Những câu hát giao duyên vùng sông Chảy

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vùng sông Chảy của tỉnh Yên Bái gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Cao Lan ở huyện Yên Bình, Lục Yên từ xa xưa đã có lối hát giao duyên truyền thống. Dân tộc Tày có hát khắp, coọi, hát quan làng; dân tộc Cao Lan có hát sình ca; dân tộc Dao có hát ái dủng.

Dân tộc Cao Lan từ xưa đã có sử thi Kó Lau Sjam. Tác phẩm đã được cố nhà thơ Lâm Quý biên soạn, dịch, phóng tác ra ngôn ngữ phổ thông, trong  đó có đoạn: “... Con khỉ chết vì tham ăn quả/Chim gáy chết vì tham ăn vừng/ Cành cây gãy cũng vì tham quả/Con người chết vì miệng nói ngoa...”; hay: “... Quả ớt dù cay cũng ăn cả vỏ/Quả chuối dù ngọt cũng bỏ vỏ ngoài...”; rồi: “... Một nhời hay quả ớt cay cũng ngọt/ Lời dở quả vả chát thành chua”.

Trong hát đối đáp giao duyên, dù cùng bản mường, dù đã quen nhau, người con trai vẫn ướm hỏi: “Anh là khách lạ phương xa/Có lời xin hỏi em đà yêu ai/Yêu ai anh cũng xin mừng/Nếu chưa anh cũng xin đừng trách anh”. Người con gái: “Người yêu chưa có anh ơi/ Dao quăng xuống nước cho đời chứng minh/Dao nổi thì em bạc tình/Dao chìm đáy nước thì tình trắng trong”.

Còn dân tộc Dao, tại các đám cưới ngay ở chân cầu thang, trai gái họ hát đối nhau. Bên gái: “Cái gì gắp được không nướng được/Cái gì nướng được không gắp được?”. Bên trai: “Em à! Lá lợp nhà gắp được không nướng được/Hòn đá làm kiềng nướng được không gắp được!”. Bên gái: “Con gì đẻ ra không thấy mẹ?/Con gì đẻ ra không ăn bú?”. Bên trai: “Con vịt đẻ ra không thấy mẹ/Con gà đẻ ra không ăn bú!”. Cứ thế họ hát thâu đêm. Chỉ biết là sau mỗi cuộc hát đó, trai gái yêu nhau hơn và nên vợ nên chồng. Những đôi trai gái đó sau nên vợ nên chồng ít có trường hợp ly hôn, họ sống hòa thuận, nề nếp, gia giáo.

Dân tộc Tày ở đây cũng tỏ tình giao duyên hát coọi, hát khắp. Khi các chàng trai từ bản này sang bản khác tìm bạn, khi các cô gái đang cấy lúa, họ ngỏ lời: “... Em hỡi chiếc mạ bao nhiêu nhánh/Để anh chung một nhánh được không?”, hoặc thấy đang nón đội đầu: “... Nón cọ hay nón bạc/Nón này đội hai người được không?”. Thấy người con gái vẫn dè dặt, các chàng trai lại hát: “Lá dong hay lá chuối/Cây nứa hay cây bương/Gái tơ hay vợ người/Vợ người anh xin thôi/Gái tơ anh ngỏ lời.../Gặp nhau dạo cùng nhau một lát/Mai kia hoa kim quý quá mùa/Mai kia vườn hoa bưa vàng héo/Gió thổi vào vườn đỗ lá đen/Từ đấy không thấy nhau cả đời em hỡi”. Khi các chàng trai hát ngỏ lời vào bản nghỉ trọ, các cô gái hát: “Nhà em cột sa nhân/Dựng dỏng dảnh bên đường/Giát nhà bằng nứa dại/Không chê dặm vào ở anh ơi!”. Cứ thế, họ hát kéo dài hai đến ba đêm để nguyện ước nay mai thành vợ, thành chồng.

Người Tày trong vùng còn có hát quan làng là lối hát chuyên dùng cho đám cưới, đón đưa dâu. Từ việc đoàn nhà trai đến cổng gặp lụa là giăng chắn lối, tới chân cầu thang không có nước rửa chân, bước vào cửa thì gặp cặp bếp, gộc củi, nắn đo cá - họ phải hát đối nhau giữa bên quan làng và họ nhà gái, bước vào nhà thì xin chiếu, mừng nhà, xưng danh, chào xuân họ, mời chè nước, rồi xin rể vào lễ tổ. Trong bài hát lễ tổ mời tổ tiên xuống chứng kiến việc hôn lễ, ông quan làng hát có đoạn: “... Vợ chồng là ăn nói thuận nhau/Vợ có nhỡ nặng câu chồng nhịn/Chồng có chửi vợ nín lặng thinh/Thôi đoạn lại cùng mình thỏ thẻ/Bắc nồi lên nhóm lửa nấu cơm/Ăn xong cùng lo toan mọi việc/Mới phải phép vợ chồng...”.

Ngày nay, những câu hát giao duyên dần mai một. Thiết nghĩ, cần có hình thức lưu giữ văn hóa phi vật thể để mời khách xa gần thưởng thức như băng đĩa hình về một vùng quê, về hát giao duyên của các dân tộc trong vùng quê đó; cần có các làng văn hóa vùng dân tộc để khách đến tham quan, tìm hiểu, khám phá; cần có sự hỗ trợ để giữ gìn vốn cổ, đưa các tốp văn nghệ dân gian vào hoạt động phục vụ khách tại các làng văn hóa đó. Làm điều đó, trước là cho con cháu mình nhớ về nguồn cội để mà tự hào đi lên, nữa là để khách lưu lại những kỷ niệm với một vùng non xanh nước biếc nơi đây.

Hoàng Tương Lai