Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến cử tri tỉnh Yên Bái tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/12/2014 | 4:14:22 PM
YBĐT - Để thống nhất và tránh trùng lắp việc thực hiện chính sách an sinh xã hội như ý kiến của cử tri nêu, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4996/BTC-NSNN ngày 17/4/2014 lấy ý kiến của các địa phương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng, thực hiện thống nhất chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.
>> Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến cử tri tỉnh Yên Bái tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
Bộ Tài chính trả lời
1. Đề nghị Chính phủ xem xét và điều chỉnh một số chính sách vì khi thực hiện có sự trùng lặp đối tượng thụ hưởng:
Quyết định số 2049/QĐ-TTg ngày 19/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và Quyết định số 289/2008/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách chưa có điện.
Tại Công văn số 11172/BTC-NSNN ngày 11/8/2014:
Ngày 18/03/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-TTg về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân, trong đó quy định: "Cấp bằng tiền tương đương 5 lít dầu hỏa/năm (dầu thắp sáng) cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới". Đồng thời, ngày 19/12/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2409/QĐ-TTg quy định các hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia được hỗ trợ tiền điện mức 30.000 đồng/hộ/tháng.
Như vậy, việc thực hiện hỗ trợ đồng thời 2 chính sách dẫn đến trùng lắp về đối tượng: các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách là hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới được hưởng cả 2 chế độ (hỗ trợ 05 lít dầu hỏa thắp sáng/hộ/năm, tương đương 113.150 đồng/hộ/năm; hỗ trợ tiền điện 30.000 đồng/hộ/tháng, tương đương 360.000 đồng/hộ/năm).
Để thống nhất và tránh trùng lắp việc thực hiện chính sách an sinh xã hội như ý kiến của cử tri nêu, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4996/BTC-NSNN ngày 17/4/2014 lấy ý kiến của các địa phương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng, thực hiện thống nhất chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.
2. Đề nghị tăng cường các giải pháp bình ổn, kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, giá gas, xăng, dầu, vật tư nông nghiệp...; phải thực hiện công khai, nghiêm túc, triệt để công tác quản lý, điều hành giá cả; xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, tự ý nâng giá vì lợi ích cá nhân; hỗ trợ các doanh nghiệp bình ổn giá trên thị trường đồng thời theo dõi diễn biến thị trường thế giới có ảnh hưởng đến thị trường, giá cả hàng hóa trong nước để điều hành cho phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Tại Công văn số 10513/BTC-QLG ngày 30/7/2014:
1. Cơ chế quản lý giá hiện hành của Nhà nước
Hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, giá cả của đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ lưu thông trên thị trường (trong đó có các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, gas, xăng dầu, vật tư nông nghiệp...) đều được hình thành theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả thị trường thông qua các biện pháp kinh tế vĩ mô như xây dựng và ban hành các chính sách phát triển sản xuất, điều hòa cung - cầu; chính sách tài khóa, tiền tệ...
Đồng thời, Nhà nước cũng thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng các biện pháp đăng ký giá, kê khai giá đối với một số mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá (trong đó có mặt hàng sữa, gas, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); quy định về niêm yết giá và không được bán cao hơn giá niêm yết đối với các hàng hóa dịch vụ hoặc thực hiện điều tiết cung - cầu thông qua chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương đối với một số mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm...). Đối với các hàng hóa và dịch vụ thuộc diện Nhà nước đang quản lý hoặc kiểm soát như xăng dầu, giá cả cũng được quản lý và điều hành theo nguyên tắc giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Thực hiện công khai thông tin về giá theo quy định tại Luật Giá.
2. Công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá 7 tháng của năm 2014
Trong 7 tháng của năm 2014, về cơ bản, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm bình ổn hoặc giảm; một số mặt hàng (trong đó có xăng dầu, thức ăn chăn nuôi) có biến động tăng, giảm chủ yếu do tác động của giá thế giới vì nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Cá biệt, một số hàng hóa dịch vụ có biến động tăng nhẹ chủ yếu do yếu tố mùa vụ như dịch vụ giao thông công cộng, văn hóa, thể thao, du lịch, ăn uống ngoài gia đình, đồ uống, hàng may mặc... hoặc do nhu cầu tăng tại một số thời điểm lễ, tết (như lương thực, thực phẩm...).
Để bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát nói chung, căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, trong 7 tháng của năm 2014, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt công tác quản lý, bình ổn giá cả. Trong đó, đáng chú ý là việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn thị trường giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 và Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 15/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được tăng cường triển khai tại các địa phương. Qua đó bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm, góp phần bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn và trên phạm vi cả nước. Chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 có nhiều điểm mới theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa chương trình; nhiều địa phương vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp tết với nguồn vốn và hàng hóa tự có của doanh nghiệp.
