Quốc hội thảo luận hai Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/5/2014 | 2:55:34 PM

YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 27/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về hai Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đại biểu Giàng A Chu (đoàn Yên Bái) cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đại biểu Giàng A Chu (đoàn Yên Bái) cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận tại tổ, hầu hết các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về hai Dự án của Luật này. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã tham gia cho ý kiến tập trung xung quanh vấn đề quy định về nhà ở công vụ, nhà ở xã hội… được ghi trong Dự án Luật nhà ở (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng khi xây dựng các chính sách nhà ở công vụ cần tính toán, xem xét để đưa ra các chính sách sao cho phù hợp, đảm bảo hợp tình, hợp lý. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần lắng nghe, sâu sát thực tế hơn nữa khi xây dựng Luật nắm được thực trạng để xây dựng các điều, khoản phù hợp với từng điều kiện, đối tượng nhằm tránh tình trạng không để bị lợi dụng, biến tướng khi được phân nhà ở công vụ lại cho thuê hoặc sử dụng vào mục đích khác…, đặc biệt quan tâm đến nhà ở công vụ cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phùng Quốc Hiển (đoàn Yên Bái) cho rằng: Việc xây dựng các chính sách về nhà ở công vụ, nhà ở xã hội trong Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ gặp khó khăn nhất định. Để những quy định trong Luật đi vào cuộc sống, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ việc mua, cho thuê, cho thuê mua được ghi trong Dự án Luật một cách đơn giản và dễ hiểu hơn và các chính sách về nhà ở công vụ, nhà ở xã hội cần có chế độ chính sách đặc thù, đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, thể hiện tính trung lập nhằm chống thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước và tăng cường quản lý Nhà nước một cách chặt chẽ về vấn đề này.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia thảo luận tại tổ.

Liên quan đến chính sách nhà ở công vụ, đại biểu Giàng A Chu, (đoàn Yên Bái) cho rằng: Trong khoản 3, điều 14 của Luật Nhà ở (sửa đổi) về các chính sách nhà ở công vụ, đặc biệt là đối với nhà ở cho giáo viên ở miền núi hiện nay còn tạm bợ và gặp nhiều khó khăn, vì vậy đề nghị bổ sung, mở rộng phạm vi, đối tượng chính sách đối với nhà ở công vụ được ghi trong Luật như vậy là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý nhà công vụ tại các địa phương sao cho phù hợp, bởi thực tế sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng nhà công vụ lại cho thuê nên cần được quản lý một cách chặt chẽ.

Về nhà ở tái định cư, đại biểu Giàng A Chu cho rằng: Đối với khu vực nông thôn, trong Luật Nhà ở (sửa đổi) cần ghi rõ những quy định mức cụ thể hơn về diện tích đất ở  đối vớ những khu tái định cư là bao nhiêu? Công tác quản lý Nhà nước và các thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng nhà ở, đất ở hiện nay vẫn còn nhiều phức tạp, nhiêu khê… do vậy, Luật Nhà ở sửa đổi lần này nên cần điều chỉnh để đảm bảo tính minh bạch, công khai, giảm thiểu thủ tục hành chính cho người dân.

Về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản, các đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường nâng cao chất lượng hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước, việc xây dựng Luật hiện nay cần phải tính đến “tuổi thọ” của Luật nếu không lại phải sửa đổi lại luật; Luật Bất động sản được điều chỉnh dựa trên nhiều Luật khác, do vậy đề nghị Ban soạn thảo cần lưu ý những vấn đề liên quan đến xây dựng Luật kinh doanh bất động sản tránh chồng chéo, trùng lặp… Cần có chế tài cụ thể và quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh nhà ở, nhằm chống thất thu thuế và tạo kẽ hở trong hợp đồng mua, bán kinh doanh bất động sản, quản lý chặt chẽ đối với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài kinh doanh bất động sản ở Việt Nam và việc mua, bán, chuyển nhưng, cho thuê kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ đối với các tổ chức, cá nhân đều phải quy định bắt buộc thành lập các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản…

Cùng ngày, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).

Đức Toàn

Các tin khác
Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp Phó Tổng Thư ký LHQ, bà Ameerah Haq.

Chiều 26/5, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp bà Ameerah Haq, Phó Tổng Thư ký LHQ, Cục trưởng Cục Hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình tại thực địa, nhân dịp bà sang thăm Việt Nam và dự Lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

YBĐT - Ngày 26/5, bắt đầu tuần làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận Luật Phá sản (sửa đổi) và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.

Bước sang tuần làm việc thứ 2, ngày 26/5, Quốc hội làm việc tại hội trường về công tác xây dựng pháp luật.

YBĐT - Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ triển khai Chương trình Quốc gia về xây dựng NTM; Khai mạc hè, khai mạc Hội trại huấn luyện kỹ năng năm 2014 và Liên hoan Thiếu nhi các dân tộc thiểu số lần thứ 2 - 2014; Những thông tin về kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII; Thái Lan - hàng trăm người biểu tình phản đối đảo chính, kêu gọi bầu cử... là những thông tin đáng chú ý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục