Yên Bái: Chủ động phòng chống “dịch lợn tai xanh”

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa phát hiện có dịch bệnh này nhưng theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và trước tình trạng buôn bán vận chuyển lợn, thịt lợn cũng như sản phẩm từ thịt lợn như hiện nay không ai đảm bảo rằng dịch bệnh không phát sinh.

Dịch Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) hay còn gọi là bệnh lợn "tai xanh" đang diễn ra phức tạp. Đây là loại dịch rất nguy hiểm và có tốc độ lây lan nhanh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh lợn "tai xanh", tỉnh đã chủ động vận động, tuyên truyền tới người chăn nuôi cách phòng chống. Khi phát hiện dịch người chăn nuôi phải báo ngay với cơ quan thú y sở tại để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời; tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng tại tất cả các cơ sở chăn nuôi, chuồng trại, nơi buôn bán và các khu vực công cộng; tiếp tục duy trì hoạt động 5 chốt kiểm dịch cúm gia cầm trên các tuyến giao thông đi vào địa bàn tỉnh để kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn đưa vào địa bàn; kiên quyết xử lý tiêu huỷ lợn và sản phẩm lợn vận chuyển không có giấy kiểm dịch của cơ quan chuyên môn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định.

Nhằm đảm bảo sức khoẻ cho con người, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ cũng như các địa phương khác đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát khâu vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc gia cầm, trong đó có lợn. Một vấn đề không thể không nói tới là hiện nay chúng ta không thể phân biệt được lợn bị mắc bệnh "tai xanh" hay mắc bệnh liên cầu bằng mắt thường mà phải qua xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Do vậy, người tiêu dùng không nên ham rẻ mua thịt lợn ốm, không mua thịt có mầu đỏ bất thường hoạc bị phù nề; chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch, có dấu kiểm dịch. Khi chế biến thịt cần mang găng tay, tránh không để tay bị trầy xước đặc biệt không ăn tiết canh và nội tạng lợn khi chưa được nấu chín. Bệnh lợn "tai xanh" và bệnh liên cầu lợn là hai loại bệnh hoàn toàn khác nhau. Bệnh lợn "tai xanh" là do tình trạng nhiễm vi-rút, còn bệnh liên cầu lợn là do vi trùng gây nên.

Tuy nhiên, nếu lợn đã mắc "tai xanh" thì rất dễ bị nhiễm liên cầu khuẩn. Trên thực tế hiện nay chỉ có nhiễm liên cầu khuẩn mới lây qua người. Những người bị nhiễm bệnh có triệu chứng như: nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm nội tâm mạc… rất nguy hiểm đến tích mạng con người. Bệnh lây từ lợn sang người chủ yếu qua tiếp xúc với các vết trầy xước…chứ chưa ghi nhận thấy lây từ người sang người. Đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất là những người giết mổ, làm thịt, tiếp xúc trực tiếp với lợn, thịt lợn nhiễm bệnh.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện gửi các cơ quan chuyên môn và các ngành liên quan, huyện thị về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Các ngành, địa phương cũng đã triển khai các biện pháp theo Công điện và hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi thì tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm và lợn vẫn rất lộn xộn. Nhiều điểm bán thịt lợn vẫn bày bán sản phẩm không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Các chốt kiểm dịch trên các tuyến đường giao thông tuy có trực song vẫn làm không triệt để. Thiết nghĩ, các ngành chuyên môn và các địa phương hãy cảnh giác và chủ động phòng chống dịch, người chăn nuôi và người tiêu dùng cần ý thức hơn trong việc mua bán vận chuyển gia cầm và lợn.     

Thanh Phúc