30 năm giữ lửa tin yêu
- Cập nhật: Thứ hai, 2/9/2013 | 8:12:22 AM
YBĐT - Nằm giữa trung tâm thị xã nhưng cách biệt với sự ồn ào và náo nhiệt của phố thị bởi một không gian xanh lý tưởng, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách thập phương mỗi khi có dịp vào thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái).
Các em thiếu nhi lao động vệ sinh tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ
|
Điều làm du khách hài lòng không chỉ bởi không gian thiên nhiên hiếm có, lòng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc ở đây mà còn bởi sự trang nghiêm, tĩnh lặng được tạo nên từ tấm lòng thành kính của đồng bào các dân tộc Nghĩa Lộ - Mường Lò dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nơi mà họ đã đặt tất cả niềm tin yêu của mình.
Với đồng bào các dân tộc nơi đây, tất cả những cụm từ như "Chủ tịch", "lãnh tụ", "anh hùng giải phóng dân tộc", "danh nhân văn hóa thế giới" mà cả thế giới thường dùng khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh đơn giản chỉ là: "Bác Hồ". Đồng bào có câu "Có ruộng vì có Bác Hồ". Chỉ điều ấy thôi cũng đủ để nói lên sự biết ơn sâu sắc của người dân nơi đây với Bác - một lòng biết ơn thành kính, thiết tha và chân thành, không cần đến bất cứ ngôn từ hoa mĩ nào diễn tả.
30 năm trước, lòng biết ơn và tình cảm chân thành, thiết tha ấy đã được hiện thực hóa thành một hành động mang tính lịch sử trong đời sống đồng bào. Đó là khi nhân dân không kể già, trẻ, trai, gái, không kể thành phần dân tộc, nghề nghiệp... cùng chung sức chung lòng xây dựng nên công trình Vườn quả Bác Hồ - một công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc trong đời sống nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ nói riêng, nhân dân các dân tộc phía Tây tỉnh Yên Bái nói chung.
Năm 1979, nhân 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động phong trào xây dựng các công trình tưởng niệm Bác trên phạm vi cả nước, bắt đầu bằng phong trào xây dựng "Ao cá Bác Hồ". Việc phát triển "Ao cá Bác Hồ" đã nhận được sự hưởng ứng của nhân dân cả nước, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc và đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Trong thời kỳ này, thị xã Nghĩa Lộ còn là thị trấn thuộc huyện Văn Chấn - tỉnh Hoàng Liên Sơn. Cùng với cả nước, tỉnh Hoàng Liên Sơn cũng đã tích cực hưởng ứng phong trào.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc nơi đây muốn tỏ lòng biết ơn thành kính tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn có thêm điều kiện tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người nhưng cái khó của đồng bào là ở chỗ đường sá xa xôi, muốn về Hà Nội cũng phải vượt qua một đoạn đường dài, đèo dốc hiểm trở, trong khi đời sống còn quá nhiều khó khăn, vì vậy, việc xây dựng một công trình để nhân dân được thường xuyên thăm viếng, thắp hương lên Bác là một nguyện vọng thiết thực, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của đồng bào.
Và niềm vui đã đến khi nơi đây được tỉnh chọn làm nơi xây dựng công trình. Ngày 2/7/1982, nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn trong niềm vinh dự và tự hào lớn lao đã nô nức tham gia lễ khởi công xây dựng công trình Vườn quả Bác Hồ. Vượt qua tất cả những gian nan, thử thách, với phương châm "ai có công góp công, ai có của góp của" và tấm lòng kính yêu Bác vô hạn, ngày 3/9/1983, trước sự chứng kiến của của đông đảo nhân dân, đồng chí Hoàng Công Dung - Chủ tịch huyện Văn Chấn đã cắt băng khánh thành Nhà sàn Bác Hồ, công trình chính thức đi vào hoạt động.
