Chú trọng đổi mới công tác đào tạo nghề

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/12/2011 | 8:57:05 AM

YBĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên (Yên Bái) lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 phấn đấu mỗi năm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 4%.

Sinh viên Lớp Hàn, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thực hành cắt sắt.
(Ảnh: Thanh Ba)
Sinh viên Lớp Hàn, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thực hành cắt sắt. (Ảnh: Thanh Ba)

Thực hiện Nghị quyết, Trung tâm Dạy nghề Văn Yên đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình Văn Yên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Vân - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Văn Yên để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề Văn Yên đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xin bà cho biết một số nội dung chủ yếu đã được tập trung thực hiện?

Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh gửi các xã, thị trấn đồng thời phối hợp chặt chẽ với ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị, đoàn thể; tư vấn trực tiếp cho người lao động với mục tiêu: học nghề nhằm tạo việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống; phân loại đối tượng đăng ký học nghề theo độ tuổi, giới tính, trình độ nhận thức để tổ chức lớp học phù hợp với nhu cầu của người lao động.

Đơn vị cũng đã đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chương trình, giáo trình, xây dựng hai bộ giáo trình mới (nghề chăn nuôi lợn và kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao). Đội ngũ giáo viên dạy nghề ngoài kiến thức, kỹ năng  còn am hiểu thực tiễn nông thôn, nắm vững tâm lý của người nông dân. Chúng tôi đã giảm giờ học lý thuyết, tăng thời gian thực hành với phương pháp cầm tay chỉ việc và phương châm học đến đâu có thể làm ngay đến đó.

Trung tâm đã thực hiện đúng quy định của Nhà nước về các chế độ đãi ngộ đối với người học nghề nhằm động viên người lao động tham gia học nghề đạt chất lượng và hiệu quả cao. Ngoài đội ngũ giáo viên hiện có, đơn vị còn huy động sự tham gia thỉnh giảng của các kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư chăn nuôi - thú y của Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện đối với một số nghề nông nghiệp.

- Kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề của huyện Văn Yên trong thời gian qua ra sao, thưa bà?

Tính đến ngày 30/10/2011, đơn vị đã tổ chức 25 lớp đào tạo nghề với tổng số 736 lao động tham gia (đạt 111% kế hoạch của UBND tỉnh và huyện giao), về trước thời gian hai tháng. Trung tâm đã đào tạo các ngành nghề như: chăn nuôi - thú y, bảo vệ thực vật, trồng trọt và chế biến nông sản, quản lý và phát triển trang trại, chế biến gỗ, sửa chữa máy nông cụ, may dân dụng, kỹ thuật trồng lúa… Qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện từ 20,6% n¨m 2010 lên 24,28% (tháng 10/2011).

- Xin bà cho biết, thời gian tới, Trung tâm chú trọng thực hiện những vấn đề gì trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn?

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đạt chất lượng và hiệu quả, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề đồng thời nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội và lao động nông thôn.

Mặt khác thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với thị trường lao động cùng các sự trợ giúp sau khi kết thúc khóa học như: thông qua các chương trình vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tiêu thụ sản phẩm để chuyển đổi nghề tại chỗ, nâng cao hiệu quả sau đào tạo nghề. Đơn vị cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề; xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Trong đó, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, kỹ năng nghề nhằm nâng dần tỷ lệ giáo viên dạy nghề có khả năng dạy cả lý thuyết và thực hành.

Trung tâm cũng tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo, bảo đảm sự phù hợp về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu về trình độ đào tạo và nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý, sớm khắc phục những bất cập hiện nay để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thu Nhài (thực hiện)