BHYT là hình thức bắt buộc liệu có khả thi?
- Cập nhật: Thứ tư, 27/11/2013 | 10:53:49 AM
YBĐT - Đó là vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) nêu ý kiến tham gia trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái).
|
Sau 3 năm thi hành, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp cho người tham gia BHYT khi ốm đau được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB, góp phần chia sẻ rủi ro, giảm chi trả từ tiền túi của người bệnh, là nguồn lực quan trọng để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, Luật cũng còn nhiều nội dung không phù hợp với thực tiễn cần phải được điều chỉnh, bổ sung.
Về quy định BHYT là hình thức bắt buộc (Khoản 2, Điều 2), đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm cho rằng: Dự thảo Luật quy định BHYT là hình thức “bắt buộc”, tuy nhiên toàn bộ nội dung lại chưa thể hiện hình thức bắt buộc, chưa quy định trách nhiệm đối tượng phải tham gia, chưa có chế tài xử lý đối với đối tượng không tham gia. Theo báo cáo đến hết năm 2012, cả nước mới có 66,8% dân số tham gia BHYT, trong đó chủ yếu là đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi do NSNN hỗ trợ; có 18 tỉnh đạt dưới 60%, 4 tỉnh dưới 50%, lao động trong doanh nghiệp đạt 54,7%, hộ cận nghèo 25%, nhóm tự nguyện mới chỉ đạt 28%. Vậy quy định BHYT là hình thức bắt buộc liệu có khả thi? Đồng tình với mục tiêu BHYT toàn dân, nhưng cần có lộ trình, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng KCB, giảm các thủ tục hành chính, khi đó người dân sẽ tự nguyện tham gia BHYT.
Về quy định cấp lại hoặc đổi lại thẻ BHYT (Điều 18, 19), nhất trí với quy định người được cấp lại thẻ phải nộp phí, nhưng đề nghị trong trường hợp mà do lỗi của cơ quan bảo hiểm thì người được cấp lại hay đổi lại thẻ không phải nộp phí. Vấn đề phân tuyến, tiếp nhận bệnh nhân BHYT là cần thiết, để bệnh nhân được tiếp cận cơ sở y tế gần nhất đối với các bệnh thông thường và giảm bớt áp lực quá tải cho bệnh viện tuyến trên, tạo cho hệ thống y tế các tuyến cơ sở phát triển. Tuy nhiên, vấn đề phân tuyến còn có những bất cập. Thực tế cho thấy một số bệnh viện giữ bệnh nhân, để xảy ra tình trạng bệnh nặng mới cho chuyển tuyến trên khi quá muộn, gây bức xúc cho gia đình và phản ứng trong xã hội.
Qua tiếp xúc cử tri cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, bệnh nan y như: Suy thận, tiểu đường, ung thư, tim mạch… đã được cơ sở KCB tuyến dưới chuyển lên tuyến trên. Tại đây sau khi điều trị bệnh tạm ổn, cho xuất viện nhưng đòi hỏi phải tái khám định kỳ và nhận thuốc đặc hiệu mà tuyến dưới không có. Thế nhưng mỗi lần tái khám người bệnh buộc phải có giấy chuyển viện, gây khó khăn cho người bệnh, nhất là người bệnh ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đi lại rất vất vả thậm chí phải mất vài ngày mới hoàn tất thủ tục chuyển viện.
Vì vậy, đề nghị đối với các bệnh nan y, mãn tính nêu trên phải điều trị nhiều đợt tại các cơ sở y tế tuyến trên thì người bệnh chỉ cần làm thủ tục chuyển BHYT đúng tuyến, những lần tái khám sau đó, không phải làm thủ tục chuyển tuyến để tránh gây phiền hà cũng như kinh phí cho người bệnh. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định: Những trường hợp đi công tác, nghỉ phép, tham quan, du lịch, thăm cha mẹ, con cái nếu bị ốm mà có giấy tờ chứng minh thì được KCB nơi có điều kiện thuận lợi.
Về việc quản lý quỹ, theo thống kê quỹ BHYT năm 2012, một số tỉnh có số bội chi là rất lớn, điều đáng lưu ý ở đây, không phải những thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật y tế hiện đại, đội ngũ y, bác sỹ chuyên sâu, tỷ lệ vượt tuyến cao số bội chi lớn mà tỷ lệ bội chi cao lại là các tỉnh: Kiên Giang 110 tỷ 478 triệu đồng, thành phố Cần Thơ 96 tỷ 207 triệu, Nam Định gần 70 tỷ.. Một số tỉnh nghèo, khó khăn quỹ kết dư lại cao như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái…
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm cho rằng: cần quy định thống nhất về quản lý quỹ BHYT, quỹ kết dư sao cho phù hợp, tránh tình trạng kết dư quỹ BHYT các tỉnh nghèo, tỉnh khó khăn lại điều tiết về cho các tỉnh có điều kiện hơn và đề nghị Chính phủ quy định các tỉnh có kết dư quỹ BHYT được sử dụng một phần để phát triển BHYT và phục vụ KCB BHYT tại địa phương. Quy định như vậy sẽ gắn trách nhiệm cho địa phương trong việc tổ chức thực hiện BHYT, khuyến khích địa phương quản lý và sử dụng quỹ minh bạch và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn nhiều điều, khoản giao Chính phủ quy định (8 điều). Đề nghị Ban soạn thảo rà soát một số điều khoản đưa vào Luật, tránh Luật chờ nghị định, thông tư, hướng dẫn.
Đức Toàn (ghi)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 26/11, kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII, tiếp tục chương trình làm việc họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
![Hội nghị Đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng Việt Nam-Nhật Bản](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/11_2013/104780_Doi-thoai.jpg)
Đối thoại nhằm góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam -Nhật Bản lên một tầm cao mới.
YBĐT - Trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều văn bản pháp luật đặc biệt quan trọng.
![Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình Đồng chí Dương Văn Tiến (giữa) - Bí thư Huyện ủy Yên Bình thăm mô hình trồng chè ở xã Bảo Ái.](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/11_2013/_dong-chi-2.jpg)
YBĐT - Những việc làm theo Bác của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Yên Bình không chỉ thể hiện ở các kết quả cụ thể mà còn được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống một cách đa dạng, phong phú, khá toàn diện trên các lĩnh vực.