Công điện hỏa tốc về việc tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người
- Cập nhật: Thứ ba, 18/2/2014 | 8:13:29 PM
YBĐT - Trước tình hình dịch cúm gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp ở các địa phương trong cả nước, ngày 18/2/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có Công điện hỏa tốc số 04/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ngành:
Hiện nay vi rút cúm A/H7N9 không gây bệnh lâm sàng trên gia cầm và chưa có vắcxin phòng bệnh nên việc phát hiện, giám sát và ứng phó với chủng vi rút này rất khó khăn. (Ảnh minh họa)
|
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính; Công thương, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chi cục Thú y tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người. Sau đây là nội dung chi tiết:
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WTO), trong năm 2013 tại Trung Quốc, Hong Kong và vùng lãnh thổ Đài Loan đã có 147 người mắc cúm A/H7N9, trong đó có 47 ca tử vong.
Từ đầu năm 2014 đến nay tại Trung Quốc đã ghi nhận 190 trường hợp mắc mới, trong đó có 19 ca tử vong. Tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc giáp với biên giới Việt Nam đã có 2 người nhiễm vi rút cúm A/H7N9. Trung Quốc đã phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 lưu hành tại một số chợ buôn bán gia cầm sống. Đặc biệt nguy hiểm là vi rút cúm A/H7N9 không gây bệnh lâm sàng trên gia cầm và hiện chưa có vắcxin phòng bệnh nên việc phát hiện, giám sát và ứng phó với chủng vi rút này rất khó khăn.
Tại Việt Nam, dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm cũng đã xuất hiện nhỏ lẻ ở một số địa phương, có 2 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 trong tháng 1 năm 2014 tại Bình Phước, Đồng Tháp. Theo thông báo mới nhất từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại mười tỉnh gồm Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An và Đắk Lắk.
Trước tình hình phức tạp của dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9 tại Trung Quốc và một số tỉnh của Việt Nam, đặc biệt là dịch tại tỉnh Lào Cai; nhằm chủ động ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9 gây ra cho người và gia cầm trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thông tin thường xuyên tới tận xã, thôn, bản và người dân để người dân nâng cao nhận thức về tác hại do dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9 gây ra cho người và gia cầm.
2. Sở Y tế và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn theo dõi sát sao tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9, phối hợp với các cơ quan báo chí để thông tin kịp thời cho người dân hiểu đúng nguy cơ lây lan, tác hại của các loại cúm gia cầm, cách phòng ngừa cúm gia cầm; bám sát diễn biến tình hình dịch tại địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương lân cận tỉnh Yên Bái, trên cơ sở đó hướng dẫn các địa phương và các lực lượng chuyên môn của ngành phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải chủ động triển khai các giải pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc gia cầm nhập lậu và di chuyển gia cầm từ nơi có dịch vào địa bàn tỉnh đảm bảo việc xử lý dịch cúm ở gia cầm đạt hiệu quả cao nhất, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo Chi cục Thú y, Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với các địa phương thường xuyên làm tốt công tác tiêm phòng; vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; đồng thời cấp đủ phương tiện phòng bệnh dịch cúm gia cầm cho tất cả cán bộ, nhân viên, các lực lượng có trách nhiệm phải tiếp xúc thường xuyên với gia cầm, không để ai chịu nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm mà không có phương tiện phòng ngừa.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Phương án phòng chống dịch và “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người” trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập ngay 03 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở các địa phương, đặc biệt là các địa phương có tuyến đường quốc lộ đi qua giáp ranh với các tỉnh đã có dịch phát sinh. Có phương án phòng chống dịch và thành lập các chốt kiểm dịch theo quy định của nhà nước để dịch cúm gia cầm không lây lan vào địa phương.
- Tổ chức kiểm tra lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác trên gia cầm nhập lậu, tại các chợ buôn bán gia cầm sống nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của nhà nước.
- Khi phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường phải báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan thú y, không để vi rút phát tán ra diện rộng.
4. Sở Y tế bám sát chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế triển khai, kiểm tra sát sao việc thực hiện “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam” và các biện pháp phòng chống các chủng vi rút cúm khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
5. Các ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan tập trung triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác vào địa bàn tỉnh Yên Bái.
6. Ủy ban nhân dân các huyện Lục Yên, Mù Cang Chải, Văn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thành lập ngay các chốt kiểm dịch liên ngành theo quy định của nhà nước trên các tuyến đường vào tỉnh Yên Bái có nguy cơ cao lây lan dịch vào địa bàn tỉnh.
7. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo kinh phí phục vụ công tác chủ động phòng, chống dịch cúm cúm gia cầm H5N1 và H7N9.
8. Đề nghị đồng chí bí thư huyện ủy, thị ủy, thành ủy chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh tại các địa phương; chỉ đạo ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, quán triệt các hội viên và người dân chủ động, tích cực tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả.
Yêu cầu thủ trưởng các ngành liên quan; chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện Công điện này.
Các tin khác
YBĐT - Ngày 17/2, đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại huyện Lục Yên.
Ngày 20/2, Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc tại Hà Nội.
YBĐT – Sáng ngày 18/2, tại UBND tỉnh Yên Bái, Ban Tổ chức những ngày lễ lớn của tỉnh tổ chức cuộc họp tổng kết các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn năm 2013 và các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân năm 2014, triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn năm 2014.
YBĐT - Trong năm 2013, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Văn Chấn (Yên Bái) duy trì các cuộc họp định kỳ hàng tháng theo quy chế; sau mỗi cuộc họp đều có thông báo kết luận gửi tới Thường trực Huyện ủy, các ban HĐND huyện cũng như Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đại biểu, cơ quan liên quan.