Quốc hội thảo luận về lấy phiếu tín nhiệm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/6/2014 | 4:45:25 PM

YBĐT - Ngày 6/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Đại biểu Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) phát biểu thảo luận tại tổ về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm.
Đại biểu Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) phát biểu thảo luận tại tổ về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm.

Theo Tờ trình, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, quy trình, thủ tục lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị của nước ta. Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng lấy phiếu quy định tại Nghị quyết 35 là phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến cũng cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết nhưng cần mở rộng thêm đối tượng lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện là cơ sở để đánh giá cán bộ.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết này. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung gồm: phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm; mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm…

Liên quan đến mức đánh giá tín nhiệm, thời gian lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến các đại biểu đề nghị chỉ để 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Nghị quyết 35 đã xác định mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ, làm cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Đặng Thị Kim Liên (đoàn Yên Bái) phát biểu góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. 

Về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến của các đại biểu đề nghị nên tiến hành hai lần trong một nhiệm kỳ. Thực hiện phương án này, việc đánh giá cán bộ sẽ chính xác và toàn diện hơn. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Dương Văn Thống, đại biểu Phùng Quốc Hiển và đại biểu Nguyễn Công Bình (đoàn Yên Bái) cho rằng: Thời hạn lấy phiếu tín nhiệm nên tiến hành hai lần trong một nhiệm kỳ, lần thứ nhất vào cuối năm thứ hai và lần thứ hai vào năm thứ tư cuối nhiệm kỳ, đó là thời điểm phù hợp để đánh giá bộc lộ rõ khả năng của cán bộ đã được Quốc hội bầu và phê chuẩn khi được lấy phiếu tín nhiệm. Nếu phiếu tín nhiệm cao thì tiếp tục phát huy còn nếu phiếu tín nhiệm thấp thì nên xem xét, điều chỉnh để phấn đấu vươn lên… Đây cũng chính là một kênh để giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm của đại biểu dân cử một cách khách quan, thông qua các đại biểu Quốc hội.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; việc gia nhập công ước và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số nội dung như quy định trình độ trung cấp nghề đối với người tốt nghiệp trung học cơ sở, về dạy nghề gắn với doanh nghiệp, xã hội hóa hoạt động dạy nghề.

Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề, đại biểu Đặng Thị Kim Liên (đoàn Yên Bái) cho rằng: Một thực tế khó phủ nhận đó là người học đều có xu thế học đại học, do tâm lý của người làm cha, làm mẹ có con học đại học cảm thấy tự hào, hãnh diện với xóm làng. Theo đó là sự chạy đua trong việc mở thêm trường, thêm lớp; kéo dài thời gian tuyển sinh; hạ điểm đầu vào… Với cách nhìn còn chưa đầy đủ về học nghề, chưa coi nghề là nghiệp dẫn đến một hệ luỵ là mất cân đối trong cơ cấu nhân lực, thiếu hụt lao động qua đào tạo nghề. Tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng, đại học không có việc làm cao, làm trái nghề đào tạo cũng nhiều. Các cơ sở học nghề và các giải pháp dạy nghề chưa thực sự đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn người dân tự giác học nghề một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó là chương trình dạy nghề thực sự chưa tương thích với công nghệ sản xuất hiện đại của doanh nghiệp, để doanh nghiệp quan tâm, ưu tiên tuyển chọn lao động tại chỗ.

Do vậy, đề nghị Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề cần quan tâm tới một số vấn đề đó là: Luật cần mở rộng chính sách học nghề cho người học đối với nghề đặc thù, nghề mũi nhọn và cả khi người học đã tốt nghiệp khoá đào tạo nghề. Luật cần quy định sự phối hợp giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong định hướng, phân luồng, tuyển sinh dạy nghề từ trung học cơ sở, Trung học phổ thông để giảm tỷ lệ những người không có nhu cầu hoặc không có điều kiện học tiếp văn hoá mà không biết làm gì để có thêm thu nhập lại quay về với lao động sản xuất nông nghiệp giản đơn “một nắng hai sương”.

Luật Dạy nghề cần có cơ chế để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, tạo việc làm tại khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn; đồng nghĩa với đó là quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề, quy định rõ những mục, khoản đầu tư của doanh nghiệp trong duy trì hoạt động của cơ sở dạy nghề và trong phục vụ sản xuất, kinh doanh để người học, người lao động nhất là người học, người lao động là dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng tối đa các chính sách ưu  đãi.

Đức Toàn

Các tin khác
Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra việc chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trông ngô tại xã Trạm Tấu.

YBĐT - Tiếp tục chương trình công tác, ngày 6/6, đồng chí Phạm Duy Cường – Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác của tỉnh đã có buổi làm việc tại huyện Trạm Tấu về kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.

YBĐT - Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường thăm hỏi động viên cán bộ kỹ sư và công nhân đang thi công tại công trình Nhà máy Thuỷ điện Ngòi Hút 2.

YBĐT - Tiếp tục chương trình công tác, ngày 5/6, đoàn công tác của tỉnh Yên Bái do đồng chí Phạm Duy Cường – Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014 tại huyện Mù Cang Chải.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) bày tỏ nhất trí với mô hình VKSND theo 4 cấp, giữ nguyên mô hình tổ chức VKSND cấp huyện như hiện nay.

YBĐT - Ngày 5/6, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục