Dạy nghề theo sát nhu cầu thực tế

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/2/2012 | 9:08:42 AM

YBĐT - Nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Trung tâm Dịch vụ Việc làm thuộc Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức dạy nghề phù hợp, theo sát nhu cầu thực tế cho từng đối tượng, địa phương, bảo đảm hiệu quả thiết thực.

Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội cơ sở về  kỹ thuật soạn thảo văn bản trên máy vi tính ở huyện Văn Chấn.
Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội cơ sở về kỹ thuật soạn thảo văn bản trên máy vi tính ở huyện Văn Chấn.

Trung tâm xác định, chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phụ thuộc chủ yếu vào bốn yếu tố cơ bản: kinh phí đào tạo, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên, giáo trình, phương pháp giảng dạy và người học, trong đó người học giữ một vai trò quan trọng.

Để người học chủ động, tích cực tham gia các lớp học nghề và phát huy nghề sau mỗi khóa học, ngay từ đầu năm 2011, Trung tâm đã phối hợp với hội nông dân các huyện, thành phố thống kê nhu cầu học nghề của hội viên, nông dân đồng thời tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng nhân lực lao động qua đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, địa phương...

Qua đó, Trung tâm xây dựng kế hoạch, phương hướng đào tạo nghề theo ngành, nghề cho phù hợp. Cụ thể, sau một thời gian thực hiện, 25.000 lượt hội viên nông dân các cấp được tư vấn, giới thiệu học nghề thông qua các buổi giao ban, sinh hoạt của hội; phối hợp với các trung tâm, cơ sở dạy nghề trong tỉnh mở 60 lớp dạy nghề, thu hút gần 2.000 lượt hội viên tham gia.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, hỗ trợ việc làm Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Động lực & Máy nông nghiệp Việt Nam mở 4 lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy móc, nông cụ trong sản xuất nông nghiệp cho 225 học viên của các xã thuộc huyện: Trấn Yên, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ; mở 4 lớp tập huấn về “Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của nông dân trong phòng, chống dịch cúm gia cầm”; chỉ đạo xây dựng 80 mô hình gia cầm theo hướng an toàn sinh học tại 8 xã thuộc huyện Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái.

Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân toàn tỉnh còn phối hợp với phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật các địa phương mở trên 100 lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 5.000 hội viên. Năm 2011, các cấp hội nông dân Yên Bái đã phối hợp mở 70 lớp dạy nghề cho trên 2.125 hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi - thú y, chế biến lâm sản, may mặc, sửa chữa điện dân dụng...

Để thu hút nông dân tích cực, chủ động tham gia học nghề nông, Trung tâm đã mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương và nhu cầu về kiến thức khoa học kỹ thuật của học viên. Qua đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, khoa học, bảo đảm nội dung và chất lượng theo quy định đồng thời hợp đồng với những giáo viên có nhiều kinh nghiệm để giảng dạy. Thời gian tổ chức lớp học tránh thời điểm mùa vụ bận rộn của nông dân nhưng phải trùng với thời vụ sản xuất của cây trồng, vật nuôi.

Đối với các lớp dạy nghề chăn nuôi, học viên tham gia học nghề đã nắm chắc kỹ thuật nuôi, có thể tự nhận biết, phân biệt được các loại bệnh… trên vật nuôi, từ đó có cách phòng ngừa, trị bệnh kịp thời, chủ động trong chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Qua thực tế, các lớp dạy và học nghề triển khai năm 2011 đã góp phần tác động đến nhận thức của hội viên, nông dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Đảng và Nhà nước.

Học viên trong các lớp học đã thấy được tác dụng của việc học nghề đối với bản thân và gia đình mình. Từ đó, họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền cho công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn như: nhận thức của người lao động về ngành nghề chưa sâu sắc, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa nhất quán trong tư tưởng lựa chọn về ngành nghề lâu dài. Đặc biệt, nguồn vốn dành cho lĩnh vực đào tạo nghề hạn hẹp, cơ sở vật chất hầu như là thuê hoặc mượn. Bên cạnh đó, các cơ sở cũng như người lao động chưa nhận thức rõ những lợi ích của công tác đào tạo nghề, vì thế việc hợp tác gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, trình độ học vấn của người lao động thấp, khả năng nhận thức không đồng đều nên việc tiếp thu kiến thức chưa hiệu quả. Thêm vào đó, thời gian đào tạo của các lớp dạy nghề ngắn, các tiết học thực hành ít, thiếu các trang thiết bị, máy móc thực hành...

Thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các cấp hội, công ty, doanh nghiệp, chính quyền địa phương làm tốt công tác giải quyết việc làm sau đào tạo nghề. Đồng thời tham mưu cho Thường trực Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng chính sách của địa phương về dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các đoàn thể, phòng, ban chuyên môn thống kê nhu cầu học nghề và việc làm của địa phương mình; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp cùng các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân; tham gia giám sát chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoàng Nhung