Hiệu quả từ những cây rơm

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/2/2012 | 9:04:12 AM

YBĐT - Những vụ rét trước đây, không năm nào huyện Trạm Tấu (Yên Bái) không bị chết rét hàng trăm đến hàng nghìn con trâu bò. Điển hình như vụ đông xuân 2010-2011, cả huyện chết tới 1.213 con gia súc, trong đó có 502 con trâu, 293 con nghé, 179 con bò, 95 con bê, 36 con ngựa, 18 con dê.

Dọc đường lên huyện Trạm Tấu đầy những cây rơm lớn để bổ sung nguồn thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông.
Dọc đường lên huyện Trạm Tấu đầy những cây rơm lớn để bổ sung nguồn thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông.

Nguyên nhân chủ yếu là do khan hiếm thức ăn dẫn đến suy kiệt thể lực, gia súc không chống chịu được rét. Thứ nữa mới do khâu phòng bệnh và chuồng trại chưa được người dân quan tâm đúng mức.

Khắc phục tình trạng này, trong năm qua, huyện Trạm Tấu đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm giữ vững và phát triển đàn gia súc để phát huy tiềm năng, thế mạnh chăn nuôi. Trong đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: chủ động phòng chống bệnh mùa đông cho gia súc; kiểm tra lại toàn bộ hệ thống chuồng nuôi chưa bảo đảm yêu cầu chống rét để hỗ trợ nhân dân sửa chữa, hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc trâu bò trong mùa giá rét.

Kết quả: 100% số trâu, bò được tiêm phòng bệnh và có gần 2.000 chuồng nuôi được hỗ trợ vật liệu che mưa, chống rét. Riêng về thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông tích cực triển khai hướng dẫn nhân dân trồng một số giống cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao như cỏ voi, cỏ VA06, cỏ Guatemala được trên 150 ha, trong đó  xã Trạm Tấu trồng nhiều nhất được trên 20 ha. Cán bộ nông nghiệp còn hướng dẫn nhân dân trồng ngô ở thời điểm thích hợp để cuối năm vừa thu hoạch ngô vừa có cây ngô làm thức ăn cho trâu, bò.

Nét mới trong việc chủ động thức ăn chăn nuôi là huyện chỉ đạo tất cả các xã phải vận động nhân dân thu gom toàn bộ nguồn rơm của lúa mùa 2011 để dự trữ nguồn thức ăn bổ sung cho trâu, bò. Riêng 2 xã: Hát Lừu, Trạm Tấu được chọn làm mô hình điểm thì tất cả các hộ chăn nuôi trâu, bò đều phải có từ 1 đến 2 cây rơm khối lượng bảo đảm từ 500 kg trở lên. Cán bộ chuyên môn của huyện về tận cơ sở để hướng dẫn nhân dân cách phơi ủ rơm và hỗ trợ bạt che mưa.

 

Bà con người Mông xã Trạm Tấu cắt cỏ VA06 cho trâu, bò ăn trong mùa giá lạnh.

Kĩ sư Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trạm Tấu phấn khởi cho biết: "Nhờ chủ động được thức ăn kết hợp với phòng bệnh, chống rét nên đến hết tháng giêng năm 2012, toàn huyện chưa có một con trâu, bò nào bị chết rét". Điều khác biệt nhất với xã Trạm Tấu là những năm trước đây vào tháng giêng đã phải cắt gần hết cỏ trồng cho trâu, bò ăn nhưng nay hầu như chưa phải sử dụng đến do có rơm và cây ngô. Số rơm của xã Trạm Tấu có thể sẽ dùng qua tháng hai mới hết và lúc đó nguồn cỏ tự nhiên cũng đã mọc và cỏ trồng cũng bắt đầu phát triển mạnh.

Riêng với xã Hát Lừu, do người dân tích cực khai thác thêm cỏ lau, cỏ chít cộng với cỏ trồng nên lượng rơm khô còn khá nhiều. Ông Giàng Nủ Lâu ở thôn Km 14 nói: "Có rơm cho trâu ăn thì sướng quá rồi! Trước đây không có rơm, những ngày mưa mình phải đi cắt cỏ lau khổ lắm mà không đủ cho trâu ăn. Bây giờ ngày mưa ở nhà đã có cây ngô, cỏ voi và có cây rơm dự trữ, mình thấy đỡ khổ nhiều rồi".

Theo lãnh đạo huyện Trạm Tấu, huyện sẽ triển khai chương trình học tập kinh nghiệm về bảo quản rơm và chủ động thức ăn cho trâu, bò ngay trong đợt rét này để bà con thấy rõ hơn hiệu quả thực tế từ xã Hát lừu và Trạm Tấu. Khi đã nắm được kinh nghiệm, bà con người Mông ở các xã khác sẽ bắt tay làm theo ngay từ đầu năm mới.

Với những hiệu quả bước đầu, chắc chắn Trạm Tấu đã mở được những hướng đi phù hợp để phát huy, thế mạnh chăn nuôi đại gia súc từ lợi thế đất đai và nhân lực, thị trường, góp phần đẩy nhanh hiệu quả của công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng cao.

Hoàng Nhâm