Người thương binh năng động

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Được bạn bè cựu chiến binh mách bảo, giúp đỡ, Quyết bàn với vợ chuyển ra gần chợ ngoài thành phố để có cơ hội làm ăn dễ hơn. Vợ chồng thống nhất ý kiến, chị xin thôi việc, bán nhà, cùng anh gom tiền mua được mảnh đất ven đồi gần chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Những ngày đầu rời quân ngũ trở về, ở cùng với vợ và đứa con trai đầu lòng trong căn nhà ở một cơ sở khai thác đá ven hồ Thác Bà, thượng úy, thương binh Lê Văn Quyết thầm nghĩ: "Không thể sống bám vào đồng lương ít ỏi suốt ngày đập đá của vợ được. Phải tìm ra hướng đi khác, phải vượt qua đói nghèo trong môi trường mới".

Được bạn bè cựu chiến binh mách bảo, giúp đỡ, Quyết bàn với vợ chuyển ra gần chợ ngoài thành phố để có cơ hội làm ăn dễ hơn. Vợ chồng thống nhất ý kiến, chị xin thôi việc, bán nhà, cùng anh gom tiền mua được mảnh đất ven đồi gần chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Dựng được căn nhà nhỏ tranh tre nứa lá, cũng là lúc vốn trong nhà hết sạch, tết Nguyên đán năm 1994, cả nhà ăn tết trong bữa cơm đạm bạc rau muối.

Được anh Nguyễn Duy cũng là cựu chiến binh trong chi hội cho vay một triệu làm vốn, sáng tinh mơ chị đạp xe đi các chợ huyện mua gà, vịt về, để buổi  chiều bán. Sáng hôm sau lại đi, anh ở nhà nhận mổ lợn thuê cho một lò mổ và đồng tiền kiếm được tằn tiện cũng chỉ đủ duy trì vốn và nuôi sống gia đình.

Được sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh phường Yên Thịnh, anh được vay năm triệu làm vốn. Quyết mua một chiếc xe MUHSK cũ và đi mua lợn ở những vùng quê về bán cho lò mổ. Chỉ được một thời gian, do không đủ sức khỏe anh chuyển sang kế khác. Sáng sáng, đèo vợ đi các chợ xa mua gà, vịt, chiều về chị ngồi bán lẻ và giao cho các nhà hàng, quán phở.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao, anh chị luôn đặt cho mình một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là chất lượng, uy tín và an toàn thực phẩm, cân đo chính xác, thái độ phục vụ hòa nhã, niềm nở. Vì vậy, hàng của anh chị thu hút khách ngày một đông, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, cá nhân, bất kỳ lúc nào, không kể giờ giấc, không sợ mưa nắng hàng vẫn mang đến tận nơi. Anh đã mạnh dạn mở luôn một lò giết mổ gia cầm phục vụ khách hàng ngay gần chợ với phương pháp thủ công. Khách đến thuê ngày một nhiều và anh quyết định mua một chiếc máy giết mổ gia cầm với giá gần bốn triệu đồng.

Lúc này, đã bước vào dịp tết Nguyên đán năm 1998, khách hàng đến quá đông, anh gọi thêm bạn bè trong Hội Cựu chiến binh đến giúp. Khách hàng đùa vui "lò mổ của các anh bộ đội". Suốt hai năm 1999 - 2000 lò mổ gia cầm của anh "độc quyền" thị trường, bình quân mỗi ngày mổ vài trăm con gia cầm, thu nhập gia đình tăng lên vùn vụt. Không thỏa mãn, anh bàn với cả nhà làm lò quay, chế biến, quay thuê và bán thịt gia cầm quay.

Anh tìm sách học hỏi kinh nghiệm dân gian và học ngay trên ti vi, rồi anh khai trương lò chế biến. Khách đến ngày một nhiều, anh nhận thêm nhân lực về làm, vừa làm vừa cải tiến, vừa phát huy sáng kiến nâng chất lượng hoạt động của lò. Qua năm lần xây, hoạt động, lại phá, lại xây, cuối cùng anh đã có một lò quay đa năng, cùng một lúc quay được cả chim gà, vịt, ngan, lợn nhỏ, lợn to, dê, thỏ, với chất lượng chẳng kém gì vịt quay Bắc Kinh, lợn quay Lạng Sơn và cơ sở chế biến này luôn được các tổ chức quản lý đánh giá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hàng đầu.

Cùng với xây dựng cơ sở sản xuất, vợ chồng thương binh Lê Văn Quyết và Hoàng Thị Huệ cũng bắt đầu xây dựng nơi ăn ở kiên cố cho gia đình. Hai con anh đã trưởng thành, cậu cả đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục thể thao và cậu thứ hai học Trường Đại học sư phạm Tây Bắc.

Với ý chí và phẩm chất của người chiến sỹ quân đội, dù là một thương binh nhưng Lê Văn Quyết đã bình tĩnh, kiên cường, thông minh năng động tiếp cận kịp thời với nhịp sống xã hội, từng bước vượt qua khó khăn gian khổ và thương tật để xây dựng kinh tế gia đình ngày một đi lên trong tình cảm yêu mến, sự cảm phục của bà con chòm xóm.

Vũ Quang Trung