Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Doanh nghiệp và Luật công chứng (sửa đổi)

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/5/2014 | 3:11:09 PM

YBĐT - Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến thảo luận tại tổ.
Đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến thảo luận tại tổ.

Trong phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo dự Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với quan điểm, mục tiêu sửa đổi luật và cho rằng, việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm tạo được bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, việc sửa luật cũng giúp khắc phục những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có những quy định chặt chẽ trong việc quản lý, kiểm soát để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để trục lợi.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là cần thiết nhằm thực thi các quy định của Hiến pháp; tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tạo điều kiện và động lực mới cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập cản trở sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp trong thực tiễn. Một số ý kiến cho rằng, quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp như dự án Luật là chưa chặt chẽ, dễ dẫn tới lợi dụng hình thành doanh nghiệp để hoạt động phi pháp, khó kiểm soát, khó bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Thực tế hiện nay có doanh nghiệp lợi dụng việc thành lập để mua bán hóa đơn, thậm chí có doanh nghiệp hoạt động lừa đảo, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế, yếu kém trong khâu kiểm soát sau khi thành lập doanh nghiệp, không hẳn do quy định của Luật. Để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể trong dự án Luật một cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về đăng ký thành lập doanh nghiệp; bổ sung quy định chặt chẽ về hậu kiểm đối với doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động.

Đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.

Tham gia ý kiến thảo luận tại tổ về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng: Sau 8 năm triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp 2005, đã có những tác động tích cực, tuy nhiên, qua hoạt động thực tiễn vẫn còn một số vướng mắc, bất cập như: Vấn đề đăng ký kinh doanh, thay đổi nội dung kinh doanh, những bất cập về góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp hiện nay; tình trạng doanh nghiệp không có đủ vốn theo số cổ phần đã đăng ký còn xảy ra, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để thực hiện mục tiêu kinh doanh, dẫn đến phải đi vay, dẫn đến tăng chi phí lãi suất, lợi nhuận giảm. Đây là một trong những nguyên nhân phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp phát triển không bền vững, xuất hiện một số doanh nghiệp “Tay không bắt giặc” - Ông Bình nói.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động doanh nghiệp vẫn còn hạn chế nhất định, lúng túng trong việc sát nhập, giải thể, cơ cấu lại doanh nghiệp… Để không hạn chế quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Công Bình cũng bày tỏ đồng tình với quy định về việc tách giấy đăng ký kinh doanh và một số quy định trong dự thảo Luật để khắc phục hạn chế, bất cập và đề nghị dự thảo Luật nên có chế tài để xử lý các chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và người lao động, dẫn đến gây bất ổn cho xã hội.

Đại biểu Phùng Quốc Hiển (đoàn Yên Bái).

Đại biểu Phùng Quốc Hiển (đoàn Yên Bái) đề nghị Ban soạn thảo về Luật Doanh nghiệp cần làm rõ vai trò đầu tầu của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nào và ngoài vốn đầu tư của Nhà nước thì việc hình thành vốn doanh nghiệp như thế nào, có nên bổ sung vốn của Nhà nước cho các doanh nghiệp nữa hay không? Đề nghị Quốc hội bàn bạc, xem xét, quyết định và việc quản lý vốn trong các doanh nghiệp thì không cần thiết phải ghi trong Luật này. Bên cạnh đó cần xem xét, đánh giá hoạt động tài chính của các doanh nghiệp và cơ quan, đơn vị, tổ chức nào giám sát các hoạt động doanh nghiệp cũng cần được quy định, làm rõ trong Luật này. 

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu nghe Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Các đại biểu đã tham gia góp ý vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), trong đó tập trung vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau như phạm vi công chứng; tiêu chuẩn công chứng viên; công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ; chủ trương xã hội hóa nghề công chứng; về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên...

Về chủ trương xã hội hóa nghề công chứng, đa số các ý kiến đại biểu phát biểu đều ủng hộ chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, song đề nghị vẫn cần phải duy trì phòng công chứng tại những địa bàn nhất định, vì Nhà nước cần bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa nơi không có Văn phòng công chứng. Về nguyên tắc hành nghề công chứng, các đại biểu băn khoăn về quy định bổ sung nguyên tắc "không vì mục đích lợi nhuận", vì hoạt động công chứng trước hết là nhằm giúp Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Quy định như vậy sẽ mâu thuẫn trực tiếp với quy định cho phép chuyển đổi phòng công chứng hay chuyển nhượng văn phòng công chứng.

Nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với dự thảo báo cáo, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng chính là người được Nhà nước ủy nhiệm thực hiện quyền lực công, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp trong các hợp đồng, giao dịch dân sự mà trong nhiều trường hợp đây là nghĩa vụ bắt buộc do pháp luật quy định. Vì vậy, hoạt động công chứng phải nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của người dân và tổ chức hành nghề công chứng phải chịu sự kiểm soát, hạn chế nhất định từ phía cơ quan nhà nước.

Đức Toàn

Các tin khác
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp Tổng Thư ký CITES, ông John E. Scanlon.

Chính phủ Việt Nam thực thi có trách nhiệm các Công ước quốc tế, như: Công ước về buôn bán quốc tế các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp; Công ước về đa dạng sinh học; Tuyên bố chung Hội nghị London về buôn bán trái phép các loài hoang dã 2014.

YBĐT - Ngày 28/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái để thống nhất thời gian, nội dung chương trình và các công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 – HĐND tỉnh khóa XVII. Đồng chí Lê Văn Tạo - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đại biểu Giàng A Chu (đoàn Yên Bái) cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi).

YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 27/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về hai Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp Phó Tổng Thư ký LHQ, bà Ameerah Haq.

Chiều 26/5, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp bà Ameerah Haq, Phó Tổng Thư ký LHQ, Cục trưởng Cục Hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình tại thực địa, nhân dịp bà sang thăm Việt Nam và dự Lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục