Phúc Lộc: Hướng mở cho lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/11/2011 | 9:06:29 AM

YBĐT - Việc giới thiệu và mở các lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương đang được xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái quan tâm.

Lớp đào tạo nghề điện dân dụng đã giúp các học viên nắm được kiến thức cơ bản về sửa chữa điện.
Lớp đào tạo nghề điện dân dụng đã giúp các học viên nắm được kiến thức cơ bản về sửa chữa điện.

Là xã thuần nông của thành phố Yên Bái, người dân xã Phúc Lộc quanh năm chỉ biết làm ruộng và chăn nuôi. Từ tháng 7/2010, với 4 dự án lớn của Trung ương và của tỉnh đầu tư vào địa phương là: dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái quy mô 500 giường bệnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Trường Cao đẳng Y tế, công trình nối đường quốc lộ 70 với quốc lộ 32C vào tuyến đường xuyên Á đã ảnh hưởng không nhỏ đến đất ở và đất sản xuất của người dân trong xã.

Xác định người dân sẽ gặp khó khăn sau khi đất bị thu hồi, nhiều lao động trước chỉ biết làm nông nghiệp, quen với con gà, con lợn nay sẽ rơi vào cảnh không có việc làm, xã Phúc Lộc đã tích cực chú trọng đến các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Các lớp học này mở ra sẽ giúp người lao động có định hướng trong phát triển nghề, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, tạo động lực để kinh tế của xã phát triển. Lớp đào tạo, dạy nghề điện dân dụng do Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thành phố Yên Bái tổ chức trong năm 2011 đã đáp ứng được nguyện vọng của người lao động địa phương.

Việc đào tạo nghề được thực hiện theo nguyện vọng của người lao động với phương thức đào tạo phù hợp, do đó, người lao động có thể tiếp thu nghề theo trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề. Qua lớp học này, 28 học viên đã nắm bắt được kiến thức cơ bản về những vấn đề liên quan đến lưới điện mà mình đang sử dụng.

Em Nguyễn Tấn Dũng - Học viên lớp điện dân dụng tâm sự: “Tham gia lớp học này, em nắm được kiến thức cơ bản về sửa chữa điện để có thể tự sửa chữa sự cố điện trong gia đình và giúp được bà con lối xóm. Em cũng mong là sau lớp học này em sẽ được tham gia lớp học nâng cao hơn để có thể về mở hiệu làm dịch vụ sửa chữa điện tại nhà”.

Lớp đào tạo nghề kỹ thuật xây dựng do UBND xã Phúc Lộc phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thành phố tổ chức đã thu hút 30 học viên tham gia theo học. Được biết, 100% học viên tham gia lớp học đều là những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, đối tượng bị thu hồi đất, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Tham gia lớp học này, các học viên sẽ được đào tạo các kiến thức và kỹ năng ở trình độ sơ cấp của nghề xây dựng cũng như được cung cấp những thông tin liên quan đến nghề được đào tạo.

Anh Nguyễn Văn Tuấn - thôn Làng Đình có hoàn cảnh rất khó khăn, được Hội Nông dân xã tuyên truyền, hướng dẫn và sự giúp đỡ của Ban tổ chức lớp học, ngoài việc tiếp thu những kiến thức về kỹ thuật cơ bản trong xây dựng, anh được hỗ trợ thêm 15.000 đồng/ngày.

Anh Tuấn cho biết: “Đất của gia đình mình nằm trong diện bị thu hồi cho các dự án nên không thể làm công việc đồng áng, tham gia lớp học này mình mong muốn có được kiến thức cơ bản để có thể xin đi làm ở các công ty, có công ăn việc làm ổn định để gia đình bớt khó khăn”.

Chị Nguyễn Thị Ngà, thôn Tiền Phong cũng nằm trong diện gia đình có đất bị thu hồi cho các dự án. Chị mong muốn sau khi học xong khóa học này, nếu có điều kiện chị sẽ đi học nâng cao, tạo nền tảng kiến thức vững chắc để xin được một việc làm ổn định.

Lớp học đào tạo nghề kỹ thuật xây dựng này là mô hình thí điểm trong việc gắn đào tạo nghề với hỗ trợ người lao động tìm việc làm sau khi học nghề cũng như cung cấp các thông tin về vay vốn phát triển sản xuất tạo việc làm cho người lao động.

Nhằm giúp các học viên có thể vận dụng và phát huy tốt những kiến thức nghề đã được học, sẽ có khoảng 85% học viên sau khi kết thúc khóa học này sẽ được Trung tâm Dạy nghề giới thiệu việc làm và Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Hòa Thành tiếp nhận. Đây là điểm mới trong việc tổ chức các lớp đào tạo nghề với sự liên kết 4 nhà là người học nghề, cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Quyết định 1956 của Chính phủ và thực hiện chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã Phúc Lộc luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho người lao động của địa phương, xã đã xây dựng kế hoạch, rà soát nhu cầu tìm kiếm việc làm và các điều kiện cơ sở vật chất thiết yếu tại các thôn, bản, tích cực tuyên truyền chủ trương về lao động, việc làm, tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh và thành phố về kinh phí chương trình đào tạo nghề để mở lớp học, gắn công tác đào tạo nghề với điều kiện cụ thể của địa phương”.

Được biết 3 năm trở lại đây, xã Phúc Lộc đã liên tục mở các lớp dạy nghề ngắn hạn từ 3 đến 5 tháng cho lao động địa phương như: chăn nuôi, thú y, xây dựng... thông qua các lớp học này đã giúp cho người lao động có thêm kiến thức để áp dụng vào sản xuất, phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH ở địa phương.

 Thanh Chi