Đội mũ bảo hiểm để "thông" cái đầu

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm 2007, cả nước có 6.910 người chết vì tai nạn giao thông, trung bình mỗi ngày 38 người tử vong. Còn ở Yên Bái, 43 người đã chết vì tai nạn giao thông, trong đó tai nạn giao thông đường bộ làm chết 40 người. Hàng chục người bị thương, nhiều người phải nhập viện, hàng trăm phương tiện bị hư hỏng vì tai nạn giao thông.

Từ 1/9/2007, tất cả cán bộ, CNVC, lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. (Ảnh Thanh Hương)
Từ 1/9/2007, tất cả cán bộ, CNVC, lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. (Ảnh Thanh Hương)

Thực trạng thật đau xót! Vậy mà không ít người tỏ ra bàng quan, họ coi đó là việc của những cơ quan chức trách. Có lẽ người ta đang quan tâm nhiều hơn đến những chuyện "to tát", hệ trọng, có tầm cỡ thế giới, kiểu như chiến tranh Irắc, bạo loạn ở Philippin, đấu súng ở nơi này nơi khác làm mấy người chết, hay việc giam giữ hai chục con tin người Hàn Quốc. Không ít người túm tụm bàn bạc đến tình hình bệnh dịch cúm gia cầm, bệnh tai xanh ở lợn, bệnh sốt xuất huyết ở người. Lẽ nào dân Việt Nam chưa biết rằng, tai nạn giao thông đã trở thành thảm họa đối với thế giới. Người ta dự tính từ nay đến 2020, tai nạn giao thông sẽ là nguyên nhân thứ ba gây tử vong trên thế giới chỉ sau nạn đói và bệnh AIDS.

Vậy mà, chỉ thêm một người chết vì cúm gia cầm ở Indonesia, một bệnh nhân ở Hà Tây tử vong do H5N1, một trường hợp nào đó nhập viện muộn nên tử vong do ngộ độc thực phẩm thì dư luận xã hội cứ nóng lên. Lập tức người ta cố gắng tìm những thực phẩm tin cập, có ngay nhưng biện pháp phòng vệ và lo lắng cho tính mạng của bản thân và cả gia đình họ. Nóng bỏng nhất là mấy chục người qua đời trong đợt mưa lũ ở các tỉnh miền Trung hồi đầu tháng 8 đã để lại sự xót thương vô hạn và sự sẻ chia tình nghĩa của mỗi người dân mọi miền Tổ quốc.

Thiên tai, bão lũ, người dân ở đây rơi vào tình trạng bất khả kháng, thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Mất mát không gì bù đắp được chính là hàng chục người đã tử vong do trận lũ hàng chục năm nay mới có. Con số này tương đương với số người chết do tai nạn giao thông mỗi ngày. Một sự so sánh thật khập khiễng - người ta sẽ nó như vậy. Nhưng họ đâu có quan tâm nhiều đến những cái chết do tai nạn giao thông, hoặc có chăng cũng chỉ nghe đây đó thế thôi. Chính họ cũng không biết rằng, 38 người/ngày trong cả nước, 40 người trong sáu tháng của Yên Bái chết vì tai nạn giao thông đều xác định được nguyên nhân. Nào là không đi đúng phần đường, chạy quá tốc độ, nào là phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng rượu bia quá mức cho phép và nhiều nguyên nhân khác nữa.

Ngoài một số nơi công trình giao thông xuống cấp, hoặc bị con người lấn chiếm vào các mục đích khác thì hầu hết nguyên nhân được xác định là lỗi của người tham gia giao thông. ý thức của người tham gia giao thông ở Việt Nam nói chung và của người Yên Bái nói riêng có quá nhiều điều phải bàn. Hình như họ không nghĩ là chấp hành luật lệ giao thông là việc làm có lợi cho bản thân.

Nhiều người cố tình vi phạm, khi vi phạm bị xử lý thì tìm cách này cách khác để xin xỏ. Có người vi phạm nhiều lần cùng một lỗi như: vượt đèn đỏ, lái xe quá tốc độ quy định, hoặc chở quá số người trên mô tô, xe máy, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện trên đoạn được bắt buộc đội mũ bảo hiểm, vân vân và vân vân. Chẳng lẽ việc chấp hành luật giao thông lại nằm ngoài ý thức của những người đang còn đủ minh mẫn để tham giao thông?

Không còn cách nào khác là phải tìm mọi cách để tạo ra ý thức cho người tham gia giao thông, làm cho mọi người thông suốt trong suy nghĩ, trong tư tưởng để rồi điều khiển hành vi của mình mỗi khi "lên đường"!

Thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai với nhiều biện pháp kiên quyết. Công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, tiếp đó là việc cưỡng chế thi hành pháp luật, quy trách nhiệm cho những người đứng đầu địa phương, cơ quan đơn vị; nếu cán bộ, viên chức vi phạm thì gửi thông báo đến cơ quan đơn vị…

Nhưng trước mắt, từ ngày 1/9/2007, tất cả các cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường, rồi đến mỗi người dân khi tham gia giao thông phải chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi điểu khiển mô tô, xe máy.

Việc làm này không thật khó, nhưng cũng không đơn giản, nhất là với những người vốn thiếu ý thức. Nhưng dù sao cũng phải cố gắng để mỗi lần "lên đường" là một lần đội mũ, một lần có thêm ý thức!. Và như thế người ta sẽ dần thông về tư tưởng, "thông" cái đầu - cái đầu có ý thức của người tham gia giao thông trong xã hội văn minh.

Minh Quang