Người cán bộ năng động

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Gần 30 năm là cán bộ làm công tác giảm nghèo của xã, năm nay đã 67 tuổi, nhưng hàng ngày, bác Nguyễn Văn An (thôn Thanh Hùng, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái) vẫn miệt mài với công việc để tìm ra những cách làm hay, mới và những biện pháp giảm nghèo thiết thực, cụ thể giúp người dân từng bước thoát nghèo.

Bác Nguyễn Văn An với sơ đồ hộ nghèo ở thôn Lương Thịnh.
Bác Nguyễn Văn An với sơ đồ hộ nghèo ở thôn Lương Thịnh.

Công việc chính của người cán bộ làm công tác giảm nghèo là nắm bắt, rà soát, đánh giá để từ đó xác định hộ nghèo; lập danh sách làm căn cứ thực hiện chính sách và triển khai các biện pháp giảm nghèo cụ thể cho từng hộ gia đình. Với khối lượng công việc tưởng chừng như quá sức song với lòng nhiệt tình, say mê, bác An không những hoàn thành xuất sắc công việc mà còn là một điển hình sản xuất giỏi. Có lợi thế là người sinh ra, lớn lên rồi lại trực tiếp công tác tại địa phương, bác đã trải qua nhiều vị trí công tác như: Chủ nhiệm Hợp tác xã, Thư ký Ủy ban, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm phụ trách công tác giảm nghèo, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc kiêm công tác giảm nghèo. Về hưu, được xã tín nhiệm, cộng với lòng nhiệt tình, sự năng động trong công việc, bác An vẫn tham gia làm công tác giảm nghèo đến nay.

Để triển khai công việc có hiệu quả, bác không quản khó khăn, ngày nắng cũng như ngày mưa đến tất cả các hộ gia đình nắm bắt tình hình về ruộng đất, thu nhập, số lao động, thậm chí bác còn nắm được cả tập quán, đặc tính sản xuất rồi cách bố trí lao động của từng hộ, sau đó lập 9 sơ đồ hộ nghèo cho 9 thôn để tiện quản lý. Quản lý nguồn vốn vay có hiệu quả, bác An cũng luôn không ngừng đọc sách, tìm hiểu những cách chăn nuôi, sản xuất hiệu quả để tuyên truyền cho các hộ nghèo. Bác tâm sự: "Không phải cứ cho họ vay vốn làm ăn, cho họ một khoản tiền là xong đâu mà mình còn phải tuyên truyền cho họ biết cách quản lý, sử dụng đồng vốn ấy thế nào, chăn nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp. Có như vậy thì nhiệm vụ của mình mới hoàn thành".

Theo chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 1995, bác xây dựng Dự án vốn vay thương mại Misereo của Tổ chức phi chính phủ Cộng hòa Đức tài trợ, với tổng số vốn vay 412 triệu đồng, đến nay cho 366 lượt hộ vay; cộng thêm nhiều nguồn vay khác của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội nên người dân trong xã cơ bản có vốn làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo như gia đình anh Vũ Mạnh Tuân, Trần Văn Đông, Vũ Văn Phú, chị Ngô Thị Mừng v.v... Đến nay, cả xã chỉ còn 97 hộ nghèo.

Hăng say với công việc và có những cách làm năng động, hiệu quả, bác An đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mời tham gia giảng trong chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các tỉnh. Với số phụ cấp 200.000 đồng/tháng của dự án do Bộ chi trả, nhiều khi bác còn phải bỏ thêm tiền nhà để phục vụ cho công việc nhưng bác vẫn nhiệt tình làm và còn làm tới khi nào không còn đủ sức.

Không những tham gia tốt công tác xã hội, bác còn là người đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình. "Mình là cán bộ giảm nghèo mà gia đình lại nghèo thì sao có thể làm tốt được?", với suy nghĩ đó, bác An đã tìm cách để thoát nghèo. Đến nay, thu nhập của gia đình bác một tháng đạt hơn 10 triệu đồng từ 4 sào rau màu chuyên canh, 3 sào lúa và chăn nuôi lợn. Gia đình bác Nguyễn Văn An là địa chỉ của nhiều người dân trong xã đến học tập và làm theo.

Hồng Duyên