Thành phố Yên Bái: Còn khó khăn trong thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Có một thời kỳ, những người dân lao động tự do mong muốn được đóng bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYT), để được chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ về kinh phí khi ốm đau, bệnh tật, đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh, giảm gánh nặng cho người dân khi mắc những căn bệnh hiểm nghèo. Những bây giờ vấn đề đó đã không còn là mối lo trong họ.

Khám chữa bệnh cho bệnh nhân bảo hiểm y tế tự nguyện ở Bệnh viện đa khoa thành phố Yên Bái.
Khám chữa bệnh cho bệnh nhân bảo hiểm y tế tự nguyện ở Bệnh viện đa khoa thành phố Yên Bái.

ở thành phố Yên Bái qua gần 3 năm triển khai thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Công tác triển khai BHYT tự nguyện đã có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và cơ quan BHXH thành phố. Nhận thức của nhân dân về tham gia BHYT tự nguyện ngày càng cao.

 Năm 2005, đã có 10.719 người tham gia BHYT tự nguyện với tổng số tiền 490 triệu 818 nghìn đồng bằng 137% kế hoạch. Trong đó BHYT tự nguyện nhân dân có 2883 người, BHYT tự nguyện học sinh có 7836 em.

Kết quả quản lý và thực hiện chi phí khám chữa bệnh năm 2005 có 17.202 lượt người được khám và điều trị bệnh, với tổng nguồn kinh phí 1 tỷ 124 triệu 073 nghìn đồng (chưa kể nguồn kinh phí thanh toán khám chữa bệnh đa tuyến tại tuyến trung ương). Bình quân 1 lượt khám cho 1 đơn thuốc là 34 nghìn 167 đồng, bình quân 1 ngày điều trị 44 nghìn 383 đồng.

 Bà Đặng Thị Bình. Giám đốc BHXH thành phố cho biết: "Qua công tác khám chữa bệnh và điều trị bằng BHYT tự nguyện đã cứu chữa kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phát hiện ngăn chặn các nguy cơ mầm bệnh tiềm ẩn, đưa ra các biện pháp phòng bệnh kịp thời, BHYT tự nguyện đã thực sự mang tính cộng đồng chia sẻ, là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta".

Năm vừa qua, BHYT thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo triển khai công tác BHYT tự nguyện thành phố, với sự tham gia tích cực của các ngành thành viên và sự phối hợp của UBND các xã, phường. Kết quả đã có 11.292 trường hợp tham gia BHYT tự nguyện. Trong đó, BHYT tự nguyện hộ gia đình và các tổ chức đoàn thể là 3159 trường hợp, BHYT tự nguyện học sinh là 8133 trường hợp và 6 tháng năm 2007 đã có 9545 trường hợp tham gia BHYT tự nguyện, trong đó học sinh là 8133 em, hội đoàn thể và gia đình 1.412 trường hợp.

Có thể nói, công tác bảo hiểm y tế tự nguyện trên địa bàn thành phố đã từng bước đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Trong đó có nhiều trường hợp điều trị hưởng chế độ BHYT cao, như trường hợp của ông Vũ Đình Nhị ở xã Nam Cường được hưởng chế độ BHYT số tiền điều trị gần 3 triệu đồng, ông Trần Văn Hải phường Minh Tân hưởng số tiền điều trị gần 2 triệu đồng, bà Nguyễn Lệ Thuỷ (phường Nguyễn Thái Học) hưởng số tiền 5 triệu 127 nghìn đồng, ông Lê Sỹ Trình phường Yên Ninh hưởng số tiền 6 triệu 741 nghìn đồng và nhiều trường hợp học sinh không may gặp bệnh hiểm nghèo được hưởng số tiền lớn từ nguồn quỹ BHYT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai BHYT tự nguyện trên địa bàn thành phố hiện nay còn gặp những khó khăn nhất định do nhận thức của một số hộ nhân dân về ý nghĩa, quyền lợi và tầm quan trọng công tác BHYT tự nguyện, để xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân trước vấn đề sức khoẻ cộng đồng còn hạn chế.

Các ngành chức năng chưa thực sự làm tốt vai trò tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức triển khai và thực hiện nhiệm vụ công tác BHYT trong hệ thống của mình, công tác tuyên truyền vận động chưa sâu và chậm đổi mới.

Thêm vào đó, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một số cán bộ y tế chưa được chấn chỉnh kịp thời, làm ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân. Mặt khác, nếu như năm 2005, thực hiện Thông tư liên tịch số 77 của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, mức đóng BHYT tự nguyện thành thị một người là 80.000đ, nông thôn là 60.000đ; học sinh, sinh viên là 35.000đ thì đến năm 2005, theo Thông tư số 22 của Bộ Y tế – Tài chính, bắt đầu thực hiện từ ngày 01/1/2006 đến 30/9/2006 thì mức đóng BHYT tự nguyện thành thị cho 1 người dân đã là 130.000đ, nông thôn là 100.000đ, học sinh thành thị 50.000đ, học sinh nông thôn 40.000đ.

Từ 01/10/2006 đến 31/3/2007 vẫn theo Thông tư số 22, song có văn bản hướng dẫn thay đổi mức đóng BHYT tự nguyện cho 1 người dân thành thị là 160.000đ, nông thôn 130.000đ và học sinh, sinh viên là 50.000đ và theo Thông tư mới nhất số 06 của Bộ Y tế  - Tài chính, được thực hiện từ 01/7/2007, quy định mức đóng BHYT tự nguyện cho 1 người dân ở thành thị là 280.000đ, nông thôn 180.000đ, học sinh sinh viên thành thị 70.000đ, học sinh nông thôn 50.000đ.

Trong một thời gian ngắn mà quy định mức đóng BHYT tự nguyện thay đổi như vậy, đã phần nào ảnh hưởng tới công tác triển khai BHYT tự nguyện trên địa bàn. Bởi hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố Yên Bái chưa phát triển mạnh, mặt bằng đời sống kinh tế của nhân dân chưa cao, nên còn gặp những khó khăn nhất định.

Để triển khai thực hiện tốt công tác BHYT tự nguyện trên địa bàn thành phố trong năm 2007 và những năm tiếp theo, bên cạnh những giải pháp như thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân và làm tốt công tác tham mưu cho UBND các xã, phường cần có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác BHYT tự nguyện  trong hệ thống của mình, góp phần thực hiện tốt mục tiêu, tiến tới BHYT toàn dân của Đảng và Nhà nước ta vào năm 2010.

Thu Hồng