Đại sứ Việt Nam tại Mỹ bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc trên CNN
- Cập nhật: Thứ năm, 29/5/2014 | 2:04:36 PM
Trả lời phỏng vấn trực tiếp Đài truyền hình CNN, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng không chấp nhận việc cưỡng ép hoặc đe dọa.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn CNN.
|
Sáng 29/5 (theo giờ Việt Nam), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Quốc Cường đã có buổi trả lời phỏng vấn trực tiếp với phóng viên quốc tế của Đài truyền hình CNN, Christiane Amanpour tại trụ sở của CNN ở thủ đô Washington DC về các hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tại buổi phỏng vấn, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan và nhiều tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và những cam kết của lãnh đạo Trung Quốc với ASEAN khi Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam không còn cách nào khác là phải phản ứng lại một cách hòa bình nhưng cương quyết.
Bác bỏ phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Thôi Thiên Khải nói rằng Trung Quốc chỉ có một giàn khoan duy nhất trong khi Việt Nam có hơn 30 giàn khoan, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nêu rõ: Trung Quốc đang tìm cách tạo ra thực tế mới, thay đổi nguyên trạng, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp và điều này là không thể chấp nhận được.
Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam đã được tiến hành hàng thập kỷ nay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhiều công ty nước ngoài đã tham gia vào các dự án này; nếu các dự án này trong khu vực tranh chấp thì chắc chắn các doanh nghiệp nước ngoài đã không tham gia như vậy. Về phía Trung Quốc, năm 2012, nước này đã tiến hành mời thầu quốc tế các lô dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam nhưng không có công ty nước ngoài nào tham gia.
Trong buổi phỏng vấn, phóng viên Amanpour đã bày tỏ lo ngại về vụ việc giàn khoan Trung Quốc và gần đây là việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Bà Amanpour cho rằng Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng nhỏ hơn, từ Nhật Bản, Phillipines cho đến Việt Nam. Thái độ này của Trung Quốc được thể hiện trong phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì năm 2010 khi ông này nói rằng Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nêu rõ, những ý kiến như vậy là không thể biện minh được vì trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều bình đẳng, không có chuyện nước lớn nước nhỏ.
Về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác, nhưng không chấp nhận việc cưỡng ép hoặc đe dọa. Ông khẳng định người dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và không nước nào nên đánh giá thấp quyết tâm này. Tất cả người dân Việt Nam, dù ở Việt Nam, Mỹ hay bất kỳ nước nào đều tin rằng không có gì quý hơn độc lập và tự do.
(Theo VOV)
Các tin khác
Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, ngày 28/5, Hội nghị bộ trưởng lần thứ 17 Phong trào Không liên kết (MNA) đã chính thức khai mạc trọng thể tại Algiers (Algeria).
YBĐT - Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái kiểm tra tiến độ thi công công trình đường tránh ngập thành phố Yên Bái; Triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ 2; Một số văn bản, quyết định mới; Chiến sự bùng phát dữ dội và lan rộng tại Donetsk... là những tin tức đáng chú ý những ngày qua.
YBĐT - Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Chính phủ Việt Nam thực thi có trách nhiệm các Công ước quốc tế, như: Công ước về buôn bán quốc tế các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp; Công ước về đa dạng sinh học; Tuyên bố chung Hội nghị London về buôn bán trái phép các loài hoang dã 2014.