Bộ Giao thông Vận tải

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/5/2014 | 9:02:38 AM

YBĐT - Bắt đầu từ ngày 13/5, YBĐT sẽ lần lượt đăng tải trả lời của các bộ, ngành Trung ương về ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. YBĐT xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Cán bộ thanh tra giao thông Yên Bái chỉ dẫn phương tiện giao thông vào Trạm cân.
(Ảnh: Văn - Thắng)
Cán bộ thanh tra giao thông Yên Bái chỉ dẫn phương tiện giao thông vào Trạm cân. (Ảnh: Văn - Thắng)

1. Hiện tại, trên quốc lộ 32, lưu lượng đi lại của các loại xe vận tải có trọng lượng quá tải và quá khổ đã làm xuống cấp nghiêm trọng nhiều đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh miền núi trung du Tây Bắc, đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải quan tâm đến việc đầu tư xây dựng và sửa chữa, có biện pháp khắc phục và xử lý tình trạng xe chở quá tải trọng đi lại trên tuyến đường này.

Bộ Giao thông - Vận tải trả lời tại Văn bản số 885/BGTVT-KCHTGT, ngày 22 tháng 1 năm 2014:

1. Tình hình đầu tư xây dựng quốc lộ 32 đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái:

Quốc lộ 32 đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái có tổng chiều dài là 175km. Điểm đầu tại Km147 thuộc địa phận huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (giáp với huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), điểm cuối tại lý trình Km332 thuộc địa phận huyện Mù Cang Chải (giáp huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu). Đoạn tuyến quốc lộ 32, tỉnh Yên Bái đi qua các huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải, chủ yếu là đường cấp IV miền núi có tổng chiều dài là 153,7km/tổng số 175km với quy mô bề rộng mặt đường 7,5m. Các đoạn đi qua thị trấn, thị tứ được thiết kế đường cấp III với quy mô bề rộng là 9m, 11m và 15m.

- Các đoạn tuyến đã được đầu tư xây dựng:

+ Đoạn tuyến Km147 đến Km162: 15km được nâng cấp năm 2008;
+ Đoạn tuyến Km163: Km172: 10km được nâng cấp năm 2002;
+ Đoạn tuyến Km201: Km203: 2km được nâng cấp năm 2011;
+ Đoạn tuyến Km204: Km211: 7km được nâng cấp năm 2009;
+ Đoạn tuyến Km204: Km253: 49km được nâng cấp năm 2009.

Một số đoạn còn lại (Km172 - Km201, Km203 - Km204) chưa được đầu tư nâng cấp, chỉ được đầu tư sửa chữa những hư hỏng nhỏ. Riêng đoạn từ Nghĩa Lộ đi Vách Kim (Km204 - Km332), Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt Dự án đầu tư cải tạo nâng cấp tại Quyết định số 3788/QĐ-BGTVT ngày 14/11/2001 và số 1300/QĐBGTVT ngày 03/5/2007. Tuy nhiên, Dự án tạm dừng giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQCP của Chính phủ.

- Kế hoạch sửa chữa quốc lộ 32 thuộc địa phận tỉnh Yên Bái bằng nguồn vốn Quỹ Bảo trì Đường bộ Trung ương năm 2013, 2014:

+ Đoạn từ Km246+00 - Km320+00: Sửa chữa hư hỏng cục bộ nền mặt đường. Dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I năm 2014.
+ Đoạn từ Km246+796 - Km273+627 và Km277+00 - Km329+617: Đầu tư sửa chữa vừa từ tháng 11/2013. Dự kiến công trình hoàn thành vào 30/3/2014.
+ Năm 2014 đã có kế hoạch đầu tư sửa chữa Km172 - Km198+200.
+ Một số cầu đang thi công dở dang trong Dự án đầu tư nâng cấp quốc lộ 32 giai đoạn 2 sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong năm 2014.
+ Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên vẫn được triển khai thường xuyên và có hiệu quả nhằm ngăn chặn tối đa những hư hỏng mới phát sinh gây mất an toàn giao thông.

2. Biện pháp khắc phục và xử lý tình trạng xe chở quá tải trọng đi lại trên tuyến đường này:

Trước thực trạng xe chở quá tải trọng lưu thông trên tuyến quốc lộ 32 gây hư hỏng nhanh chóng nền mặt đường, Bộ Giao thông - Vận tải đã có Quyết định số 31/QĐ-BGTVT ngày 15/1/2014 Ban hành Chương trình hành động của Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Trong đó, có nhiệm vụ: tăng cường công tác quản lý và kiểm soát tải trọng xe, quản lý hành lang đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Yên Bái đã ký Quy chế phối hợp trong công tác chỉ đạo điều hành hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động; cung cấp bộ cân lưu động cho tỉnh đồng thời phối hợp với tỉnh chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông - Vận tải, Thanh tra và các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt các công việc sau:

- Thực hiện nghiêm Công điện số 1966/CĐTTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ;

- Tăng cường công tác quản lý phương tiện vận chuyển quá khổ, quá tải; thông báo trên truyền hình tỉnh quy định về tổng trọng lượng xe và quy định xếp hàng hóa khi tham gia giao thông trên các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp cùng Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai Trạm cân tải trọng trên tuyến quốc lộ 32 đồng thời phối hợp UBND các huyện, thành phố tham mưu với UBND tỉnh dự thảo Quyết định công bố về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ;

- Rà soát, bổ sung cắm biển hạn chế tải trọng theo quy định.

2. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin truyền thông, cử tri thấy tình hình tai nạn giao thông vẫn thường xuyên xảy ra, nhiều vụ việc mang tính chất đặc biệt quan trọng. Ngoài các nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, xuống cấp nhưng chậm được khắc phục; việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) chưa được đầy đủ, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân còn có những nguyên nhân khác như: một số phương tiện giao thông đã được đăng kiểm nhưng không bảo đảm an toàn; xe chở quá khổ, quá tải vẫn không được xử lý triệt để, vẫn được lưu hành; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng, các ngành chức năng có thẩm quyền đã được thực hiện nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc, nghiêm khắc, còn nhiều kẽ hở. Để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban ATGT, các bộ, ngành chức năng có thẩm quyền tiếp tục có những giải pháp triệt để, nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm ATGT; đối với những trường hợp để xảy ra vi phạm ATGT mà phương tiện đã được kiểm tra, kiểm soát thì cần phải gắn với trách nhiệm rõ ràng của các bên có liên quan và phải được xử lý nghiêm minh.

Bộ Giao thông - Vận tải trả lời tại Văn bản số 1218/BGTVT-ATGT, ngày 8 tháng 2 năm 2014:

Đúng như ý kiến phản ảnh của cử tri, trong khoảng thời gian nửa đầu của năm 2013, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn cả nước có chiều hướng gia tăng, đã xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để kịp thời khắc phục tình trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo; các bộ, ngành, địa phương cũng đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cụ thể như:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 về việc thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động vận tải, Công điện số 95/CĐ-TTG ngày 10/1/2013 về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng và chở quá số khách cho phép và Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 về việc tăng cường kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và các bộ, ngành địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) để ngăn chặn và giảm TNGT trong dịp tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và mùa lễ hội xuân 2014.

Các bộ, ngành đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT: Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập 07 đoàn kiểm tra do các thứ trưởng làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT đường bộ; chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô tại các tỉnh, thành trong cả nước; tập trung làm rõ những bất cập về quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải, làm rõ trách  nhiệm đồng thời kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố có số người chết do TNGT tăng. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát kết hợp với trấn áp tội phạm liên quan đến TTATGT trên toàn quốc.

Để chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá trọng tải, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an triển khai xây dựng kế hoạch liên ngành kiểm tra tải trọng xe trên một số tuyến quốc lộ đồng thời chỉ đạo ngành giao thông vận tải và công an ở các địa phương triển khai kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến trọng điểm vi phạm về tải trọng các phương tiện. Tháng 9 năm 2013  (đợt 1), Bộ Giao thông Vận tải đã đầu tư 10 bộ cân lưu động và bàn giao cho 10 địa phương để triển khai công tác kiểm soát tải trọng trên đường bộ; theo kế hoạch, trong quý I năm 2014, bàn giao tiếp 57 bộ cân lưu động cho các địa phương còn lại. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ công an đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013 của hai bộ “Phối hợp thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ”.

Để nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, góp phần giảm thiểu TNGT và ô nhiễm môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành các thông tư mới quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn đối với lãnh đạo, nhân viên trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; hoàn thiện việc lắp giáp camera giám sát hoạt động tại 100% các trạm đăng kiểm để tăng cường công tác giám sát; cải cách triệt để thủ tục hành chính, thay thế sổ chứng nhận kiểm định, giảm phiền hà cho chủ phương tiện, xử lý triệt để hiện tượng phương tiện nhập khẩu như đóng mới và hoán cải trong nước có sức chứa vi phạm quy định về tải trọng trên các trục xe; tổ chức đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho đăng kiểm viên; tiến hành tổng kết việc thực hiện thí điểm xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành và đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Có thể nói, trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể, tổ chức quốc tế và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân cả nước, công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tình hình TNGT trên địa bàn cả nước trong các tháng cuối năm 2013 (từ tháng 8 đến tháng 12) đã được kiềm chế: số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương vì TNGT đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012, từ đó đã góp phần kéo giảm TNGT năm 2013 cả 3 tiêu chí so với năm 2012 và đây cũng là năm thứ hai mà số người chết vì TNGT tiếp tục giảm xuống dưới 10.000 người. Cụ thể: trong năm 2013, trên toàn quốc đã xảy ra 29.385 vụ TNGT, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người, so với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.610 vụ (-5,19%), giảm 55 người chết (-0,58%), giảm 3.045 người bị thương (-9,36%).

