Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 45 tại Muy-ních (Đức): Cần tạo đột phá về chính sách an ninh và giải trừ vũ trang

  • Cập nhật: Chủ nhật, 8/2/2009 | 12:00:00 AM

Ngày 6-2 theo giờ Béc-lin, Hội nghị an ninh quốc tế truyền thống lần thứ 45 đã khai mạc tại thành phố Muy-ních (Đức) với sự tham dự của hơn 300 nhà lãnh đạo chính trị, quân sự cao cấp đến từ 50 quốc gia trên thế giới.

Ngoại trưởng nước chủ nhà Phrăng Van-tơ Xtai-mai-ơ đã khai mạc hội nghị bằng bài phát biểu về chủ đề giải trừ vũ trang. Ông thúc giục thế giới cần có bước đột phá trong năm 2009 về chính sách an ninh và giải trừ vũ trang quốc tế; tiếp tục cắt giảm hàng ngàn đầu đạn hạt nhân của các cường quốc và kiểm soát tình trạng phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, trong đó Mỹ phải thể hiện những tín hiệu khích lệ.

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nga Xéc-gây I-va-nốp tuyên bố, Nga đề nghị cấm triển khai vũ khí tiến công chiến lược ngoài lãnh thổ quốc gia. Ông I-va-nốp đề nghị thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I) sẽ hết hạn vào ngày 5-12-2009, bằng một hiệp ước mới được soạn thảo trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm START-I, trong đó có điều khoản cấm bố trí vũ khí tiến công chiến lược ở nước ngoài. Ông khẳng định, một bộ phận của Hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) mà Lầu năm góc (Mỹ) dự định triển khai trên lãnh thổ Séc và Ba Lan, là nhằm kiềm chế tiềm lực hạt nhân của Nga.

 

Hãng tin AFP dẫn phát biểu của Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di ngày 7-2 tại hội nghị cho biết, Nga không tạo ra mối đe dọa quân sự nào cho châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Xác-cô-di nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ hiểm họa lớn nhất mà EU và NATO phải đối mặt là hành động gây hấn quân sự từ Mát-xcơ-va".

 

Tuy không đặt quá nhiều hy vọng vào cuộc gặp lần này nhưng nhiều nhà phân tích chính trị châu Âu và quốc tế cho rằng, hội nghị lần này có thể tạo ra một động lực mở ra những con đường mới xây dựng an ninh thế giới. Cả các nhà lãnh đạo châu Âu lẫn Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đang nắm giữ "chiếc gậy thần" có thể tạo ra một trật tự an ninh ở châu Âu và thế giới mới ổn định.

 

Hội nghị an ninh quốc tế Mu-ních kết thúc vào ngày 8-2.

 

(Theo HNMO)