Để hồ Thác Bà sinh sôi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Yên Bái có 32.000 ha mặt nước, thì hồ Thác Bà chiếm 19.050 ha. Nơi đây nơi có nhiều loài cá quí, với 96 giống loài và phân loài thuộc 74 giống, 18 bộ và 6 họ, hàng năm cho khai thác hơn 1000 tấn cá, tôm...chiếm 1/3 tổng sản lượng thuỷ sản khai thác nuôi trồng hàng năm trong toàn tỉnh.

Cần có sự cộng đồng trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên hồ.
Cần có sự cộng đồng trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên hồ.

Từ năm 1997 trở về trước, do công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chưa được thực hiện nên tình trạng người dân khai thác cá bừa bãi dưới nhiều hình thức như: sử dụng thuốc nổ, xung điện, chất độc, lưới vét mang tính tận thu huỷ diệt mà không người quản lý. Có thời điểm, hai huyện Yên Bình và Lục Yên  đã chỉ đạo chính quyền các xã ven hồ và công an ngăn chặn nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do bà con ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn, công tác bảo vệ chưa được thường xuyên, liên tục.

Thấy rõ tầm quan trọng, Trung tâm Thủy sản Yên Bái đã sử dụng tới 10 người chiếm 1/3 biên chế cho công tác này; trong đó Phòng Quản lý nguồn lợi thuỷ sản có 4 người và 6 người nằm trong đội kiểm tra, kiểm soát. Dựa trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và qui định quản lý của ngành, Trung tâm đã tham mưu cho tỉnh ban hành “Qui chế về quản lý nuôi trồng, bảo vệ, khai thác nguồn lợi thuỷ sản”. Từ đó, tập trung vào quản lý các hoạt động khai thác, nuôi trồng thuỷ sản; tuyên truyền phổ biến pháp luật; thanh, kiểm tra các hoạt động khai thác, nuôi trồng; qui hoạch, bảo vệ tái tạo lại nguồn thuỷ sản cho cho hồ Thác Bà...

Cùng với mở hàng trăm lớp tập huấn, phát hàng trăm tờ rơi và hàng nghìn bộ tài liệu cho hàng nghìn lượt người học tập các qui định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; Trung tâm còn phối hợp với lực lượng công an lồng ghép cùng chương trình vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc để tuyên tuyền tới tất cả các thôn, bản vùng ven hồ Thác Bà. Qua đó đã nắm được những người sử dụng công cụ cấm như: mìn, xung điện, chất độc khai thác thuỷ sản; phối hợp với công an và địa phương giáo dục, nhắc nhở, yêu cầu cam kết từ bỏ nghề cấm. Đến nay phần lớn những người này đã chuyển sang khai thác hợp lý và nuôi trồng thuỷ sản.

Do hồ Thác Bà rộng, nhiều eo ngách, để bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thuỷ sản, Trung tâm đã vận động, hướng dẫn, giúp đỡ các xã có diện tích mặt nước lớn có nhiều ngư dân khai thác thành lập 10 tổ, đội bảo vệ, khai thác thuỷ sản tự quản. Để quản lý số tàu thuyền đánh cá trên hồ, hàng năm có từ 250 - 400 thuyền được Trung tâm cấp đăng ký cho khai thác, qua đó, kiểm soát được số lượng, chủng loại ngư cụ đưa ra kế hoạch bảo vệ. Việc người dân sử dụng lưới mắt nhỏ khai thác có tính tận thu cả cá non và các bãi cá đẻ tự nhiên đã được qui hoạch bảo vệ trong mùa di cư sinh sản đã giảm.

Trung tâm còn khuyến khích, hướng dẫn nhân dân nuôi cá lồng trên hồ và các sông suối cho thu lãi bình quân 3 triệu đồng/bè/ năm góp phần quan trọng giảm áp lực khai thác trên hồ Thác Bà. Lực lượng thanh tra của Trung tâm còn phối hợp cùng công an và chính quyền các xã thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm trên 800 các vụ sai phạm; hàng trăm quả mìn tự chế, hàng nghìn kíp nổ, cùng nhiều kích điện lưới mắt nhỏ đã được thu giữ xử phạt nộp ngân sách trên 100 triệu đồng. Đặc biệt có một vụ vi phạm về sử dụng chất nổ khai thác thuỷ sản đã bị đưa ra truy tố trước pháp luật.

Để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, Trung tâm khoanh vùng, qui hoạch 2 bãi cá đẻ tự nhiên rộng 400 ha trên hồ không cho khai thác trong thời gian cá di cư đẻ trứng lập kế hoạch thả cá giống hàng năm bổ sung nguồn lợi cho hồ Thác Bà. Từ năm 1997 đến nay, hàng triệu con cá giống đã được thả xuống hồ. Đợt 1 năm 2007, Trung tâm đã thả tổng số 2.656 kg cá mè và trôi giống với số lượng 147.295 con; đợt 2 vào tháng 8 thả thêm 7 tấn cá giống trôi, mè nữa.

Nhưng để nguồn lợi thuỷ sản trên hồ Thác Bà, ngày một sinh sôi bền vững, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng – Giám đốc Trung tâm: “Chính quyền các xã và một số ngành liên quan không nên coi quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản là trách nhiệm riêng của Trung tâm. Cần hình thành được tổ chức chuyên môn bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở huyện và xã; đồng thời tăng cường cả về trình độ quản lý, trang thiết bị và kinh phí cho hoạt động này. Các hoạt động mới như: qui hoạch bảo vệ bãi cá đẻ tự nhiên, quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản dựa vào cộng đồng và thả cá giống bổ sung nguồn lợi Trung tâm đang rất cần có sự giúp đỡ của Bộ chủ quản và các nhà chuyên môn, nhà khoa học”.

Đào Minh