Ngoài việc sử dụng nguồn ngân sách địa phương ứng vốn không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp, một số địa phương (như thành phố Hồ Chí Minh) còn thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc tổ chức kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn với các tổ chức tín dụng để vay với lãi suất ưu đãi; tập trung bình ổn giá từ gốc của sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, cho vận chuyển; tổ chức kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương với nhau; tập trung phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp, khu chế xuất...
Công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết tiếp tục được tăng cường thực hiện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về quản lý giá, thuế, phí.
Trong đó, đáng chú ý là qua công tác thanh tra, kiểm tra giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi tại 5 doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn nhất cả nước, Chính phủ đã thống nhất chủ trương áp dụng biện pháp đăng ký giá (trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 01/6/2014) và quy định quản lý giá tối đa (trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 01/6/2014) đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 02/5/2014 của Chính phủ). Kết quả kiểm tra cũng như kết quả áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa đều đã được công khai trên Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Tài chính.
Đối với một số mặt hàng quan trọng thiết yếu, chịu ảnh hưởng lớn từ sự biến động giá cả trên thị trường thế giới như mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã theo dõi sát diễn biến giá cả trên thị trường thế giới để điều hành giá cả, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong 7 tháng của năm 2014, giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp với xu hướng tăng hoặc đứng ở mức cao là chủ yếu.
Để góp phần bình ổn giá bán trong nước, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt theo cơ chế thị trường đồng thời sử dụng các công cụ tài chính (sử dụng Quỹ Bình ổn giá hoặc chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở) nhằm giữ ổn định hoặc hạn chế mức tăng giá; khi có dư địa giảm giá đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối rà soát để giảm giá bán trong nước cho phù hợp. Theo đó, trong 7 tháng của năm 2014, giá xăng, dầu trong nước cơ bản được giữ ổn định hoặc giảm trong 11 lần điều hành vào các ngày 15/1, 27/1, 10/2, 06/3, 31/3, 11/4, 6/5, 15/5, 28/5, 12/6, 18/7; được điều chỉnh tăng 05 lần (ngày 21/2, 19/3, 22/4, 23/6, 7/7) nhưng hầu hết có mức tăng kiềm chế do kết hợp sử dụng Quỹ Bình ổn giá hoặc giảm một phần lợi nhuận định mức của doanh nghiệp.
Trong mỗi lần điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính đều thực hiện công khai thông tin điều hành (về diễn biến giá thế giới, giá cơ sở, phương án điều hành...) trên Cổng Thông tin Điện tử Bộ Tài chính. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong quý I và quý II/2014 trên Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Tài chính.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nghiêm túc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương nên giá cả thị trường 7 tháng của năm 2014 cơ bản bình ổn; không xảy ra thiếu hàng, sốt hàng. CPI bình quân 7 tháng của năm tăng 4,8% so cùng kỳ năm 2013; CPI tháng 7 so với tháng 12/2013 chỉ tăng 1,62% là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm giai đoạn từ năm 2002 đến nay. Đây là điều kiện thuận lợi để hoàn thành mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) năm 2014 ở mức 7% như nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các biện pháp tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ và các văn bản có liên quan, trong đó chú trọng đẩy mạnh các biện pháp:
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường - giá cả; làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường, kịp thời đề xuất biện pháp phù hợp can thiệp thị trường để bình ổn giá cả, kiểm soát lạm phát theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả. Giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước; hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá.
- Thực hiện công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
(Còn nữa)
Các tin khác
Ngày 5/12, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết H.Res 714 liên quan đến Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
YBĐT - Đúng 9 giờ 15 phút ngày 6 tháng 12 năm 2004, Báo Yên Bái điện tử (YBĐT) chính thức ra mắt bạn đọc tại địa chỉ: http://www.baoyenbai.com.vn. Đây được coi là bước ngoặt lớn trên chặng đường phát triển của Báo Yên Bái, thể hiện sự quyết tâm của Ban biên tập trong quá trình đổi mới công tác tuyên truyền ở một tờ báo Đảng bộ tỉnh.
YBĐT - Sáng ngày 4/12, Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái đã phối hợp tổ chức Hội thảo kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014); 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989- 22/12/2014).
YBĐT - Trong không khí tưng bừng, phấn khởi và thắm tình đoàn kết các dân tộc, sáng 3/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ II - 2014 đã chính thức diễn ra. Tại Đại hội, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có bài phát biểu quan trọng. YBĐT xin trân trọng giới thiệu nội dung toàn văn bài phát biểu: