Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ II - năm 2014

Bình đẳng, đoàn kết, chung sức, sáng tạo, xây dựng quê hương giàu đẹp

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/12/2014 | 8:34:31 AM

YBĐT - Trong 5 năm qua, đời sống của đồng bào vùng dân tộc, miền núi tiếp tục được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, mỗi năm giảm trung bình từ 3% - 4%; hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân trên 6%/năm.

Các đồng chí lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy gặp gỡ, trao đổi với các điển hình dân tộc thiểu số tại Lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác năm 2013.
Các đồng chí lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy gặp gỡ, trao đổi với các điển hình dân tộc thiểu số tại Lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác năm 2013.

Những năm qua, quán triệt quan điểm của Đảng về công tác dân tộc, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái luôn xác định công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc là nội dung quan trọng, gắn liền trong mọi lĩnh vực, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của địa phương; là điều kiện và cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo vùng khó khăn ổn định cuộc sống, phấn đấu vươn lên.

Cùng với việc tập trung triển khai, bảo đảm mọi chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách kịp thời đi vào cuộc sống, trong phạm vi và điều kiện của địa phương, tỉnh Yên Bái đã xây dựng, ban hành trên 30 đề án, chính sách, bố trí ngân sách địa phương bình quân hàng năm trên 180 tỷ đồng nhằm bổ sung chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Một số nội dung mang lại hiệu quả thiết thực, đi trước chính sách của Trung ương được đánh giá cao, như: mô hình trường bán trú dân nuôi, hỗ trợ học sinh nội trú gạo ăn, hỗ trợ học phí khi học chuyên nghiệp, hỗ trợ phục trang, bảo tồn văn hóa truyền thống.

Trong 5 năm qua, thực hiện Chương trình 135, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư trên 755 tỷ đồng, đầu tư xây dựng được 1.063 công trình lớn nhỏ, duy tu và bảo dưỡng 272 công trình. Từ nguồn vốn 135 đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho gần 5.700 lượt hộ nghèo; tập huấn cho gần 37.500 lượt cán bộ xã, thôn bản và người dân, dạy nghề cho 2.500 thanh niên; hỗ trợ gần 37.700 lượt học sinh là con hộ nghèo học tập. Thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp cho 886.327 lượt người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn với tổng kinh phí hỗ trợ trên 81,6 tỷ đồng.

Thông qua việc hỗ trợ tiền mặt và hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, vật nuôi giúp cho các hộ có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã được đầu tư trên 45,2 tỷ đồng xây dựng 34 công trình nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ về nhà ở, từ năm 2009 - 2012, bằng các nguồn kinh phí do Trung ương hỗ trợ cùng với ngân sách của tỉnh, vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ “Vì người nghèo”, cộng đồng và gia đình đóng góp đã thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho 7.145 đối tượng là hộ nghèo, trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 87,18% với tổng kinh phí trên 149 tỷ đồng.

Đến 31/10/2014, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giải ngân các chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt gần 1.700 tỷ đồng với 101.122 hộ, trong đó số hộ là người dân tộc thiểu số còn dư nợ là 58.028 hộ với số tiền 933 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ. Ngân hàng cũng đã thực hiện cho 3.490 hộ dân tộc thiểu số nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn với tổng nguồn vốn trên 20 tỷ đồng theo các Quyết định số 32, Quyết định số 54 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn vốn đã giúp cho các hộ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, trang bị công cụ sản xuất và khai hoang ruộng nước.

Để ổn định định canh, định cư, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ di dời và tái định cư xen ghép cho 682 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư cho trên 2.000 hộ vùng dân tộc, miền núi, trong đó có trên dưới 1.800 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Yên Bái có 48 xã khu vực I, 60 xã khu vực II, 72 xã khu vực III. Toàn tỉnh có 2.303 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 790 thôn, bản đặc biệt khó khăn (4 thôn ở xã khu vực I, 237 thôn thuộc xã khu vực II và xã khu vực III có 549 thôn); 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải đang thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ. Tổng dân số toàn tỉnh hiện có khoảng 772.500 người với 30 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 53,7% (người Tày chiếm 18,27%, người Dao 11,33%, người Mông 11,06%, người Thái 7,17%, các dân tộc thiểu số khác chiếm 5,87%).

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo nay là 62 huyện, UBND tỉnh đã có Quyết định về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững ở huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu giai đoạn 2009 - 2020 với tổng nhu cầu vốn  trên 7.100 tỷ đồng. Sau 5 năm thực hiện được trên 530 tỷ đồng với việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương, công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa xã; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, trồng rừng tập trung; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 ngoài hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải được triển khai đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất và hỗ trợ con em đồng bào học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh... Hỗ trợ đồng bào trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24/2010/NQ-HĐND và Nghị quyết số 40/2011/NQ-HĐND hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất với tổng đầu tư trên 140 tỷ đồng và tổ chức thực hiện hơn 1.000 mô hình, dự án thuộc chương trình khuyến nông, khuyến ngư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập huấn, chuyển giao công nghệ, cung ứng con giống, vật tư cho 150.000 lượt hộ tham gia.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cùng với hỗ trợ nhân viên nuôi dưỡng theo chính sách riêng, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở cho trên 3.000 học sinh trung học phổ thông; cấp 3.273 tấn gạo cho trên 25 nghìn lượt học sinh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Thực hiện chính sách về y tế, đến nay, toàn tỉnh đã cấp 1.911.709 lượt thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí cho các nhóm đối tượng thụ hưởng, trong đó thẻ BHYT đối tượng người dân tộc thiểu số ở các xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn chiếm gần 62%. Việc khám chữa bệnh theo thẻ BHYT đã tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận các dịch vụ y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân từ cơ sở.

Trong giai đoạn 2011 - 2013, đã thực hiện dạy nghề cho 30.440 lao động, 45% lao động là người dân tộc thiểu số, giải quyết việc làm cho 53.138 lao động và thực hiện hỗ trợ 2.069 lao động đi xuất khẩu lao động; tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn, giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục được củng cố về tổ chức và nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý đã từng bước nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm đúng mức đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với các chế độ, chính sách thăm hỏi nhân dịp tết Nguyên đán, việc cung cấp thông tin, gặp gỡ, giao lưu, học tập kinh nghiệm được tổ chức nên người có uy tín đã thực sự trở thành trung tâm đoàn kết, gương mẫu và hướng dẫn nhân dân trong thôn bản phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và bảo vệ, giữ gìn an ninh - quốc phòng...

Những kết quả đạt được trong thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã tạo động lực thúc đẩy vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Trong 5 năm qua, đời sống của đồng bào vùng dân tộc, miền núi tiếp tục được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, mỗi năm giảm trung bình từ 3% - 4%; hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân trên 6%/năm.

Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng và có chuyển biến tích cực, đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, có quy mô, sản lượng hàng hóa lớn. Đặc biệt, đã tích cực chuyển đổi được trên 8.000ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, đưa diện tích ngô đạt trên 25.000ha; trồng mới được trên 500ha cây sơn tra. Chăn nuôi được chú trọng phát triển và được xác định để đưa tỷ trọng ngày càng nâng lên trong cơ cấu ngành; phương thức chăn nuôi tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, hiệu quả thấp đang dần được thu hẹp.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được quan tâm, khuyến khích phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng vào vùng dân tộc, tạo việc làm cho lao động tại chỗ và đào tạo, bồi dưỡng những lao động phổ thông thành lao động có kỹ thuật, tay nghề, góp phần thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng dân tộc, miền núi.

Hoạt động thương mại và dịch vụ đã phát triển mạnh ở các trung tâm xã, cụm xã, thị trấn. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn miền núi. Đến nay, 92,3% số xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 92,6% số hộ trong vùng đã được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 79% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Toàn tỉnh có 920 công trình thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho 15.754ha.

Các công trình thủy lợi hiện có đã bảo đảm nước tưới chủ động cho 83% diện tích lúa vụ xuân và 95% diện tích lúa vụ mùa đồng thời đã tăng thêm diện tích tưới tiêu và khai hoang mở rộng diện tích ruộng, góp phần làm tốt công tác phòng chống thiên tai. Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc đã thu được kết quả bước đầu. Hiện số xã đạt trên 5 tiêu chí là 92/152 xã, trong đó trên 10 tiêu chí là 21 xã.

Năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh có 567 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với 112.447/186.995 học sinh là người dân tộc thiểu số ở các cấp học, chiếm 60,1%. Tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú với 87 lớp, 2.814 học sinh; 43 trường phổ thông dân tộc bán trú, 55 trường có học sinh với tổng số 13.872 học sinh hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đến nay, có 61,7% xã, thị trấn của tỉnh có bác sĩ; 99,2% số thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc, miền núi trong những năm qua có chuyển biến tiến bộ; các chương trình quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ đã ngăn chặn, kiểm soát được nhiều dịch bệnh. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên.

