Chị Nhàn dân số

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/11/2007 | 12:00:00 AM

YBĐT - Đó là cách gọi mà người dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) dành cho chị Hoàng Thị Nhàn – người cán bộ chuyên trách dân số năng động của xã.

Gần 10 năm gắn bó với công việc này, chị Nhàn đã vận động hàng trăm lượt chị em phụ nữ, nhất là đối tượng đẻ đông, đẻ dày thực hiện các biện pháp KHHGĐ, giãn khoảng cách sinh và điều quan trong hơn là góp phần giảm tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên toàn xã từ 2,85% năm 2002 xuống còn 1,2% năm 2007.

Là một trong những xã có dân số đông nhất nhì huyện Văn chấn, cùng với đó là trình độ dân trí thấp, phân bố rải rác ở 26 thôn, bản, sự chênh lệch về mức sống giữa các khu vực trong xã, tỷ lệ phụ nữ người thiểu số đọc thông viết thạo ngôn ngữ phổ thông chỉ đếm được trên đầu ngón tay khiến cho những người làm công tác dân số thất vất vả.

Tại khu vực thị tứ Ba Khe đời sống người dân có thể trên mức khá giả, nhưng đi sâu vào các thôn, bản người Mông, Dao như Đồng Hẻo, Đá Gân hay Khe Nước... đời sống người dân đã dưới mức nghèo.

Các hủ tục lạc hậu dường như đã ăn sâu bám rễ với đồng bào thiểu số nơi đây. Việc tảo hôn, sinh đẻ không kế hoạch với ngwời Mông, Dao trong xã tự nhiên như cây rừng. Do vậy các gia đình thường đông con, không chỉ 3,4 mà thậm chí 7 - 8 con là chuyện bình thường.

Để việc tuyên truyền về công tác dân số có hiệu quả, hàng tháng, trong các buổi giao ban, chị Nhàn đã lên kế hoạch cụ thể, thống kê rà soát những đối tượng đông con để cùng với đội ngũ 26 cộng tác viên dân số thôn, bản đến từng nhà lựa lời khuyên nhủ, phân tích cho chị em hiểu điều hơn, lẽ thiệt của việc đẻ đông, đẻ dày.

Đồng thời, chị vận động chị em tham gia các hoạt động như sinh hoạt nhóm, tổ, hội thông qua trao đổi, tư vấn cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống gia đình, bàn cách thức, phương hướng giúp nhau phát triển kinh tế. Một tháng 30 ngày thì có đến 20 ngày chị đi cơ sở, nhiều khi vừa về tới nhà, lại tất tả sang xóm bên giúp sản phụ sinh nở. Nghe thôn nào có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, chị lại lặn lội đến tận nơi, tìm rõ ngọn ngành để có biện pháp vận động phù hợp.

Nhiều thôn, bản cách suối, cách rừng, đến nơi phải mất cả ngày đường bộ, đến nơi lại không nhận được sự đồng thuận của gia đình, nhiều gia đình phản đối quyết liệt, chỉ thấy bóng dáng chị là họ đã né tránh. Gian nan là vậy song nỗi lo đẻ nhiều dân đến đói nghèo lạc hậu vẫn không không làm chị chùn bước

Gần 10 năm lăn lộn với công tác dân số, vui có mà buồn cũng có, nhưng với chị tâm huyết nhất vẫn là giúp chị em đồng bào thiểu số nơi đây từng bước chuyển đổi được nhận thức trong công tác KHHGĐ, các hành vi có lợi cho sức khoẻ đã được thay thế cho những hủ tục lạc hậu xưa kia. Tỷ lệ phụ nữ đến khám phụ khoa tại trạm y tế xã ngày một tăng, tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 90%. Đồng Hẻo, Đá Gân, Khe Nước là thôn xa khó khăn nhất, nhiều năm qua luôn là điểm nóng về tình trạng sinh con thứ 3 trở cũng đã hăng hái đi đầu trong việc ký cam kết không vi phạm sinh con thứ 3 trở lên.

Miệt mài với công việc song chị Nhàn vẫn không quên làm tròn bổn phận của người vợ đảm đang, người mẹ hiền của những đứa con ngoan, học giỏi. Thành tích của các con và cuộc sống gia đình hạnh phúc là phần thưởng vô giá giúp chị có thêm nghị lực và niềm tin để làm tốt công việc mà Đảng uỷ, chính quyền  và nhân dân đã tin tưởng trao gửi.

 Thanh Tân