Chưa bao giờ niềm vui lại vỡ òa như thế. Cờ và hoa tràn ngập khắp các ngả đường. Nhân dân từ các vùng xa xôi hẻo lánh của huyện Văn Chấn, từ các huyện bạn, tỉnh bạn đã tụ hội tại Vườn quả Bác Hồ để được thắp hương tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn thành kính đến Người. Năm 1985, nhân kỷ niệm 95 năm sinh nhật Bác, Huyện ủy Văn Chấn đã phê duyệt dự án xây dựng Ao cá Bác Hồ và huy động nhân dân cùng chung sức, chung lòng tham gia xây dựng công trình. Đến khi hoàn thành, nhân dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công lao động cùng nhiều vật liệu. Niềm vui lớn nhất là mong ước của đồng bào đã trở thành hiện thực.
Những năm đầu, công trình mang tên Vườn quả Bác Hồ, sau đổi thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 5/9/1999, UBND tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định số 273/QĐ-UB về việc đổi tên Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ cho phù hợp với tình hình thực tế và quy mô của công trình. Trước năm 2009, Khu tưởng niệm có 03 hạng mục công trình chính.
Đó là, vườn cây ăn quả Bác Hồ có diện tích bao quanh, gồm nhiều giống cây ăn quả quý hiếm được sưu tầm từ nhiều địa phương trong cả nước. Thứ hai là nhà sàn Bác Hồ được xây dựng phỏng theo nhà sàn của Bác ở thủ đô Hà Nội, gồm 2 gian: một gian đặt bàn thờ và tượng Bác, một gian đặt tủ trưng bày một số hiện vật gắn với đời sống giản dị của Bác như: bộ quần áo lụa, đôi dép cao su, chiếc mũ cát, chiếc gậy ba-toong được Bảo tàng Hồ Chí Minh chế tác từ nguyên mẫu gửi tặng.
Đảng bộ và nhân dân Văn Chấn làm lễ khởi công công trình xây dựng "Vườn quả Bác Hồ" ngày 2/7/1982
Năm 1999, để đảm bảo tính bền vững của công trình, nhà sàn đã được đầu tư tu sửa, nâng cấp thành nhà sàn bê tông cốt thép ốp gỗ quý như hiện nay. Thứ ba, ao cá Bác Hồ được thiết kế theo hình bản đồ huyện Văn Chấn để ghi nhớ công lao của nhân dân các dân tộc trong huyện, trong đó có nhân dân thị trấn Nghĩa Lộ đối với một công trình có ý nghĩa sâu sắc như vậy.
Từ khi trở thành một chi nhánh trong hệ thống các bảo tàng và khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước (năm 1997), đồng thời là chi nhánh duy nhất ở khu vực Tây Bắc, ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình càng được khẳng định. Từ ý tưởng về một khu vườn gợi nhớ hình ảnh thân thương của Bác, vườn quả đã được mở rộng thành một tổ hợp các hạng mục công trình có tính liền kề, bổ sung ý nghĩa cho nhau, hoàn thiện cho ý tưởng về một công trình hoàn thiện, đa dạng, có thể tái hiện một cách sinh động nhất, hiệu quả nhất những hình ảnh của Bác tới đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Năm 2009, Khu tưởng niệm đã được đầu tư tôn tạo, nâng cấp quy mô lớn và hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 10/2012 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Nghĩa Lộ.
Hàng năm, Khu tưởng niệm đón tiếp, phục vụ hàng ngàn lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân và du khách thập phương đến thăm quan, thắp hương tưởng nhớ Bác. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động ý nghĩa như lễ kết nạp Đảng, Đoàn, Đội, là nơi sinh hoạt thường kỳ của nhiều câu lạc bộ quần chúng và nhiều hoạt động của chính quyền thị xã.
Song song với hoạt động đón tiếp, phục vụ nhân dân và du khách, cán bộ làm công tác tuyên truyền còn không ngừng nâng cao nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: triển lãm (tại chỗ và lưu động), tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng... Đặc biệt, đơn vị còn góp phần không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ qua công tác phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích, hấp dẫn cho học sinh trên địa bàn thị xã.
