Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, phù hợp
- Cập nhật: Thứ năm, 17/4/2014 | 8:40:44 AM
YBĐT - Hiến pháp sửa đổi được Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013 (gọi tắt là Hiến pháp năm 2013).
Một trong những nội dung quan trọng của Hiến pháp năm 2013 là những nội dung được quy định tại Chương III và các chương có liên quan về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Những quy định này đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân ta về đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trên 3 trụ cột chính: kinh tế - xã hội - môi trường.
Ông Lê Văn Lương - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội |
Đây là cơ sở hiến định, là bảo đảm về mặt chính trị - pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Vai trò đó do lịch sử lựa chọn, giao phó, được nhân dân thừa nhận và được Hiến pháp công nhận. Đồng thời, Hiến pháp làm rõ hơn và sâu sắc hơn bản chất tiên phong, bản chất nhân dân của Đảng và bổ sung một yêu cầu rất quan trọng của nhân dân là “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Trong lĩnh vực xã hội, Hiến pháp năm 2013 xác định trách nhiệm của Nhà nước cùng với toàn xã hội, bằng các nguồn lực kinh tế - tài chính, đầu tư phát triển các lĩnh vực lao động, việc làm, phúc lợi và an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục. Cụ thể: về lao động, việc làm, Hiến pháp quy định công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.
Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu (Điều 35). Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định (Điều 57).
Về phúc lợi và an sinh xã hội, Hiến pháp quy định công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34). Và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quyền được bảo đảm an sinh xã hội của mọi người dân được chính thức khẳng định thành một điều riêng. Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước; Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác; có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở (Điều 59).
Phụ nữ được tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Trẻ em được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Thanh niên được học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc. Tương tự như vậy, người cao tuổi được tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Điều 37).
Như vậy, chúng ta khẳng định rằng, Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước ta trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, vừa tạo môi trường pháp lý hết sức thông thoáng khơi nguồn nội lực, thu hút ngoại lực cho tất cả các thành phần kinh tế đua tài phát triển sản xuất, kinh doanh vừa bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.
Minh Tuấn (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - UBND tỉnh Yên Bái dự kiến giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm 2014; Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ đánh giá hoạt động quý I và triến khai nhiệm vụ quý II; Yên Bái đã và đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động tiến tới chảo mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ... là những nội dung có trong mục điểm thời sự nổi bật những ngày qua.
YBĐT - Thực hiện Chương trình giám sát năm 2014 của HĐND tỉnh trong 2 ngày 15 và 16/4/2014, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Tiến Luật - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn đã đi giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự tại các cơ quan Công an, Tòa án và Viện Kiểm sát thành phố Yên Bái. Tham gia Đoàn giám sát có các đồng chí lãnh đạo và thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, lãnh đạo Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy và HĐND thành phố.
Sáng 16-4, tại Hà Nội, tiếp tục chương trình làm việc, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và do Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển, đã cho ý kiến chung quanh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
YBĐT - Trong chiến dịch, Trung đoàn pháo 105 ly ra quân trận đầu đã lập công xuất sắc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954. Chiến thắng ấy của Trung đoàn 45 pháo binh có sự góp công rất lớn của người dân Yên Bái.