"Chỉ thích không còn ai phải vay tiền mình!"

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Con đường từ bản Ngòi Kè đến trung tâm xã Bảo Ái (Yên Bình) dài hơn 8km thì có tới 6km là đường đất, dốc và đèo. Cả bản có 46 hộ, 100% dân tộc Dao và có tới 65% là hộ nghèo; chỉ có 10 hộ được dùng điện lưới (dùng nhờ đường điện của Phân xưởng sản xuất chè số 2 thuộc Công ty Chế biến xuất khẩu chè Văn Hưng đóng trên địa bàn xã); thu nhập bình quân chỉ đạt 2,8 triệu đồng/người/năm. Nói như thế đủ biết đời sống của nhân dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Đứng trước thực tế đó, anh Đặng Văn Nam, trưởng thôn vô cùng trăn trở: Tại sao dân bản mình mãi nghèo? Họ cũng cần cù, lam lũ sao quanh năm thiếu ăn? Tại sao người ta làm giàu được mà mình không giàu? Phải tìm cách! Nghĩ là làm, anh bàn với vợ là chị Đặng Thị Thảo: Đất đai nhà mình rộng có thể trồng rừng. Thế là mỗi ngày trồng một ít, mỗi năm mở rộng một ít, từ năm 1990 đến nay gia đình anh Nam đã có hơn 15 ha rừng các loại như: keo, bồ đề vầ cây chè..., mỗi năm thu nhập từ rừng khoảng 30 triệu đồng.

 

"Rừng thì phải đợi lâu, phải làm nhiều mà chẳng nhìn thấy tiền, vợ nó buồn, thế là mình quay sang nuôi lợn và ba toa (tức mổ lợn)". Tích cóp từ việc mổ lợn bán, anh giành tiền để nuôi lợn thịt, nuôi trâu, bò, gà và thả cá. Trong chuồng lợn nhà anh giờ lúc nào cũng có khoảng 30 con lợn thịt, hàng năm xuất chuồng từ 80 - 100 con, cho thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng. Ngoài ra anh còn nuôi thêm gà thịt. Với 2 sào ao, anh thả mỗi năm 1 vụ cá (khoảng 1.500 con các loại, chủ yếu là cá trắm cỏ) thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/năm.

 

Vậy là tổng thu nhập hàng năm từ chăn nuôi và trồng trọt cũng ngót nghét trăm triệu đồng. Chưa kể anh còn kiêm thêm chức đội trưởng đội sản xuất chè của Phân xưởng số 2 (thuộc Công ty Chè Văn Hưng), quản lý gần 46 ha chè. Bà con trong bản ai cũng bảo "anh Nam là đội trưởng vừa nhàn và vừa được nhiều tiền", vì Công ty Chè quy định cứ thu hoạch 100 tấn chè tươi sẽ được 10 triệu đồng mà khu vực anh quản lý lại đạt sản lượng 240 tấn/năm. Nhưng nào ai biết được sự vất vả mà anh phải chịu? Đó là chịu trách nhiệm từ việc lập kế hoạch sản xuất hàng năm, quản lý diện tích chè cho đến phổ biến và chỉ đạo kỹ thuật chăm bón, sơ chế chè... Nếu không đạt chỉ tiêu kế hoạch đăng ký sẽ bị giảm phần trăm thu nhập, ảnh hưởng đến mọi người lại còn mất lòng tin ở bà con.

 

Kinh tế tương đối ổn định, Trưởng thôn Nam đã có cái để giúp đỡ mọi người. Ngoài chăn nuôi lợn, gà và cá, anh còn có 11 con bò và 12 con trâu nhưng trên thực tế nhà anh chỉ nuôi 4 con bò và 4 con trâu, số còn lại anh cho 15 hộ trong thôn "nuôi chia", trâu hoặc bò cứ đẻ ra 2 con thì người nuôi sẽ được một con. Như vậy bà con vừa có vốn để phát triển kinh tế vừa có sức kéo phục vụ sản xuất.

 

Không chỉ bà con trong bản biết ơn anh mà cả nhân dân thôn khác (như Ngòi Ngẫn, Ngòi Ngù...) thậm chí xã khác (thôn Khe Cọ, xã Tân Nguyên) cũng rất cảm động trước việc làm của anh. Anh nói: "Tổng số nợ của bà con với tôi khoảng 80 triệu đồng, một nửa là tiền mặt, còn lại là nợ khác!". Quả thật chính tôi cũng hết sức xúc động khi tận mắt chứng kiến nhân dân trong thôn đong gạo và mua thịt lợn mà không thấy ai trả tiền ngay, còn cuốn sổ nợ cứ dày lên từng ngày mà anh Nam vẫn luôn niềm nở với tất cả mọi người. Những lúc bà con dựng nhà, cưới xin, ma chay anh không chỉ thể hiện vai trò trưởng thôn, chỉ đạo công việc chung mà còn là "nhà tài trợ" chính từ tiền mặt, đến lợn, gà, gạo, rượu... Rồi anh lại còn đầu tư cho bà con cả cây giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi để ổn định sản xuất.

 

Tháng 6/2007, cả bản Ngòi Kè, cả xã Bảo Ái, ai cũng xôn xao vui mừng trước tin anh Đặng Văn Nam cùng 8 gia đình văn hóa (GĐVH) khác đại diện cho hơn 2 vạn hộ của huyện Yên Bình đi dự Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc của tỉnh. Thế mà việc "ôn" báo cáo thành tích trước lúc lên đường, với anh, còn khó hơn làm kinh tế. Bởi được biết, anh Nam mới chỉ học xong lớp 5. Sau đó anh có nói với tôi rằng: "Ấy dà, đọc trước đông người và máy quay phim khó hơn mổ lợn và làm nương, làm rẫy, chú mày à!". Con người "nói ít làm nhiều" quả là đáng quý! Lại càng vui hơn khi anh vinh dự cùng 8 GĐVH đại diện cho tỉnh Yên Bái tham dự Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc tháng 9 năm 2007, tổ chức tại Hà Nội.

 

Nói về bí quyết thành công, vẫn rất mộc mạc, anh trưởng thôn 42 tuổi có cái đầu hói và đôi mắt nâu nhanh nhẹn, tâm sự rất thật lòng: "Tất cả do cái đầu của mình ra cả! Mình được mọi người quan tâm tin tưởng nhưng vẫn buồn vì người Dao, người Nùng ở đây vẫn còn nghèo đói lắm. Mình chỉ thích không còn ai phải vay mình thôi!". Trưởng thôn Nam là người giản dị như thế!

 

Mã Chí Cường