Thành công từ mô hình VACR

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/10/2010 | 9:15:25 AM

YBĐT - Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mô hình kinh tế VACR của ông Chu Đình Hà, thôn Đồng Danh, xã Minh Quân (Yên Bái) đã được nhiều người biết đến bởi cách làm đúng hướng và hiệu quả.

Ông Chu Đình hà chăm sóc vườn thanh long.
Ông Chu Đình hà chăm sóc vườn thanh long.

Tổng thu nhập hàng năm từ 140 gốc thanh long, 3,2 ha ao cá, 8 ha rừng và hơn 40 con lợn thịt của gia đình ông luôn đạt trên 100 triệu đồng là minh chứng xác thực nhất cho sự thành công đó.

Nhập ngũ năm 1986, sau nhiều năm làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, năm 1990, ông trở về quê hương trong bộn bề gian khó. Cuộc sống đời thường luôn phải đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn nhưng phẩm chất của một người lính Cụ Hồ không cho phép ông lùi bước. Câu hỏi “Trồng cây gì? Nuôi con gì?” để thoát nghèo luôn thường trực trong suy nghĩ của ông.

Qua tìm hiểu, đối chứng với nhiều loại cây trồng ông quyết định trồng thử cây thanh long. Bởi nhu cầu của thị trường về loại quả này khá lớn, khí hậu địa hình cũng thích hợp lại ít người trồng. Một gốc thanh long sau 3 năm thì bắt đầu cho thu hoạch.

Mỗi năm cây cho thu hoạch 5 lần; tính theo giá thị trường, mỗi năm cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Nghĩ là làm, ban đầu ông quyết định trồng thử nghiệm 40 gốc. Không phụ công người, sau 3 năm cây thanh long bắt đầu cho thu hoạch.

Ông cho biết: “Nhằm cung cấp loại quả sạch cho thị trường nên tôi không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích tăng trưởng mà chủ yếu dùng phương pháp thủ công như bắt sâu, làm cỏ, bón phân nên chất lượng rất đảm bảo”.

Từ thành công ban đầu, năm nay ông đã mạnh dạn trồng thêm 100 gốc thanh long để cung cấp cho thị trường trên địa bàn. Không chỉ dừng lại ở đó, nhận thấy có nhiều thửa ruộng kém hiệu quả, đầu tư không thu lời, nên ông mạnh dạn xin chính quyền địa phương chuyển đổi 3,2 ha ruộng sang nuôi thả cá.

Năm 2008, ông bắt tay vào đắp đất, làm bờ, rồi lựa chọn nhiều giống cá có năng suất, hiệu quả cao vào nuôi thả. Nhờ thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật trong nuôi thả, nên hàng năm ông cung cấp hàng tấn cá cho thị trường, cho thu gần trăm triệu đồng.

Ông nói: “Nguồn thu từ cá không chỉ giúp gia đình có cái ăn, cái mặc mà còn giúp tôi phát triển, mở rộng mô hình trang trại”. Cũng như mô hình trang trại tổng hợp ở nhiều nơi, ông cũng xây chuồng nuôi lợn theo hướng bán công nghiệp. Trong chuồng lợn của ông thường xuyên duy trì 40 con lợn thịt, 2 con lợn nái để chủ động con giống. 

Chỉ tính riêng từ lợn, mỗi năm cũng giúp ông bỏ túi gần 50 triệu đồng. Lấy ngắn nuôi dài, nguồn thu từ cá, lợn thịt đã giúp ông có vốn mở rộng phát triển kinh tế đồi rừng. Từ ít đến nhiều, năm sau trồng nhiều hơn năm trước, cứ thế, từ một vài ha đến nay ông cũng đã có trong tay 8 ha rừng, chủ yếu là keo và bồ đề. “Với giá thị trường như hiện nay, thì 1 ha cho thu gần 17 triệu đồng”, ông Hà nhẩm tính.

Ngoài vườn, ao, chuồng cùng với con trai ông còn mở thêm cửa hàng sửa chữa xe máy và cửa hàng tạp hóa để phục vụ bà con trong xã. Hỏi về bí quyết thành công của mình, ông cho biết: “Chỉ cần mình ham học hỏi, chịu khó, dám nghĩ, dám làm. Nhà nông làm kinh tế, ít vốn, điều quan trọng là phải biết cách lấy ngắn nuôi dài, từ thả cá, nuôi lợn để có vốn trồng rừng, mở rộng trang trại. Đó là cách làm của tôi”.                          

 P.V