Chuyển biến tích cực trong đào tạo nghề

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/12/2011 | 3:15:19 PM

YBĐT - Ngay sau khi có Quyết định 1956/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT), tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban chỉ đạo các cấp...

Lớp học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu.
Lớp học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu.

Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với nhiệm vụ ĐTN cho LĐNT đến năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ĐTN và Đề án ĐTN cho LĐNT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng xây dựng Đề án ĐTN cho LĐNT phù hợp với điều kiện, nhu cầu và khả năng thực tế của từng địa phương.

Ông Nguyễn Khắc Chung - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cho biết: “Đây là chính sách mới của Đảng và Nhà nước nên công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện được Ban chỉ đạo các cấp đặc biệt coi trọng. Từ tổ chức các hội nghị quán triệt, xây dựng chuyện mục trên các phương tiện thông tin đại chúng, huy động sự vào cuộc của của các tổ chức chính trị và mội tầng lớp nhân dân đến biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác ĐTN cho LĐNT.

Qua đó, đã phát huy hiệu quả tích cực, cung cấp đầy đủ thông tin đến với LĐNT, những người thực sự có nhu cầu học nghề. Chính quyền các cấp đã tích cực trong điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, thực hiện nhiệm vụ đặt hàng dạy nghề, tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 1956 trên địa bàn để xây dựng kế hoạch phù hợp với nhu cầu học nghề cho người lao động”.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ,TB&XH, sau 2 năm thực hiện Quyết định 1956, tỉnh Yên Bái đã tổ chức ĐTN cho trên 11.520 LĐNT, đạt 99,7% kế hoạch. Trong đó: nhóm đối tượng thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân bị thu hồi đất canh tác gần 2.600 người; nhóm LĐNT thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập hộ nghèo (nhóm LĐNT thu nhập dưới 600.000 đồng) 3.400 người; nhóm LĐNT khác gần 5.530 người. Trên 50% lao động có việc làm sau đào tạo.

Trong tổng số lao động tham gia học nghề có trên 5.300 người theo học các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: chăn nuôi - thú y, trồng trọt, chế biến nông sản..., trên 6.200 người tham gia học các nghề phi nông nghiệp như: điện dân dụng, sửa chữa xe máy, cơ khí, may mặc... Yên Bái đã xây dựng danh mục các nghề cần đào tạo cho LĐNT với 23 nghề (trong đó có 9 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 14 nghề phi nông nghiệp).

Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các cơ sở dạy nghề xây dựng, các ngành nghề mới, phù hợp với thực tế sản xuất tại địa phương, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Thông qua các lớp đào tạo nghề đã giúp nhiều LĐNT áp dụng kiến thức KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Nhiều hộ gia đình xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Nhiều lao động đã có việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh hoặc vay vốn để mở các cơ sở sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho LĐNT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐTN cho LĐNT ở Yên Bái gặp không ít khó khăn do đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, năng lực trình độ và kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế, hình thức đặt hàng dạy nghề tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, việc ưu tiên cho các cơ sở dạy nghề, cơ sở có hoạt động dạy nghề của địa phương (nhất là cấp huyện) còn phổ biến nên không lựa chọn được những đơn vị có kinh nghiệm và điều kiện tốt hơn tham gia dạy nghề tại địa phương.

Việc tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm cho LĐNT tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tỷ lệ thấp, giới thiệu lao động sau khi học nghề đi lao động ở ngoài tỉnh gặp khó khăn…

Để thực hiện có hiệu quả công tác ĐTN cho LĐNT trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Yên Bái cho biết: “Tỉnh cần tăng phối hợp giữa các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ĐTN, nâng cao năng lực mạng lưới cơ sở dạy nghề, chỉnh lý chương trình, giáo trình phù hợp và tăng cường đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình thí điểm dạy nghề phù hợp, thu hút người lao động tham gia học nghề. Yên Bái đề nghị Bộ LĐ,TB&XH, Tổng cục Dạy nghề quan tâm tăng kinh phí dạy nghề cho người lao động, tăng đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề và có thêm chính sách hỗ trợ người lao động sau học nghề, giúp họ có việc làm sau đào tạo”.

Ông Nguyễn Khắc Chung - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ,TB&XH:

Theo tôi, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, Yên Bái cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề học nghề gắn với tạo việc làm. Bên cạnh đó, cần tập trung ĐTN cho các xã thí điểm xây dựng mô hình xây dựng nông thôn mới, dạy nghề theo nhu cầu sử dụng và yêu cầu  phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Bà Huỳnh Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Trạm Tấu:

Ngoài mức hỗ trợ tiền ăn cho học viên theo Quyết định 1956/QĐ - TTg của Chính phủ, chúng tôi đề nghị hỗ trợ thêm cho vùng cao 5.000 đồng/người/ngày, hỗ trợ kinh phí cho các học viên có nhu cầu ĐTN dài hạn và được giới thiệc việc làm sau khi tham gia các lớp học nghề. Giao thêm cho Trung tâm chỉ tiêu biên chế giáo viên của một số nghề như: may mặc, chăn nuôi - thú y, xây dựng, sửa chữa xe máy.

Bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng phòng LĐ,TB&XH thành phố Yên Bái:

Hoạt động dạy nghề phải gắn với tạo việc làm, giới thiệu cho các học viên đã qua đào tạo nghề làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là tham gia xuất khẩu lao động. Đồng thời tạo điều kiện cho các học viên sau học nghề được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, người lao động cần nỗ lực hơn nữa để tham gia vào sản xuất và phải tiếp tục nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hải - xã Việt Thành, huyện Trấn Yên:

Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, làm theo kinh nghiệm là chính nên dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Sau khi tham gia lớp học nghề do Trung tâm Dạy nghề huyện Trấn Yên mở ngay tại xã theo Quyết định 1956 của Chính phủ, tôi đã tiếp thu được những kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi - thú y áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. Từ đó, đàn lợn của gia đình không còn bị mắc bệnh nữa, mỗi năm tôi xuất hai lứa lợn mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

 Mạnh Cường