Quốc hội thảo luận về Luật Giao thông đường thủy nội địa
- Cập nhật: Thứ tư, 21/5/2014 | 3:56:27 PM
YBĐT - Ngày làm việc thứ hai (21/5) của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
|
Thảo luận tại tổ về: Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho thấy, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với việc cần phải có các quy định pháp luật đối với một số hoạt động giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ) tại các vùng nước không phải “đường thủy nội địa”.
Về đề nghị của một số ĐBQH xem xét phân cấp việc đăng kiểm phương tiện cho UBND cấp tỉnh và tiến tới xã hội hóa công tác này, UBTVQH cho rằng việc phân cấp đăng kiểm cho UBND cấp tỉnh đã và đang thực hiện theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25/11/2004 của Bộ GTVT. Hiện nay, số lượng phương tiện thuộc diện đăng kiểm đã được phân cấp cho các UBND cấp tỉnh thực hiện chiếm 94,6% số phương tiện phải đăng kiểm trong toàn quốc.
Đối với việc đề nghị xã hội hóa công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, UBTVQH cho rằng, trên thực tế cơ sở vật chất phục vụ công tác đăng kiểm như các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu, trạm thử, phòng thí nghiệm... đã được xã hội hóa. Bộ GTVT hiện cũng đang thí điểm xã hội hóa đối với đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ. Vì vậy, việc xã hội hóa đăng kiểm phương tiện thủy nội địa sẽ được nghiên cứu, chế định trên cơ sở đánh giá thực hiện thí điểm xã hội hóa đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ. UBTVQH cũng cho rằng, quy định việc tổ chức thực hiện đăng kiểm phương tiện nói chung đang được quy định tại các văn bản dưới luật, do đó, nên giữ nội dung về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa như trong Dự thảo Luật.
Về đăng ký phương tiện thủy nội địa, UBTVQH cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đăng ký phương tiện còn thấp là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tổ chức đăng ký hiện nay ở địa phương chưa tạo thuận lợi cho chủ phương tiện thực hiện đăng ký. Do đó, Ủy ban đề xuất sửa đổi theo hướng giao UBND các cấp (trong đó có cấp xã) tổ chức đăng ký phương tiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký phương tiện.
Về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, một số vị ĐBQH đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật của phương tiện thủy nội địa vừa được đăng kiểm xong. UBTVQH cho rằng, phương tiện vừa được đăng kiểm xong mà xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật thì tùy theo mức độ, tổ chức, cá nhân đăng kiểm sẽ bị xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị không bổ sung quy định này vào Dự thảo Luật.
Qua thảo luận các đại biểu Quốc hội nhất trí cần có các quy định pháp luật đối với một số hoạt động giao thông đường thủy nội địa tại các vùng nước không phải “đường thủy nội địa”. Các ý kiến cho rằng không bổ sung các quy định pháp luật đối với một số hoạt động giao thông đường thủy nội địa tại các vùng nước không phải “đường thủy nội địa” vào “phạm vi điều chỉnh” mà nên quy định về “áp dụng pháp luật” đối với phần mặt nước không phải là đường thủy nội địa tại một điều ở Chương IX của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 để đảm bảo tính logic pháp lý.
Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến cụ thể về các nội dung quy hoạch phát triển đường thủy nội địa; quản lý luồng, tuyến; đăng ký phương tiện thủy nội địa; đăng kiểm phương tiện thủy nội địa... Thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc lồng ghép quy hoạch đường thủy nội địa với các quy hoạch ngành; phân định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong vấn đề này; bổ sung quy định phối hợp các cơ quan có liên quan trong việc thẩm định quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa các cấp để đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Tham gia thảo luận tại tổ gồm đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Yên Bái, Hà Nam, Thừa Thiên Huế và Kom Tum.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Yên Bái, Hà Nam, Thừa Thiên Huế và Kom Tum tham gia tại tổ.
Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu nhất trí cao với Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ và đảm bảo tính khả thi cao. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cho rằng: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không dân dụng, công tác quản lý giá, phí dịch vụ hàng không vẫn còn cao, công tác đảm bảo an ninh hành không…
Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, các đại biểu cho rằng, việc bàn hành các văn bản, hướng dẫn thi hành luật vẫn còn tồn đọng và chậm tiến độ yêu cầu đề ra.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành của Trung ương cần có báo cáo cụ thể việc nợ đọng các văn bản, quy định chi tiết hướng dẫn còn chậm tiến độ đề ra… và cần quy định cụ thể thời gian nào thì hoàn thành? Đó là cơ sở để các đại biểu Quốc hội giám sát, nghiên cứu, nắm bắt thông tin. – (Đại biểu Nguyễn Công Bình nói). Đồng thời, cần nâng cao chất lượng xây dựng các dự án Luật trong thời gian tới và việc xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 rất nặng nề, đề nghị Quốc hội xem xét không nên lùi một số các dự án luật để đảm bảo tiến độ mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phùng Quốc Hiển và đại biểu Giàng A Chu (Đoàn Yên Bái) cho rằng, việc xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 gặp không ít khó khăn và đề nghị Quốc hội, các cơ quan soạn thảo xây dựng luật đảm bảo tính khả thi cao và cần sớm xem xét sửa đổi, thông qua một số các dự án Luật sao cho phù hợp với Hiến Pháp sửa đổi năm 2013, ví dụ như: Luật Ngân sách, Luật Chính quyền địa phương, Luật Biểu tình…, để có căn cứ pháp lý áp dụng và có hiệu lực thi hành.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Sáng ngày 21/5, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên các tỉnh, thành phố, các cơ quan, Đảng ủy trực thuộc Trung ương.
YBĐT - Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ VI được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên vừa qua, chủ đề được lựa chọn là "Tiếp tục đổi mới toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013".
Hôm nay (21/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam lên đường đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014) và thăm làm việc tại Philippines từ ngày 21-22/5 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Philippines Benigno S. Aquino III và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schawab.
YBĐT - Trả lời ý kiến cử tri huyện Yên Bình và Lục Yên đề nghị Chính phủ quan tâm và hỗ trợ nguồn vốn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (nhất là đầu tư hệ thống đường điện) đối với vùng dân cư đã phải di dời nhường đất ở, đất sản xuất để Nhà nước xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Bộ Công thương trả lời tại Văn bản số 702/BCT-KH, ngày 24 tháng 1 năm 2014. Nội dung như sau: