Trang sử vẻ vang của lực lượng vũ trang Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/12/2014 | 9:57:00 AM

YBĐT - Yên Bái có vị trí chiến lược quân sự quan trọng, nối giữa Việt Bắc và Tây Bắc. Vì vậy, khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp và phát xít Nhật đều xây dựng hệ thống quân sự quan trọng ở đây. Năm 1943, Xứ ủy Bắc kỳ đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt khảo sát, nghiên cứu vùng Hiền Lương - Vần Dọc, khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái, xây dựng cơ sở cách mạng và đón tù chính trị từ nhà tù Sơn La. Năm 1944, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập Chiến khu Vần - Hiền Lương.

Đầu tháng 5/1945, đồng chí Ngô Minh Loan được Xứ ủy Bắc kỳ cử lên lãnh đạo chiến khu Vần - Hiền Lương. Đồng chí đã tập hợp lực lượng; tuyên truyền, giác ngộ cả tầng lớp kỳ hào ở địa phương tham gia và cung cấp vũ khí, lương thực cho cách mạng. Ngày 14/5/1945, Đội du kích Âu Cơ thành lập, gồm 33 chiến sỹ, trong đó, có 22 người thuộc tầng lớp kỳ hào.

Qua quá trình chiến đấu và vận động quần chúng yêu nước tham gia, Đội lớn mạnh, đã lên hơn 200 người. Đồng chí Ngô Minh Loan báo cáo Xứ ủy Bắc kỳ và xin chỉ huy quân sự. Đồng chí Văn Tiến Dũng - Trưởng ban Quân sự Bắc kỳ đã cử đồng chí Bình Phương làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Ngô Minh Loan làm Chính trị viên. Ngày 2/7/1945, tại đình làng Vần, Đội du kích Âu Cơ làm lễ tế cờ và đổi tên thành Đội Việt Nam giải phóng quân. Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm Nghĩa Lộ, Tri huyện Đặng Thành Lộc và Quản nhượng phụ trách Bảo an binh kéo cờ trắng xin đầu hàng.

Không dừng lại, quân giải phóng tiếp tục chia làm ba mũi tên đánh các huyện lân cận. Ngày 23/7, giải phóng huyện Phù Yên (Sơn La), ngày 5/8, giải phóng huyện Văn Bàn và ngày 7/8, giải phóng huyện Than Uyên (trích hồi ký "Đốm lửa phía trước" của đồng chí Ngô Minh Loan - NXB Thanh niên năm 1990). Ở phía Bắc tỉnh, đầu năm 1945, một số cán bộ từ Hàm Yên (Tuyên Quang) đã xây dựng căn cứ địa ở Mường Lai, huyện Lục Yên và thành lập Đội du kích Cổ Văn. Trong vòng hơn hai tháng kể từ khi thành lập, Đội đã đánh chiếm hầu hết các huyện trong tỉnh và giải phóng phía Nam tỉnh Sơn La. Quá trình giải phóng các huyện, nhiều thanh niên tiếp tục gia nhập quân giải phóng, bảo vệ chính quyền non trẻ ở các địa phương.

Nhận thấy thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến, ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa quyết định tiến đánh thị xã Yên Bái. Đêm 16 rạng ngày 17/8, quân giải phóng vượt sông Hồng tiến đánh thị xã. Trước khí thế đó, quân Nhật phải cử người gặp Việt Minh xin đàm phán đầu hàng. Đồng chí Ngô Minh Loan và đồng chí Trần Đức Sắc đã đàm phán với quân Nhật. Với thái độ cứng rắn, cương quyết trên thế thắng, quân Nhật buộc phải đầu hàng vô điều kiện, bàn giao chính quyền, vũ khí nộp cho quân giải phóng. Ngày 19/8, quân giải phóng tiếp quản Trại Bảo an binh; ngày 20/8, tiếp quản tài sản, ngân khố; ngày 21/8, tiếp quản thị xã. Ngày 22/8, nhân dân thị xã và các vùng lân cận tổ chức mít tinh chào mừng khởi nghĩa tháng Tám thành công.

Cách mạng thành công được một tuần, Nguyễn Vịnh, tư lệnh Quốc dân Đảng ở Yên Bái, núp bóng quân Tưởng đảo chính cướp chính quyền ở thị xã và tiến đánh các huyện. Để thống nhất lực lượng vũ trang, tháng 12/1945, Tỉnh ủy Yên Bái quyết định thành lập Trung đoàn Phú Yên, lực lượng chủ yếu là quân giải phóng của Yên Bái và một đại đội của Phú Thọ, do đồng chí Trần Thế Môn làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Bình Phương là Chính ủy (sau Trung ương điều đồng chí Bình Phương đi nhận công tác mới, đồng chí Quốc Phi thay). Đây là lực lượng vũ trang chính quy đầu tiên của Yên Bái nói riêng và khu Tây Bắc nói chung. Trung đoàn Phú Yên đã tiến đánh Quốc dân Đảng ở các vùng trong tỉnh và bao vây chặt thị xã, cắt đường tiếp tế của quân Tưởng. Ngày 15/6, Nguyễn Vịnh phải viết thư xin đàm phán đầu hàng quân giải phóng. Thị xã Yên Bái được giải phóng lần thứ hai.

Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ Phú Yên và từ tháng 9/1945 là Tỉnh uỷ Yên Bái, lực lượng vũ trang Yên Bái đã phát triển nhanh chóng, vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kết hợp rất hiệu quả đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận, xứng đáng là đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Trần Thi

Các tin khác
Đồng chí Dương Văn Thống – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Hội Cựu chiến binh tỉnh.

YBĐT - Chiều ngày 18/12, đồng chí Dương Văn Thống – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã đến thăm, tặng quà cán bộ, công nhân Nhà máy Z 183 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên và Hội Cựu chiến binh tỉnh.

Các cán bộ, chiến sỹ Tiểu Đoàn Yên Ninh 1 năm xưa gặp mặt, cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc.

YBĐT - Tự hào là những người lính của Tiểu đoàn Yên Ninh, các cựu chiến binh hôm nay tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Nhiều người giờ là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, là điển hình làm kinh tế giỏi...

Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì buổi giao ban.

YBĐT - Thực hiện Chương trình công tác và Quy chế làm việc, ngày 18/12, Thường trực Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức Hội nghị giao ban Khối các Ban và cơ quan xây dựng Đảng tỉnh, nhằm đánh giá tình hình, kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2014; bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015.

Tiếp bước  hành quân.

YBĐT - Quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội cách mạng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát huy tinh hoa truyền thống dân tộc trong lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam - một quân đội kiểu mới, quân đội của dân, do dân và vì dân, lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục