Chuyện lạ ở bản mường Thác Hoa

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cuối năm 2008, gia đình ông Đinh Công Tranh, dân tộc Mường ở bản Thác Hoa I, xã Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn) đã đổi cho hàng xóm những thửa ruộng màu mỡ, thuận lợi nước tưới, không bị ngập lụt của gia đình mình để lấy mấy thửa ruộng hạn chỉ cấy một vụ lúa. Chuyện thật lạ tai!

Tỉnh Yên Bái có chủ trương khuyến khích các hội chăn nuôi thủy sản.
Tỉnh Yên Bái có chủ trương khuyến khích các hội chăn nuôi thủy sản.

Người thân của vợ chồng ông Tranh phản đối gay gắt và có người còn cho rằng anh bị khùng. Trước những lời khuyên ngăn của anh em, bạn bè, có lúc bà Đinh Thị Hạnh - vợ ông Tranh cũng hoảng nhưng ông vẫn quyết định như vậy.

Nhà ông Tranh chỉ còn 3 khẩu, một con lớn đã thoát ly công tác thì 1000 m2 ruộng còn lại đã đảm bảo an ninh lương thực rồi. Đổi lấy mấy nghìn mét vuông đất, cộng với cả đất của nhà nữa vừa tròn 1 ha, ông sẽ chuyển hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi cá. Làm vậy, chắc chắn sẽ có cơ hội khấm khá hơn và nó phù hợp với chủ trương, chính sách của tỉnh khuyến khích phát triển chăn nuôi thuỷ sản và hỗ trợ cho mỗi gia đình 20 triệu đồng nếu làm được 1 ha ao nuôi.

Khi có đất liền thửa trong tay, sẵn máy ủi, máy xúc của công ty xây dựng về làm tuyến đường Phù Sơn - Thác Hoa, ông Tranh đã thuê máy về đào đắp lấy 3 ao nuôi cá thịt với diện tích đúng 10.000m2 và cải tạo một ao cũ của gia đình làm nơi nuôi cá giống. Chúng tôi đến Thác Hoa I đúng vào lúc việc đào và cải tạo ao nuôi cá của ông Tranh đã hoàn thành. Ông đang làm cống dẫn nước vào các ao cũng như cải tạo đất mặt bờ để trồng cỏ làm thức ăn cho cá.

Ông rất tự tin khi cho biết: "20 triệu đồng của tỉnh hỗ trợ và gần 30 triệu của gia đình và vay mượn ngân hàng đã đầu tư cả vào ao cá, nhưng tôi cũng không quá lo vì kỹ thuật được cán bộ huyện giúp; một phần giống ban đầu sẽ được huyện hỗ trợ; công sức mình thì chẳng thiếu, nuôi cá ít rủi ro hơn gà vịt hay lợn, bò. Không mơ đến giầu nhưng chắc chắn là khá vì bạn bè tôi ở Nghĩa Lộ đã thành công rồi. Tôi sẽ quyết tâm làm tốt để thu được thành công và trở thành mô hình cho bà con trong bản, trong xã học tập làm theo".

Được biết, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh đã triển khai được gần 2 năm. Đến nay, lĩnh vực thuỷ sản ở Văn Chấn chỉ có 3 gia đình triển khai với diện tích 2,8 ha và đã nhận được sự hỗ trợ với số tiền 20 triệu đồng/ha. Trong khi nhu cầu đào ao, thả cá và chuyển ruộng một vụ sang ao ở Văn Chấn là rất lớn thì số diện tích và số hộ như vậy là quá nhỏ và nguyên nhân chính của tình trạng này là quy định của tỉnh hỗ trợ cho mỗi gia đình 20 triệu đồng với 1 ha là quá lớn.

Thực tế một hộ gia đình rất khó có đủ 1 ha đất liền kề để đào ao thả cá và do địa hình không bằng phẳng nên rất khó có thể đào được một ao nuôi với diện tích lớn. Trước thực trạng này, tỉnh cần sửa đổi chính sách, hạ quy mô diện tích ao nuôi từ 1 ha xuống từ 2000 đến 5000 m2. Làm như vậy, sẽ tạo cơ hội cho nhiều người dân chuyển đổi sản xuất và hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh vì không phải ai cũng mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm như ông Đinh Công Tranh.

Lê Phiên