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm cả 3 tiêu chí so với dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013. Cụ thể: trong 9 ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, toàn quốc xảy ra 338 vụ TNGT, làm chết 275 người, làm bị thương 322 người, so với 9 ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 giảm 06 vụ (-15,07%), giảm 50 người chết (-15,38%), giảm 41 người bị thương (11,29%).

Tuy nhiên, kết quả kiềm chế giảm TNGT chưa bền vững, số người bị chết, bị thương do TNGT vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng; vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng trên đường bộ; vẫn còn hiện tượng một số phương tiện giao thông đã được đăng kiểm nhưng không đảm bảo an toàn; tình trạng xe chở quá khổ, quá tải vẫn chưa được xử lý triệt để; việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng, các ngành chức năng còn chưa đáp ứng được với yêu cầu của công tác bảo đảm TTAGT (như ý kiến, kiến nghị của cử tri). Đây thực sự là thách thức và là nguy cơ, hiểm họa tiềm ẩn đối với an sinh và trật tự an toàn xã hội, đòi hỏi Chính phủ, các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân trong thời gian tới cần phải tiếp tục có những hành động quyết liệt, cụ thể để triển khai đồng bộ những giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu tối đa TNGT.

Bộ Giao thông Vận tải xin tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị  của cử  tri và sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành quán triệt, đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo đảm TTATGT; lấy chủ đề hành động của năm 2014 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”.

3. Tại Điểm a, b, c, Khoản 3, Điều 15 tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 như sau: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị;

b) Dựng lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 4, Điểm a Khoản 5 Điều này;

c) Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g Khoản 4, Điểm c Khoản 5, Điểm a Khoản 6 Điều này”.

Trong khi đó thì tại Điểm b Khoản 2 Điều 39 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thẩm quyền đối với trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: “Phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 2.500.000 đồng”.

Đề nghị giảm mức phạt tiền xuống thấp hơn vì nếu quy định như vậy thì thực tế rất khó thực hiện do có sự chênh lệch giữa thẩm quyền và mức phạt.

Bộ Giao thông - Vận tải trả lời tại Văn bản số 1278/BGTVT-ATGT, ngày 11 tháng 2 năm 2014:

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 5 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Ban hành Kế hoạch triển khai và Danh mục Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính”, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nghị định số 171/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014 và thay thế 04 nghị định gồm: Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012  của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt và Nghị định số 156/2007/NĐ-CP ngày 19/10/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2006/NĐ-CP.

Tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định thẩm quyền phạt tiền của các chức danh tương ứng theo đúng quy định tại Điều 38, Điều 39 và Điều 46 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Cụ thể, tại Điểm b Khoản 3 Điều 70 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định: “Trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền phạt tiền đến 2.000.000 đồng đối với hành vi  vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt”.

Về chế tài xử phạt, tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã kế thừa các quy định hiện hành (của các nghị định được thay thế) đã được thực hiện ổn định, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đồng thời có điều chỉnh lại mức phạt tiền đối với một số nhóm hành vi vi phạm cho phù hợp với tính chất, mức độ hậu quả vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi khi thực hiện.

Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị;

b) Dựng lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 4, Điểm a Khoản 5 Điều này;

c) Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g Khoản 4, Điểm c Khoản 5, Điểm a Khoản 6 Điều này”.

d) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 5m2 làm nơi trông, giữ xe”.

Về nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt: Tại Khoản 1 Điều 72 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định: “Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện theo quy định tại Điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính”.

Theo đó, trường hợp các chức danh mà cử tri đã nêu (như: trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất) phát hiện hành vi vi phạm mà mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền của mình thì các chức danh này chuyển vụ vi phạm đến cấp có đủ thẩm quyền (theo quy định của pháp luật) để xử phạt.

Các tin khác

YBĐT - Chiều 12/5, tại Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái, Bộ Nội vụ phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo xây dựng chính sách cán bộ dân tộc thiểu số phía Bắc để thông qua Dự thảo lần thứ nhất của Thông tư liên tịch Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 11 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Kết thúc hội nghị cấp cao ASEAN, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.

YBĐT - Hiến pháp sửa đổi đã khẳng định chính sách tôn trọng, bình đẳng giữa các dân tộc, tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Ngày 11/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao ASEAN-24 (Trong ảnh: Các trưởng đoàn chụp ảnh chung).

Hội nghị Cấp cao ASEAN-24 bế mạc ngày 11/5 tại Myanmar, thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và không sử dụng vũ lực, không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục