Cần có chính sách mới cho công tác giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ bảy, 7/6/2014 | 6:15:02 PM
YBĐT - Ngày 7/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, dành trọn một ngày để nghe trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 và thảo luận về nội dung này.
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
|
Theo báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhìn chung, thành tựu giảm nghèo có thể thấy rõ ở cả chuẩn quốc gia và quốc tế. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015). Ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010.
Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của Quốc hội hàng năm, 5 năm cho thấy, giai đoạn 2005 - 2012 tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân giai đoạn này, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,3 - 2,5%. Về chính sách tín dụng, từ 2005 - 2012, có gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp cho khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong công tác giảm nghèo, đó là: mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục. Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Đối với khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn - đô thị, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong việc thực thi các chính sách pháp luật về giảm nghèo đó là nguồn lực hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Điều kiện kinh tế - xã hội, địa lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, trình độ dân trí của các địa bàn nghèo nhất còn khó khăn, sự tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu trong một số địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số là những rào cản đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, hiệu quả và năng suất lao động chưa cao, thị trường tiêu thụ khó khăn cũng ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo. Một số chính sách chưa gắn với điều kiện tham gia của người nghèo nên vẫn tồn tại một số địa phương, một bộ phận cán bộ và người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách của Nhà nước. Công tác quản lý nhà nước, phối hợp trách nhiệm giữa các Bộ, ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo còn phân tán, thiếu liên kết, chưa lồng ghép được chính sách.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc Đảng nhà nước dành một nguồn lực lớn cho công tác xóa đói giảm nghèo dù điều kiện kinh tế của đất nước những năm qua còn khó khăn. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, cần có chính sách mới cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 để sát với thực tế và đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Thảo luận ở hội trường về giải pháp để cho người nghèo thoát nghèo bền vững, các đại biểu cho rằng cần có sự phân loại các hộ nghèo, cận nghèo để từ đó chính sách hỗ trợ cho từng loại đối tượng, tránh tình trạng những đối tượng đang hưởng hỗ trợ lười lao động, không muốn thoát nghèo vì sợ mất trợ cấp. Đánh giá về nguồn lực cho công tác giảm nghèo, các đại biểu cho rằng tỷ lệ hộ nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn, vì vậy cần có chính sách khuyến khích phát triển kinh doanh trong nông nghiệp vừa để tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập người dân, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Nhiều đại biểu cũng chỉ ra, hiện nay chính sách giảm nghèo còn quá dàn trải, nhiều đầu mối dẫn tới kém hiệu quả. Bên cạnh đó còn nhiều chính sách hỗ trợ theo kiểu cho không khiến cho người nghèo ỷ lại. Thực tế hiện nay, có nhiều người nghèo không chịu lao động sản xuất chỉ trông chờ vào hỗ trợ và “sợ” thoát nghèo. Nhiều đại biểu cho rằng, chính sách hỗ trợ cần phải có điều kiện để người hưởng có động lực thoát nghèo. Cần phải kiên quyết cắt bỏ chính sách hỗ trợ giảm nghèo khi hộ nghèo và người nghèo không chấp hành các điều kiện nhà nước nêu ra và không có ý thức thoát nghèo. Để đạt được điều này cử tri đề nghị chính phủ cần xem xét kỹ các điều kiện đặt ra với người nghèo và hộ nghèo phải chấp hành khi hưởng chính sách giảm nghèo trong điều kiện nhất định, khắc phục tình trạng chính sách giảm nghèo manh mún như hiện nay.
Về công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, các đại biểu cho rằng thời gian qua các chính sách về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, cận nghèo ngày càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên ở các vùng khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe người nghèo còn nhiều bất cập, do thiếu cơ sở vật chất, phương tiện, thiếu bác sỹ. Do vậy người bệnh phần lớn phải chuyển lên tuyến trên gây thêm gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Tham gia thảo luận và giải trình thêm, các Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình về các chính sách giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Để tránh tình trạng dàn trải trong các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã đồng ý giao cho địa phương chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ, sử dụng nguồn vốn điều phối chương trình để sát với tình hình; đồng thời sẽ thu gọn các chương trình mục tiêu từ 16 chương trình giảm xuống còn 2 chương trình là giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2016-2020.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để công tác thoát nghèo tiếp tục phát huy được hiệu quả cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người nghèo, cùng với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nhằm tạo thêm động lực hỗ trợ cho người nghèo nâng cao trách nhiệm, nỗ lực để cải thiện cuộc sống của mình. Phát huy nỗ lực vươn lên, khuyến khích sự chủ động tham gia của người nghèo, cộng đồng dân cư cùng với việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo là điều kiện để nâng cao khả năng thoát nghèo.
Đức Toàn
Các tin khác
Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền.
YBĐT - Ngày 6/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.
YBĐT - Tiếp tục chương trình công tác, ngày 6/6, đồng chí Phạm Duy Cường – Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác của tỉnh đã có buổi làm việc tại huyện Trạm Tấu về kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.
YBĐT - Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.