái với gần 1.000 ha, 1.500 hộ nuôi tằm, sản lượng kén tằm toàn huyện năm 2022 đạt 1.168 tấn, giá trị sản phẩm bình quân đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; năm 2023 ước đạt 300 triệu đồng/ha. Huyện phấn đấu mở rộng quy mô trồng dâu nuôi tằm đến năm 2025 lên 1.200 ha, sản lượng kén tằm hàng năm đạt trên 2.200 tấn, giá trị thu về trên 300 tỷ đồng.

Theo thống kê của huyện Trấn Yên, sau cơn bão số 3, toàn bộ vùng dâu 1.000 ha của huyện đã bị úng ngập, trong đó gần 700 ha bị ảnh hưởng nặng, tập trung tại các xã có diện tích lớn nằm ven sông Hồng như: Việt Thành, Y Can, Đào Thịnh, Báo Đáp… 

Ngay sau bão, huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương triển khai tập huấn đầu bờ cho cán bộ nông nghiệp huyện và bà con nhân dân.

Qua tập huấn, cán bộ nông nghiệp huyện và người dân đã nắm được kỹ thuật để khắc phục diện tích một số diện tích, giảm chi phí trồng mới và ổn định năng suất lá để nuôi tằm vụ xuân. 


Người dân thôn Quang Minh, xã Y Can, huyện Trấn Yên khơi thông rãnh thoát nước sau ngập lũ cho ruộng dâu của gia đình.

Với những diện tích dâu đang bị úng ngập, có khả năng hồi phục, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con tiến hành khơi rãnh giữa các luống để tăng cường thoát nước ngập; những diện tích đất đã khô ráo thì tiến hành xới xáo phá váng (lớp bùn mặt) bằng cách dùng cào, cào nhẹ lớp đất bề mặt vừa khô, nứt nẻ để không khí đi xuống dưới dễ dàng, nhằm cung cấp oxy cho rễ hô hấp tốt. Tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học vào thời điểm này để bón gốc.

Sau khi phá váng tiến hành phun chế phẩm có chứa Fulvix hoặc Humic toàn bộ bề mặt đất quanh gốc, giúp ổn định độ PH cho đất, kích rễ mới và giúp giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, hóa giải các độc tố trong đất lưu tồn trong thời gian ngập nước. Cắt tỉa hoặc đốn toàn bộ thân cây dâu để kích thích ra chồi mới. Dọn sạch cây đã chết và thực hiện các biện pháp phòng chống sâu bệnh hại cây. Sau khi cây phục hồi hoàn toàn, tiến hành bón bổ sung phân NPK chuyên dụng để cây dâu tăng cường sinh trưởng, phục hồi bộ lá.

Với những diện tích không thể khắc phục được, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương hướng dẫn bà con cách xử lý đất trước khi trồng mới. 

Tiến sỹ Nguyễn Thị Min - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương cho biết: "Trung tâm đã hướng dẫn người dân chia thành các mức độ ảnh hưởng khác nhau để xử lý cho đúng kỹ thuật. Trung tâm cũng mong muốn sau tập huấn, mỗi người dân sẽ là một tuyên truyền viên tiếp tục triển khai khoa học kỹ thuật cho các hộ, các địa phương khác trong thời gian nhanh nhất”. 

Từ việc chuyển giao khoa học kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên và người trồng dâu nơi đây đang chạy đua với thời gian phấn đấu cứu chữa được khoảng 600 ha dâu, diện tích còn lại sẽ tiến hành trồng lại trong vụ thu và vụ xuân. 

Minh Huyền