 

Nhờ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, vùng cao đã có thêm nhiều bản tái định cư giúp đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng no ấm.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng trong đồng bào dân tộc miền núi tiếp tục phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Các lễ hội truyền thống của các dân tộc được duy trì, khôi phục và tiếp tục phát triển đã phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. 100% các xã vùng dân tộc và miền núi hoàn thành chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hàng năm; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, 1.658 chi bộ thôn, bản trong tỉnh đã phát huy vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo và vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 2.313 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 39,42%; 4.570 viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 24,76%; 2.663 đại biểu HĐND các cấp là người dân tộc thiểu số, chiếm 54,5%.

Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã được đẩy mạnh và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân là những tấm gương tiêu biểu người dân tộc thiểu số, trong công tác dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ II - năm 2014 đề ra cho giai đoạn 2014 - 2019 là: Phát huy thế mạnh, tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc miền núi, tận dụng và phát huy hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị; phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường và giữ vững quốc phòng - an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Vinh dự và trách nhiệm

Ông Lý Văn Ngọc - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Văn Yên: Chúng tôi luôn nhận thức, trước hết phải làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của các bộ, ngành Trung ương về việc thực hiện các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tới đội ngũ cán bộ làm công tác tại Phòng Dân tộc huyện, các ban, ngành chức năng của huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn. Nhờ nắm vững các văn bản chỉ đạo nên đội ngũ cán bộ của Phòng Dân tộc huyện, các phòng chức năng và Đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.

Minh Hằng (thực hiện)

Ông Chớ A Páo - Bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ (Trạm Tấu): Xà Hồ là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu. Toàn xã có 3.618 nhân khẩu thuộc 516 hộ, cư trú ở 9 thôn. Trước đây, do trình độ dân trí còn thấp, mỗi năm chỉ gieo trồng một vụ nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, tôi đã cùng Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ và sống định canh, định cư. Xã còn phối hợp tổ chức các mô hình điểm phát triển kinh tế để đồng bào tham quan, chỉ đạo nhân dân gieo trồng 2 vụ lúa/năm. Nếu như trước kia, mỗi vụ lúa thu đạt 32 tạ/ha thì nay đã đạt tới 47- 48 tạ/ha. Nhờ đó, từ năm 2009 trở lại đây, cuộc sống của người dân đã ổn định, trên địa bàn không còn tình trạng du canh, du cư như trước. Việc tái trồng cây thuốc phiện cũng không còn diễn ra. Tình hình an ninh, trật tự luôn được giữ vững.

Với cương vị của mình, trong thời gian tới, tôi sẽ cùng Ban Chấp hành Đảng ủy xã vận động nhân dân tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được  đẩy mạnh các phong trào ở địa phương để cuộc sống của người dân ngày một no ấm.

 Đức Hồng (thực hiện)

Ông Nông Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chấn (Yên Bình): Ngọc Chấn là xã vùng đông hồ Thác Bà với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Tày. Bản thân là Bí thư Đảng ủy xã, tôi hết sức phấn khởi, vinh dự được tham dự Đại hội. Đây là cơ hội để tôi được giao lưu, học hỏi nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc từ các đại biểu ở khắp các địa phương trong tỉnh, cũng là cơ hội để nắm bắt, thấm nhuần những chủ trương, định hướng của tỉnh về công tác dân tộc.

Từ đó, có chỉ đạo, định hướng đúng đắn trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương, bảo đảm tiếp tục giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh và truyền thống đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong xã đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, phấn đấu xây dựng xã Ngọc Chấn ngày một phát triển, vững mạnh.

N.T (thực hiện)

Ông Hà Ngọc Kiệu (Thôn Khe Ngang, xã Hưng Khánh, Trấn Yên): Được chọn là đại biểu đi dự Đại hội là vinh dự lớn cho bản thân tôi, gia đình và quê hương. Trong những năm qua, tôi đã tích cực tham gia nhiều công việc ở địa phương và luôn gương mẫu thực hiện các phong trào, hoạt động ở thôn bản. Điều tôi quan tâm là được giúp đỡ bà con thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở thôn bản" góp phần thực tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tôi sẽ cố gắng phát huy những kinh nghiệm của mình để đóng góp vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Quỳnh Nga  (thực hiện)

Minh Quang

Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh điều này trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014.

Nhân dân Sài Gòn kéo về dinh Độc Lập chào mừng quân giải phóng. Ảnh tư liệu. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nư.

YBĐT - Ngày 1/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái do các đồng chí Giàng A Chu- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh đã đi tiếp xúc cử tri tại huyện Văn Chấn và xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (ảnh).

Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái trao đổi với cử tri  huyện Trấn Yên.

YBĐT - Sáng ngày 1/12, tại xã Hưng Khánh, đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái do đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; đồng chí Nguyễn Công Bình – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái đã có buổi tiếp xúc với cử tri ba xã gồm: Hưng Khánh, Hưng Thịnh và Hồng Ca của huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục