Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án điều chỉnh vị trí việc làm đối với 5 cơ quan là: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế; các cơ quan, địa phương khác đang khẩn trương thực hiện theo quy định.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh đã phê duyệt khung danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh.
Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), từ năm 2011 đến nay, tỉnh tuyển dụng 112 công chức (ngạch chuyên viên và tương đương là 110 người, ngạch cán sự là 2 người); tuyển dụng 3.534 viên chức; thi nâng ngạch từ nhân viên, cán sự hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương 97 người; thi nâng ngạch lên chuyên viên chính 159 người; xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế từ hạng IV lên hạng III cho 254 người (trúng tuyển là 238, không trúng tuyển 16); xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học công lập, từ hạng IV lên hạng III cho 1.116 người...
Nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho CBCCVC, cùng định hướng, khuyến khích CBCCVC tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tiêu chuẩn, vị trí việc làm, tỉnh đã đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực hiện các chính sách thu hút nhân tài.
Theo đó, tổ chức nhiều loại hình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn, kết hợp ngắn hạn với dài hạn, đào tạo theo chuyên đề, theo vị trí công tác, tập trung cho cán bộ, công chức cấp xã và đào tạo cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Theo đó, từ năm 2011 đến năm 2019, thu hút 269 người theo chính sách thu hút; cử 7.691 người đào tạo nâng cao trình độ; bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch công chức cho trên 4.000 người; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, vị trí việc làm cho gần 60.000 lượt CBCCVC.
Đến nay, 100% đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 được bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND. Đặc biệt, năm 2018-2019, tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU của Tỉnh ủy về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Qua đó, cử 150 CBCCVC thuộc Đề án tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh, Công ty LG Hải Phòng; cử 60 cán bộ trẻ tham gia khóa tập huấn, học tập kỹ năng quản lý, lãnh đạo tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đây chính là nguồn cán bộ kế cận đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Song song với đó, việc áp dụng công nghệ thông tin, các mô hình, phương pháp, công nghệ hiện đại trong quản lý đội ngũ CBCCVC được thực hiện hiệu quả thông qua triển khai xây dựng và sử dụng phần mềm "Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, CBCCVC trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh Yên Bái”.
Đến nay, phần mềm được triển khai đồng bộ đến các sở, ban, ngành, các hội, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; UBND cấp huyện và cấp xã.
Theo đó, cấp là 936 tài khoản; tổng số khung hành chính đã được tạo lập trên phần mềm là 1.127 đơn vị, bao gồm các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; tạo lập cơ sở dữ liệu được 24.646 hồ sơ CBCCVC và Hợp đồng 68 có mặt của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nâng cao việc chấp hành và triển khai thực hiện; gắn với thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý kỷ luật CBCCVC có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm; từng bước nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của các cơ quan hành chính, chính quyền các cấp đối với tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, những năm tới, tỉnh cần tiếp tục xây dựng cơ cấu CBCCVC hợp lý gắn với vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện đúng quy định về tuyển dụng công chức, viên chức; đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, chọn người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, năng lực vào bộ máy Nhà nước.
Trong công tác tuyển dụng, cần thực hiện tốt chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; từng bước thực hiện thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp sở và tương đương trở xuống. Trong đánh giá, cần đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế đánh giá CBCCVC theo kết quả công việc, xây dựng cơ chế trả thu nhập và khen thưởng theo kết quả hoàn thành công việc; đồng thời, triển khai kịp thời các quy định về cải cách chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội.
Để bổ sung đội ngũ CBCCVC có chất lượng, cần tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học, những người có trình độ học vấn cao về làm việc tại tỉnh; đồng thời, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCCVC trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ, xử lý nghiêm những trường hợp CBCCVC vi phạm, trì trệ, nhũng nhiễu, cản trở, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện cải cách hành chính.
Nguyễn Đình