Trong 30 năm qua, những thành quả mà Khu tưởng niệm đã đạt được khó có thể nói hết bằng những con số cụ thể. Bởi thành quả lớn nhất và ý nghĩa nhất chính là tình cảm mà nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ - Mường Lò cùng du khách thập phương đã dành tặng. Những cán bộ, nhân viên làm việc tại Khu tưởng niệm vẫn hàng ngày, hàng giờ giữ gìn ngọn lửa thiêng - ngọn lửa của lòng biết ơn vô hạn, của tình cảm chân thành, giản dị mà nhân dân dành cho Bác.
Lật giở từng trang cảm tưởng mà nhân dân và du khách gửi lại khi đến thăm mới thấu hiểu phần nào những tình cảm vô cùng trân trọng đó. Trong tâm trạng xúc động, đại diện đoàn cán bộ Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Đảng và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái khi đến thăm vườn quả Bác Hồ đã viết: "...Đến thăm vườn quả Bác Hồ, được thắp hương tưởng niệm Bác, được ngồi nhà sàn ăn quả trong vườn Bác mà trong lòng chúng tôi vô cùng xúc động. Cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Văn Chấn, Nghĩa Lộ đã xây dựng khu vườn Bác, để nhân dân và các cháu thiếu nhi đến đây với Bác.
Việc này của các đồng chí mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, nhất là ý nghĩa chính trị, tư tưởng - đó là ấn tượng sâu sắc..." (Nghĩa Lộ, ngày 13/10/1995). Còn đối với ông Nguyễn Đình Phiêu - nguyên Trưởng ban Kinh tế - Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Viện Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh lần đầu đến thăm Khu tưởng niệm đã thực sự ấn tượng với một Khu tưởng niệm Bác "sạch đẹp, bàn thờ Bác trang trọng, những người phục vụ nhã nhặn và chu đáo"...Với những người đang âm thầm làm công việc tôn tạo, bảo tồn, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử truyền thống quê hương đất nước ở thị xã Nghĩa Lộ, đó mới thực sự là điều ý nghĩa.
Trong không khí đổi thay từng ngày của quê hương đất nước, người Nghĩa Lộ tưởng chừng như đâu đó Bác vẫn dõi theo từng bước với một tình yêu thương vô hạn với mong muốn "đồng bào rẻo cao tiến kịp đồng bào miền xuôi". Dẫu con đường phía trước còn nhiều chông gai, thử thách nhưng chúng cháu tin rằng khi ngọn lửa tin yêu mà đồng bào dành cho Bác chưa một ngày lụi tắt thì sẽ không có trở ngại nào, khó khăn nào có thể ngăn cản sự đi lên của đồng bào. Và giữa lòng thị xã, Khu tưởng niệm Bác vẫn sẽ mãi là đóa hoa tâm linh bốn mùa rực rỡ sắc hương.
Nguyễn Thu Phong
Các tin khác
YBĐT - Đồng chí Vũ Khoan đã có buổi nói chuyện về tình hình thời sự trong nước, quốc tế với các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức thành phố Yên Bái; Lãnh đạo tỉnh Yên Bái dâng hương tại Khu tưởng niệm Bác Hồ, thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ; trên 15.000 phạm nhân được đặc xá dịp Quốc khánh 2/9; Diễn biến tình hình căng thẳng tại Syria... là những thông tin trong mục điểm tin tức thời sự những ngày qua.
Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày 30-8, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng, nhân dân và cách mạng Việt Nam. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”
Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 30/8 tuyên bố sẵn sàng cùng Mỹ tạo thành một liên minh quốc tế để trừng phạt Syria, bất chấp việc Anh không thể tham gia. Trong khi đó đa số người Mỹ lại phản đối việc can thiệp vào quốc gia Trung Đông.
68 năm qua, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, dũng cảm, kiên cường vượt qua khó khăn… gìn giữ nền độc lập.