Quốc hội thảo luận Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/10/2014 | 4:08:24 PM

YBĐT - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 27/10, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về nội dung này.

Theo Tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày: Bộ luật Dân sự năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam, phát huy thành tựu của Bộ luật Dân sự năm 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Sau hơn 9 năm thi hành, Bộ luật Dân sự cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của chủ thể trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động...

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48 - NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW), Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW) và đặc biệt là yêu cầu về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 thì Bộ luật Dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập yêu cầu cần phải sửa đổi.

Việc sửa đổi, bổ sung lần này là nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành. Căn cứ vào mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Bộ luật, phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự lần này được xác định là cơ bản và toàn diện. Dự thảo Bộ luật có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: Về trách nhiệm của Tòa án và cơ quan có thẩm quyền khác trong việc bảo vệ quyền dân sự (Điều 21), thì Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Bộ luật này được áp dụng để xem xét, giải quyết.

Về dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân, tại kỳ họp thứ 7, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện một bước dự thảo Luật và tiếp tục gửi xin ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm trong hệ thống Tòa án nhân dân (Điều 3), đã có một số ý kiến đề nghị giữ nguyên tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện như hiện nay. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Từ nhiều năm nay, các cơ quan có trách nhiệm ở nước ta đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó đã nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức các tòa án. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) đã được tăng cường hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tăng thẩm quyền giải quyết hầu hết các loại vụ việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thực tiễn tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện cho thấy việc tiếp tục giữ mô hình tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện như hiện nay bảo đảm sự ổn định, thuận lợi cho người dân khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án; đồng thời không làm phát sinh nhu cầu lớn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất như phương án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện như quy định của Luật hiện hành.

Như vậy, hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân gồm có Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương và các Tòa án quân sự như thể hiện tại Điều 3 của dự thảo Luật.

Về cơ chế quản lý Tòa án về tổ chức (Điều 18), đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật giao Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án về tổ chức. Tuy nhiên, các ý kiến này cho rằng dự thảo Luật chưa làm rõ cơ chế quản lý như thế nào để bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử; chưa làm rõ cơ chế Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Hội đồng nhân dân quản lý Tòa án về tổ chức như thế nào.

Cùng ngày, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Đức Toàn

Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thành phố Bodhgaya.

Trưa 27/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới TP. Bodhgaya, bang Bihar, bắt đầu các hoạt động thăm chính thức Ấn Độ. Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tại sân bay có Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Preeti Saran; Quận trưởng Gaya Sanjay Kumar Agrawal; Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, hôm nay 27-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn cấp cao Chính phủ nước ta sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ.

YBĐT - Ban Tuyên giáo Trung ương kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội lần thứ 9 tại Yên Bái/ Chủ tịch UBND tỉnh làm việc tại huyện Yên Bình/ Đã bắt được thủ phạm vụ bắt cóc trẻ em ở Trạm Tấu/ Thông tin về kỳ họp thứ 8 QH khóa XIII/ Hàng loạt trang tin điện tử vi phạm bị “sờ gáy”/ Trung Quốc khai trừ đảng 6 quan chức cấp cao/ Brazil siết chặt an ninh trước thềm cuộc bầu cử tổng thống/ Tổng thống Nga Putin cáo buộc Mỹ phá hỏng trật tự thế giới... 

YBĐT - Ngày 25/10, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe báo cáo và báo cáo thẩm tra, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác của chánh án tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án và thảo luận tại Hội trường về nội dung này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục