62 năm phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Được sinh ra trong những ngày sục sôi của cách mạng và trải qua nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với tình hình của từng thời kỳ cách mạng, 62 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, ngành văn hóa - thông tin tỉnh Yên Bái luôn bám sát thực tiễn cuộc sống từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Lớp bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý văn hóa ở các huyện, thị trong tỉnh tại Trường VHNT tỉnh Yên Bái.
Lớp bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý văn hóa ở các huyện, thị trong tỉnh tại Trường VHNT tỉnh Yên Bái.

Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược của dân tộc, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến", công tác văn hóa - thông tin thực sự là vũ khí sắc bén, là đội quân tư tưởng trong thời chiến, đi sâu, bám sát cơ sở để phục vụ.

Qua mục thời sự trong sinh hoạt, qua các hoạt động tuyên truyền miệng, phát thanh bằng loa tay đều đặn hằng ngày, qua các đội tuyên truyền xung phong đi vào những vùng chiến đấu, vùng sâu, vùng xa, những chủ trương, chính sách của Đảng, những tin chiến thắng, những sự tích anh hùng, những tội ác của giặc, những tình cảm của nhân dân, những công việc sản xuất được phổ biến, cổ vũ kịp thời, trở thành những bài ca, bức họa gây nhiều cảm xúc mạnh mẽ trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Khẩu hiệu trên nón, trên mũ trên áo, thơ ca hò vè cổ động và những bài cách mạng là nguồn cổ vũ khí phách anh hùng và niềm lạc quan cách mạng của quần chúng.

Nhiều phong trào cách mạng của quần chúng như: "Quỹ độc lập", "Tuần lễ vàng", "Nam tiến", "Kháng chiến kiến quốc", "Bình dân học vụ"... của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Tay cày, tay súng", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh giặc Mỹ xâm lược"... của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đều được ngành văn hóa - thông tin tuyên truyền, vận động góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước ngày càng đi vào chiều sâu trên mọi mặt của đời sống xã hội, cùng với những diễn biến nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới khi bước vào thế kỷ XXI, mở ra thời cơ và vận hội lớn, song cũng xuất hiện những nguy cơ và thách thức không nhỏ đòi hỏi công tác văn hóa - thông tin phải đổi mới mạnh mẽ, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) của Đảng để cho văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, ngành văn hóa - thông tin đã chủ động xây dựng các chương trình hành động, đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nên sự nghiệp văn hóa - thông tin có bước tiến mới góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao dân trí và loại bỏ dần các tệ nạn, hủ tục lạc hậu trong đời sống nhân dân, đặc biệt đã tạo ra động lực ngày càng to lớn trong sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Bên cạnh công tác quản lý nhà nước về văn hóa, phát triển sự nghiệp và các hệ thống thiết chế văn hóa - thông tin, đặc biệt chú trọng đến cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trong nhiều năm phát động và tổ chức thực hiện, phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phong trào thi đua yêu nước của quần chúng nhân dân. Kết quả cụ thể: Về xây dựng gia đình văn hóa: năm 2006, toàn tỉnh có 136.269/157.975 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (đạt 86,3% so với tổng số hộ toàn tỉnh). Qua bình xét đã có tới 79% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, tăng 5% so với kế hoạch.

Về xây dựng làng, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn văn hóa, đến nay toàn tỉnh đã có 1.148/2.338 làng, bản, tổ dân phố đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu văn hóa, nâng tổng số làng, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa toàn tỉnh lên 708/2.338 (đạt 30,2%).

Việc xây dựng nhà văn hóa ở các thôn, bản, tổ dân phố  tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến năm 2006, toàn tỉnh đã có 852 nhà văn hóa thôn, bản, khu phố (đạt 36,4%). Kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa ở xã, phường, thị trấn toàn tỉnh hiện lên tới trên 15 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 80%, còn lại là hỗ trợ của Nhà nước.

Phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa được triển khai từ năm 2002, đến nay đã có 7/9 huyện, thị, thành triển khai mô hình điểm chỉ đạo. Năm 2006, toàn tỉnh có thêm 10 xã, phường, thị trấn ra mắt xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa nâng tổng số toàn tỉnh lên 16 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa.

Về xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa: năm 2006, toàn tỉnh có 1.234/1.268 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa; kết quả có 1.184/1.268 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn (đạt 94%, tăng 1,2% so với năm 2005). Việc thực hiện nếp sống văn minh gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã trở thành những quy ước trong các gia đình, làng, bản, cơ quan, đơn vị văn hóa.

Nhiều tệ nạn xã hội đã từng bước được đẩy lùi và xóa bỏ. Nạn tảo hôn, bắt buộc ở rể, thách cưới bằng bạc trắng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm nhiều. Tệ cờ bạc, trộm cắp, mại dâm đã giảm hẳn, phá nhiều tụ điểm nghiện hút, tiêm chích ma túy, các vụ buôn bán ma túy được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nếp sống văn minh, trật tự giao thông vệ sinh công cộng đã từng bước đi vào nền nếp. Nhiều văn hóa phẩm độc hại được ngăn chặn và thu hồi xử lý tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh.

Công tác xã hội hóa với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã khơi dậy được phong trào xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) nhà văn hóa, tụ điểm sinh hoạt vui chơi giải trí cho nhân dân và trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, trong thời gian tới, ngành văn hóa - thông tin tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động văn hóa - thông tin, các hoạt động khoa học, xã hội và nhân văn, đề cao giá trị đạo đức truyền thống, kế thừa, phát huy tinh hoa văn hóa nhân loại, "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc";

Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội, văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa Đảng và sinh hoạt văn hóa của nhân dân; tăng cường củng cố hoạt động văn hóa thông tin cơ sở, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, làng, bản, khu phố, xã, phường văn hóa một cách đồng bộ, liên tục, quy mô lớn, hiệu quả xã hội cao, phát triển chiều sâu và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện.

Đồng thời gìn giữ, tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể; phát triển mạng lưới tủ sách nhà trường, củng cố xây dựng thư viện cấp huyện, thị, thành phố; khuyến khích sáng tác các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị ca ngợi đất nước, quê hương đổi mới, những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Mặt khác, cùng với sưu tầm vốn văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật phục vụ nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân; ra sức phát triển và từng bước hiện đại hóa công tác văn hóa - thông tin để đáp ứng nhiệm vụ thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa - thông tin ngoài xã hội, hướng dẫn quản lý cấp giấy phép, tổ chức kiểm tra, thanh tra thường xuyên nhằm đảm bảo môi trường văn hóa ở địa phương phát triển lành mạnh, nhân dân được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần giàu tính nhân văn và có nghệ thuật cao.

Trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, nền tảng tinh thần của xã hội cần đặc biệt quan tâm phát triển văn hóa cơ sở, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa xôi, hẻo lánh.

Chú trọng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục và tệ nạn xã hội, thực hiện tốt Chỉ thị 27/CT/BTC của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống các dân tộc nhằm khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng quê hương. Đẩy mạnh hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng: Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình; chiếu bóng, thông tin lưu động, cổ động đi đôi với tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác báo chí xuất bản, các dịch vụ văn hóa nhằm đảm bảo môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh theo phương châm "Xây để chống" và "Chống để xây", trong đó lấy "Xây để chống" là chính.

Nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh chống âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư nguồn lực nhằm xây dựng hệ thống thiết chế, trang thiết bị, kỹ thuật đủ mạnh để phục vụ cho công tác xây dựng đời sống văn hóa - thông tin cơ sở.

Nhìn lại chặng đường 62 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta có thể tự hào về những thành tựu mà ngành đã đạt được trong một thời kỳ đầy khó khăn, thử thách, rực lửa cách mạng để càng thêm tin tưởng, tiếp tục phấn đấu, thực hiện thắng lợi sứ mệnh "Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng" của Đảng, góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

Tạ Xuân Hiếu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Yên Bái