Đại tướng sống mãi giữa lòng dân tộc

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/2/2014 | 8:30:42 AM

YBĐT - Gần 100 ngày sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an nghỉ nơi đất mẹ, nhân dân, đặc biệt là cư dân mạng vẫn liên tục để di ảnh của Đại tướng ở những vị trí trang trọng nhất kèm theo những lời chia sẻ đầy xúc động, tình cảm về vị tướng của nhân dân. Đại tướng đã ra đi nhưng đức độ, tài năng, nhân cách của ông sẽ trường tồn cùng những người con dân nước Việt.

Đại tướng, biểu tượng của đất nước, con người Việt Nam

“Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa, ngoài trống vắng mà thôi…”. Những câu hát đó cứ vang vẳng trong tâm trí tôi khi đọc những dòng comment (bình luận) của những người dân Việt và bạn bè quốc tế nói về sự ra đi của vị Đại tướng huyền thoại - Võ Nguyên Giáp.

Sự ra đi của con người vĩ đại ấy đã để lại trong lòng nhân dân biết bao tiếc thương. Cả thế giới đều biết ông như một vị tướng huyền thoại của một dân tộc hùng anh. Tôi còn nhớ Raxun Gamzatov, nhà thơ người Đaghextan nổi tiếng thế giới thật có lý khi nói rằng: Khi đi ra thế giới rộng lớn, người muốn ta muốn biết anh là ai, là người như thế nào, thì anh phải chìa chứng minh thư, chìa tấm hộ chiếu ra, trong đó đã ghi mọi điều cần thiết. Còn nếu khi có ai hỏi một dân tộc, muốn biết dân tộc đó thế nào, thì cũng phải đưa ra “tấm hộ chiếu” của mình. Đó là các nhà bác học, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ, những nhà hoạt động chính trị kiệt xuất hay các vị tướng lĩnh tài ba. Họ chính là giấy thông hành để dân tộc đó đi ra thế giới rộng lớn.

Có lẽ chính vì thế mà có lần đoàn Việt Nam tham dự Festival thanh niên thế giới, khi phái đoàn Việt Nam vừa xuất hiện thì cả cầu trường vang dội những tiếng hô nồng nhiệt của bạn bè thế giới: “Hồ Chí Minh -Giáp, Giáp! Hồ Chí Minh - Giáp, Giáp”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ lỗi lạc, là danh nhân văn hoá thế giới. Còn tiếng hô vang “Giáp, Giáp!” là họ đang hô vang tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với thế giới, cái tên quen thuộc ấy gắn liền với Việt Nam, cũng đồng nghĩa với chiến thắng, nên không cần phải diễn giải hay phiên dịch. Theo chiều dài lịch sử, cùng với Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Tướng Giáp đã trở thành một phần của tờ “giấy thông hành” để dân tộc ta ngẩng cao đầu đi ra thế giới.

Võ Nguyên Giáp là vị tướng “bách chiến bách thắng”. Những ai đã có dịp gặp Đại tướng, chiêm ngưỡng con người thật của ông ngoài đời, đều hết sức kinh ngạc. Một cụ già hiền lành, đôn hậu, nước da hồng hào với mái tóc bạc phơ thật gần gũi biết bao.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của trận mạc nhưng con người ông lại là hiện thân của hoà bình. Vốn là một giáo viên dạy môn Lịch sử, chẳng qua một trường lớp đào tạo quân sự nào nhưng ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn và phong thẳng lên Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và cho ông toàn quyền của một vị tướng ngoài biên ải. Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc, kính phục trước tài năng, sự khiêm nhường và đức độ của ông. Thượng tướng Trần Văn Trà đã có lần nói: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếc đến từng giọt máu của lính”.

Có nhiều người, nhiều tác phẩm đã viết về ông, hoặc nghe ông kể rồi viết hồi ký nhưng thực tình đó là những trang hồi ký về Bác, về Đảng, về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đó là một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, là chuyện của lãnh tụ, của đồng bào, chiến sĩ, là toàn bộ cuộc chiến tranh cách mạng được nhìn qua con mắt Đại tướng. Còn thực sự danh tướng ấy thế nào, cuộc đời ra sao thì cho đến nay mấy ai biết. “Đời mình có gì đâu mà viết. So với Bác, với đồng bào, chiến sĩ, mình chỉ là giọt nước rất nhỏ giữa đại dương mênh mông” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói như vậy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi, ông đã hòa mình vào lòng đất mẹ. “Bản trường ca cuộc đời của người anh cả của toàn quân đã khép lại” nhưng những câu chuyện về Tướng Giáp, tình yêu và lòng kính trọng của những người dân Việt Nam và bạn bè thế giới thì vẫn mãi còn trong cõi nhân gian.

Sống mãi giữa lòng dân tộc

Hàng nghìn người đã đổ ra đường để được tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ quê mẹ Quảng Bình.

Gần nửa thế kỷ sau Bác mất,  một lần nữa đất mẹ lại chứng kiến những “cơn mưa nước mắt” của dân tộc khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi. Bao nhiêu nước mắt khóc Bác Hồ, giờ khóc thương bác Giáp. “Em gái Mường Phăng”, năm nay tròn 100 tuổi, đã bật khóc trước di ảnh Đại tướng. Những giọt nước mắt đục mờ lăn dài trên đôi má nhăn nheo đã hóa đồi mồi của một người đã sống đến trăm tuổi, nếm đủ đắng cay, vinh nhục được mất của cuộc đời, tưởng chừng chẳng còn gì khiến bà rơi nước mắt.

Người lính già Phàng Sao Vàng quân phục bạc thếch bụi thời gian, ngực đỏ huy chương, ống thấp ống cao, giơ tay ngang vành mũ chào người “Anh Cả”. Một phụ nữ nhà quê vượt hàng ngàn cây số từ Bình Dương ra Hà Nội, chỉ để đặt bên tường một đóa hoa huệ trắng. Cô gái trẻ đứng bần thần mắt đẫm lệ. Giai điệu trầm hùng bi ai của bản nhạc “Hồn tử sĩ” được người nghệ sĩ đường phố tấu lên trong cảnh đoàn người miên man trầm mặc bước trong ánh nắng vàng cuối thu. Một cậu bé tựa lưng vào vai người cha, mệt mỏi vì chờ đợi nhưng tay vẫn nắm chặt tấm ảnh của vị đại tướng nhân dân. Nhân dân đã tổ chức “Quốc tang” cho ông ngay từ tối ngày 4/10/2013 và trắng đêm, với tràn ngập những hình ảnh, những dòng vĩnh biệt trên khắp các trang báo và trang mạng xã hội. Tất cả những hình ảnh xúc động ấy đã thay cho những lời muốn nói. Cả dân tộc kính yêu ông, cả thế giới và những tướng lĩnh đã đứng bên kia chiến hào ngưỡng vọng ông.

Có lẽ con số 11 ngàn người chỉ một buổi chiều đến bái biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ là những con số tượng trưng không thể nói hết tình cảm của cả dân tộc đối với một con người tài năng đức độ như ông.

Trong dòng người về viếng anh linh ông, có GS. Vũ Khiêu, người đã tặng ông đôi câu đối: “Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm”. Thật khó để nói hết về một cuộc đời, một con người, một nhân cách lớn trong những câu từ ngắn ngủi. Bởi chẳng có từ ngữ nào có thể diễn tả, khái quát hết và ta hãy cảm nhận bằng cả trái tim. 

Những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói về tướng Giáp, không gì giản dị và cao quý hơn hai chữ “Anh Cả”. Đó là từ mà những người lính dùng để gọi vị tư lệnh của mình một cách trân trọng, giản dị và gần gũi như chính con người ông. Và nói về tướng Giáp, đồng bào các dân tộc Điện Biên gọi ông là “ải pú tạp xấc” (ông nội đánh giặc). Còn nhân dân, nói về ông bằng một chữ “NGƯỜI”.

Những giọt nước mắt của cả dân tộc đã cho thấy đó không chỉ là niềm tiếc thương, ngưỡng mộ, tự hào về một vị tướng tài đã đi vào sử sách, một vị tướng mà ngay kẻ thất trận cũng cúi đầu bái phục mà đó còn là nhân cách, tính nhân văn của cả dân tộc. Nhân cách của những con người Việt Nam vĩ đại.

Hùng Cường

Các tin khác

YBĐT - Cứ mỗi độ xuân về, muôn hoa đua nở, đất trời hân hoan, lòng người rộn rã, dân tộc ta, nhân dân ta lại tự hào, phấn khởi đón mùa xuân mới và mừng sinh nhật Đảng ta. Như một lẽ tự nhiên, Đảng ta ra đời vào đúng mùa xuân (3/2/1930).

Trong không khí ấm áp của những ngày đầu xuân mới, kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng, ngày 3-2 (mùng 4 Tết), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm, chúc tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Ba Vì; dự lễ kỷ niệm 45 năm Bác Hồ trồng cây đa tại thôn Yên Bồ, xã Vật Lại và phát động Tết trồng cây nhớ Bác - Xuân Giáp Ngọ 2014.

YBĐT - Mùa xuân mới đã về! Cây lại lên lộc biếc. Nắng ấm tràn ngập không gian lay mọi vật thức tỉnh để vận hành vào năm mới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc Tết Giáp Ngọ 2014

Nhân dịp Xuân mới Giáp Ngọ 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư chúc Tết tới đồng bào, đồng chí, và chiến sĩ cả nước. YBĐT trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung bức thư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục