Bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những năm qua, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tỉnh Yên Bái đã thường xuyên xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động gắn với bảo tồn, phát huy giá trị những lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Các chàng trai Thái đang hát trên 
đường vào Hạn Khuống trong Hội Lồng Tồng, Rằm tháng Giêng xã Tú Lệ - Văn Chấn.  (Ảnh: Thế  Sinh)
Các chàng trai Thái đang hát trên đường vào Hạn Khuống trong Hội Lồng Tồng, Rằm tháng Giêng xã Tú Lệ - Văn Chấn. (Ảnh: Thế Sinh)

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 lễ hội tín ngưỡng dân gian. Lễ hội có quy mô cấp huyện như Đền Đại Cại (xã Tân Lĩnh, Lục Yên) được tổ chức 2 năm một lần vào ngày 15 - 16 tháng Giêng. Lễ hội quy mô cấp xã, phường diễn ra ở các điểm di tích lịch sử văn hóa tâm linh đã được xếp hạng là Đền Đông Cuông (xã Đông Cuông), Đền Nhược Sơn (xã Châu Quế Hạ) của huyện Văn Yên; Đền Tuần Quán (phường Yên Ninh), đình - đền - chùa Nam Cường (xã Nam Cường), Đền Rối (xã Tân Thịnh) ở thành phố Yên Bái; Đền Thác Bà (thị trấn Thác Bà), Đình Khả Lĩnh (xã Đại Minh) ở huyện Yên Bình; Đình Làng Dọc (xã Việt Hồng), Đền Hóa Cuông (xã Hòa Cuông) ở huyện Trấn Yên.

Các điểm di tích văn hóa tâm linh hàng năm thường tổ chức từ 1 - 2 lễ hội đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương. Lễ hội văn hóa dân gian được tổ chức ở thôn, bản, dòng họ như lễ hội “Lồng tồng” (hội xuống đồng) của người Thái, “Tăm khẩu mẩu” (hội giã cốm) của người Tày, người Xa Phó có “Mừng cơm mới”, người Mông có “Gầu tào”… Các lễ hội này đều được Sở Văn hóa - Thông tin chỉ đạo, hướng dẫn; sau phần lễ là tổ chức các trò chơi dân gian, các cuộc thi như đẩy gậy, đua ngựa, đánh quay, ném còn, văn nghệ… nên vẫn giữ được bản sắc văn hóa của các dân tộc với nhiều yếu tố tích cực, có lợi cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

Để khai thác, bảo tồn, phát huy có hiệu quả các lễ hội truyền thống ở địa phương, đồng thời gắn với mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Sở Văn hóa - Thông tin đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Thanh tra Sở cử cán bộ hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ hội theo đúng tinh thần, nội dung, quy chế từ khâu thành lập ban tổ chức, xây dựng kịch bản… theo phương châm vừa giúp đỡ, vừa kiểm tra; hướng dẫn cơ sở đưa các nội dung về bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống vào xây dựng quy ước, hương ước văn hóa ở các thôn, bản, tổ dân phố, đặc biệt gắn với tiêu chuẩn công nhận danh hiệu gia đình văn hóa ở khu dân cư.

Các địa phương khi tổ chức lễ hội đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, có ban tổ chức lễ hội đặt dưới sự chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ của chính quyền địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân các địa phương đã tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng và nhiều ngày công để tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và tín ngưỡng. Tuy nhiên, tại một số lễ hội vẫn còn tình trạng bói toán, rút thẻ, viết sớ, hầu bóng, hầu đồng… Vấn đề này cần được quản lý chặt chẽ hơn để không làm mất đi nét đẹp văn hóa của các lễ hội.

Lễ hội nói chung và lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số nói riêng là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, có sức hấp dẫn, lôi cuốn và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Vì thế, việc quản lý, bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống gắn với việc đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Sở VH-TT và các địa phương hết sức chú trọng.

Ngọc Mai