Đường quê mở lối đi lên mạnh giàu

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vài năm trở lại đây, Yên Bái đã có với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và đang hình thành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường. Khó ai có thể tin nổi một vùng quê miền núi còn gặp muôn vàn khó khăn vậy đã nhiều năm nay luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt ở mức hai con số.

Đường lên huyện Mù Cang Chải.
Ảnh: Nguyễn Đình
Đường lên huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Nguyễn Đình

Thắng lợi nhất là đã đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cao, vùng thấp đã có lúa gạo hàng hoá, sản xuất công nghiệp đạt giá trị trên một ngàn tỷ đồng. Các vùng quê đang trên đường xây dựng nông thôn mới, đường điện lưới, trường học, trạm y tế cơ bản được kiên cố hóa. Khoảng cách đời sống nhân dân và hạ tầng cơ sở giữa nông thôn và thành thị đã được thu hẹp dần. Đạt được những kết quả đó có sự lãnh chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, song bên cạnh đó có sự đóng góp không nhỏ từ sự đầu tư cho hệ thống đường giao thông.

Với khó khăn của tỉnh miền núi, hệ thống giao thông rất bất cập, ngoài vài trục đường chính thì hầu hết các tuyến đường tỉnh, đường huyện, xã là đường mòn nằm bên các sườn đồi, núi cao, hiểm trở. Việc đi lại của nhân dân rất khó khăn, từ huyện đến tỉnh phải mất hàng ngày đường đi ô tô, còn từ xã đến huyện mất vài ba ngày đường. Vẫn biết phát triển giao thông nông thôn là phát triển giao lưu văn hoá giữa vùng, miền, thúc đẩy kinh tế-xã hội, song nguồn vốn đầu tư cho giao thông có hạn.

Trước thực trạng đó, Yên Bái đã phát huy nội lực, vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào làm giao thông nông thôn. Tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để huy động vận động nhân dân tham gia phù hợp, nơi có đá thì góp đá, cát, sỏi thì góp sỏi, nơi góp ngày công san nền, đánh đất, nơi thì góp tiền.

Từ một tỉnh chỉ có vài xã gần tỉnh, huyện mới có đường ô tô đến trung tâm xã thì hôm nay 100% số xã có đường ô tô đến, cơ bản các tuyến đường đã được bê tông hoá, nhựa hoá mặt đường (ngoại trừ các xã đặc biệt khó khăn, vùng cao). Ai đã từng ở Yên Bái, đến Yên Bái và đi trên các tuyến đường ven theo các triền núi đá cao, hiểm trở thì mới thấy hết giá trị của các tuyến đường giao thông liên thôn, xã từ 9 huyện, thị, thành phố đến trung tâm 180 xã, phường. Nhiều xã ở Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn... có đường đá láng nhựa, bê tông hoá đến các thôn và đường trong xóm.

Yên Bái thực sự là một tỉnh dẫn đầu các tỉnh miền núi về xây dựng giao thông nông thôn với phương châm nhân dân đóng góp vật liệu tại chỗ và đóng góp ngày công làm nền đường, Nhà nước hỗ trợ vật tư kỹ thuật, máy thi công, làm mặt đường...Với những giải pháp đó đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và tạo nên một phong trào làm giao thông nông thôn rộng khắp.

Những tuyến đường bê tông, đường nhựa đạt tiêu chuẩn đường miền núi ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã. Đường huyện, đường xã và cả đường thôn, bản đã ngày một nhiều hoà nhập vào mạng đường tỉnh lộ, Quốc lộ và gần như không có sự khác biệt lớn. Xe đi, mắt thấy những con đường giao thông nông thôn ở Lục Yên, đúng là "không biết đánh giá đường của xã nào tốt hơn xã nào".

 Ngày mà tỉnh, huyện, nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang trong tỉnh dồn công, dồn sức cùng nhân dân Trạm Tấu làm tuyến đường lên xã vùng cao Tà Xi Láng mới thấy hết được sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Yên Bái. Giao thông phát triển cũng đồng nghĩa với sự thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương, không có đường mọi sản phẩm hàng hoá do nông dân sản xuất ra chủ yếu là "tự sản tự tiêu", đường mở ra rồi phát triển thành hàng hoá, nâng cao giá trị kinh tế.

Tuyến đường Đông hồ là một minh chứng rõ nét cho thúc đẩy phát triển kinh tế, trước đây cả vùng "nằm im" nhưng từ khi con đường được thông xe đã nối liền các xã huyện Lục Yên với Yên Bình, thành phố Yên Bái và các tỉnh lân cận tạo mối giao lưu kinh tế, văn hoá.

Khó ai có thể tin nổi một vùng đất đầy khó khăn và thiếu thốn đủ mọi thứ, nay lại có một sức vươn kỳ diệu đến vậy! Hàng ngày xe cộ từ Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang chở hàng đến trao đổi buôn bán rồi lại chất đầy hàng hoá, lúa gạo, lâm sản đi khắp nơi tiêu thụ. Khi nói về sự khởi sắc của vùng quê Đông hồ hôm nay, ông Quyền Anh Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kiên-Yên Bình phấn khởi nói:" Sự vươn lên trong phát triển kinh tế-xã hội trong vùng ngoài sự nỗ lực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhân dân còn có sự đóng góp không nhỏ từ những tuyến đường giao thông, đường mở đến đâu kinh tế phát triển đến đó".

Rõ ràng, phát triển giao thông cũng đồng nghĩa với phát triển kinh tế-xã hội! Thiết nghĩ, trong những thời gian tới chúng ta hãy phát huy phong trào làm giao thông mạnh hơn nữa để ngày càng có nhiều tuyến đường nối dài và vươn xa đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.

Ngọc Trúc