Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Chính quyền địa phương
- Cập nhật: Thứ hai, 24/11/2014 | 3:13:50 PM
YBĐT - Ngày 24/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, cho ý kiến về Dự án Luật Chính quyền địa phương. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có hay không có hội đồng nhân dân (HĐND) 3 cấp là nội dung trọng tâm được các đại biểu góp ý.
|
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương không chỉ nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) sau 11 năm thi hành, mà còn nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương.
Nội dung Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhận được nhiều góp ý của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên cần thảo luận, cân nhắc thận trọng. Dự thảo đưa ra 2 phương án: phương án 1 ở đơn vị hành chính quận, phường chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND. Phương án 2: Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường, thị trấn.
Tại phiên thảo luận, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Các đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường thì cho rằng, việc có hay không có HĐND ở cấp quận, phường phải căn cứ vào hiệu quả thực tế, tránh tình trạng chỉ có hình thức như ở một số nơi thời gian qua. Nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường cho rằng, nên lựa chọn phương án ở đô thị chỉ có duy nhất một cấp chính quyền vì đặc điểm dân cư đô thị đông nhưng chủ yếu là người nhập cư với các thành phần khác nhau, phong tục tập quán, văn hóa khác nhau, các liên kết dân cư và liên kết cộng đồng lỏng lẻo hơn dân cư ở các làng xã ở vùng nông thôn. Do đặc điểm lao động đô thị kinh tế chủ yếu là công nghiệp, dịch vụ và hình thành các trung tâm thương mại, công nghiệp dịch vụ tài chính, ngân hàng cùng với mạng lưới hạ tầng khoa học kỹ thuật đan xen, xuyên suốt phi địa bàn. Việc phân định địa giới hành chính nội vùng đô thị chỉ có tính chất ước lệ, không có ý nghĩa về kinh tế, xã hội đầy đủ như ở vùng nông thôn.
Đa số đại biểu đánh giá việc đưa ra 2 phương án có hay không có HĐND cấp quận, phường tại Dự án luật đều chưa có căn cứ phân tích rõ ràng. Vì vậy Ban soạn thảo cần làm rõ những luận cứ khoa học mang tính thuyết phục hơn. Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm của mình hầu hết các đại biểu đề nghị nên theo phương án 2, tức là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn.
Nhiều đại biểu cho rằng không nên theo phương án không có HĐND ở cấp quận, phường, vì việc tổng kết, thực hiện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường thời gian qua chưa đủ khẳng định kết quả vì thiếu cơ sở lý luận. Về mặt thực tiễn cũng chưa đủ sức thuyết phục cho việc bỏ HĐND ở cấp quận phường, do vậy đề nghị để phương án 2. Các ý kiến này cho rằng, sự khác nhau của chính quyền đô thị và chính quyền địa phương ở chỗ do đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau nên phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng khác nhau, nhưng tính nhân dân, tính đại diện cho quyền lực của nhân dân không hề thay đổi. Tính nhân dân thể hiện ngay trong tên gọi HĐND và UBND. Do vậy, việc soạn thảo luật cần làm sâu sắc thêm tính nhân dân của chính quyền nhà nước, không thể vì quá đề cao chức năng quản lý hành chính nhà nước mà để phai mờ tính nhân dân của chính quyền nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Cùng ngày, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và các Nghị quyết thi hành các Luật này. Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật.
Đức Toàn
Các tin khác
Hôm nay (24.11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 8 tại Vientiane, Lào, từ ngày 24-25.11 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongsing Thammavong.
Chiều 23/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin.
YBĐT - Đại hội Đại biểu Hội Hữu nghị Việt – Lào tỉnh Yên Bái lần thứ II/ Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường làm việc tại huyện Văn Chấn và TX. Nghĩa Lộ/ Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà làm việc tại huyện Yên Bình/ Công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Yên Bái/ Tiếp tục kỳ họp thứ 8 QH khóa XIII/ Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố chấm dứt đợt bùng phát dịch Ebola tại CHDC Congo... là những thông tin đáng chú ý.
YBĐT - Ngày 23/11, Đại trướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng đoàn công tác đã thăm và làm việc với cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Yên Bái.