Hiệu quả từ dự án Chia Sẻ ở Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2004 là năm Dự án Chia Sẻ chính thức được triển khai hoạt động với các mô hình thí điểm tại 2 xã: Nậm Búng và Nậm Lành. Trong 2 xã này có 17 thôn bản và có 1.131 hộ dân được hưởng lợi từ dự án.

Chị Vàng Thị Chư xã Suối Giàng được dự án đầu tư bò tái sinh sản, nay đang phát triển tốt.
Chị Vàng Thị Chư xã Suối Giàng được dự án đầu tư bò tái sinh sản, nay đang phát triển tốt.

Hoạt động của Dự án thời gian đầu tập trung chính vào đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã bằng việc mở tới 74 lớp tập huấn về phương pháp xây dựng kế hoạch từ cơ sở, phương pháp quản lý dự án, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sức khoẻ sinh sản, quản lý tài nguyên môi trường và hỗ trợ hộ nghèo để tăng gia sản xuất gồm: trâu, bò sinh sản, máy công cụ, hỗ trợ kinh phí để khai hoang ruộng nước... qua đánh giá năm đầu dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực nên năm 2005 Dự án tiếp tục triển khai trên quy mô rộng hơn tới 7 xã gồm: Tú lệ, Gia Hội, Nghĩa Sơn, Suối Giàng, Minh An, Nậm Búng, Nậm Lành với tổng số 58 thôn bản được đầu tư. Nói về sự mở rộng đầu tư của Dự án, ông Nguyễn Xuân Dư- Phó chủ tịch UBND huyện, Giám đốc Dự án cho biết:” Đối với Dự án Chia Sẻ, khác với các dự án đầu tư khác là phương pháp xây dựng kế hoạch sử dụng vốn được đổi mới, phù hợp với nguyện vọng của người dân (người dân tự đề xuất  các nhu cầu sử dụng vốn, Ban quản lý xã rà soát và xem xét cụ thể sau đó trình lên huyện và huyện cùng với tư vấn quốc tế và trong nước bàn bạc, xem xét đầu tư, trên cơ sở này xã, thôn tổ chức thực hiện theo kế hoạch được giao).

Qua 4 năm triển khai Dự án đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, trong đó năm 2004 đầu tư 2 tỷ 444 triệu đồng, năm 2005 là 6 tỷ 984 triệu đồng, năm 2006 là 22 tỷ 333 triệu đồng và kế hoạch năm 2007 là 14 tỷ 723 triệu đồng. Năm 2006 là năm đầu tiên Dự án chấp nhận mở rộng thêm một số lĩnh vực như: xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ; phát triển giáo dục, y tế, tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động hỗ trợ tạo thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp. Dự án còn hỗ trợ cả về khắc phục hậu quả do cơn bão số 7 năm 2005. Một niềm vui lớn là năm nay Dự án có kế hoạch mở rộng thêm 2 xã là: Sơn Lương và Nậm Mười. Tuy nhiên, hiện nay huyện đang gặp phải không ít khó khăn như: phương pháp quản lý điều hành theo mô hình mới, nên không những các xã được đầu tư mà ngay cả Ban quản lý dự án huyện cũng gặp nhiều lúng túng; trách nhiệm cán bộ dự án từ huyện đến cơ sở chưa cao, năng lực chưa cập với yêu cầu, còn thiếu sâu sát với cơ sở, người dân chưa hiểu và sử dụng đúng các quy định về phân cấp, trao quyền theo quy định của Dự án...”.

Suối Giàng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện. Toàn xã có 8 thôn bản, trong đó có 3 thôn cách trung tâm xã từ 8 đến 10 km. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Tỷ lệ đói nghèo toàn xã theo tiêu chí mới là 67%. Năm 2005 xã được dự án đầu tư 444 triệu đồng và năm 2006 được nâng lên 1 tỷ 600 triệu đồng. Các đồng chí trong Ban quản lý Dự án xã đưa chúng tôi đi thăm tuyến đường mới mở rộng từ trung tâm xã qua bản Giàng B lên bản Giàng Cao dài trên 600 m. Đi đến đâu cũng thấy bà con cũng phấn khởi. Chị Giàng Thị Nhung - nhóm trưởng nhóm dệt ở bản Giàng B khoe:” Chị em phụ nữ chúng tôi ở vùng cao lúa chỉ cấy có một vụ, nay được Dự án Chia sẻ đầu tư 1 máy dệt thổ cẩm và 2 máy khâu cho nhóm, 12 chị em ai cũng mừng vì có việc lúc nông nhàn mà lại có thêm thu nhập. Khó khăn với chị em là mong có được cái nhà để máy chứ hiện tại đây vẫn là hội trường của thôn. Riêng nguyên liệu để dệt, chúng tôi đã vận động chị em tích cực trồng ở mọi nơi có thể để đáp ứng nguyên vật liệu cho hoạt động... “. Chị Vàng Thị Chư, là người cùng bản được Dự án đầu tư cho nuôi chung một con bò với hộ ông Bùi Văn Tự, khi được hỏi chị cho biết: Hai gia đình chúng tôi đều là hộ nghèo, được Dự án hỗ trợ cho con bò từ tháng 9 năm 2005 giá trị 4,5 triệu đồng, đến nay đã được gần 2 năm nhưng chúng đã sinh được 2 bò con và bây giờ giá trị đã khoảng hơn 10 triệu đồng rồi. Nhưng chúng tôi đã bàn với nhau là không bán và cứ nuôi để cho nó sinh sản nhiều hơn”.

Qua 4 năm thực hiện, mặc dù kết quả đạt được chưa nhiều như mong muốn, nhưng hiệu quả của Dự án đã được khẳng định, đó là những hộ dân tộc thiểu số nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn đã được hưởng lợi. Dự án đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống kinh tế, xã hội của bà con dân tộc thiểu số nghèo. Nhiều ý kiến của địa phương cũng như nhân dân mong muốn Dự án tiếp tục được kéo dài, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc giảm bớt khó khăn, tạo động lực chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương vùng cao của huyện, tiếp cận đa ngành, đa nghề trong phát huy sức mạnh nội lực để phát triển bền vững.

Thái Hưng