Sáng mãi niềm tin theo Đảng

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/2/2015 | 9:10:41 AM

YBĐT - Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX, nhân dân Việt Nam đã liên tiếp nổi dậy chống ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân.

Tiếp nối các phong trào Văn Thân và Cần Vương, ba mươi năm đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước từ khởi nghĩa Yên Thế, các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân... đến khởi nghĩa Yên Bái diễn ra với tinh thần vô cùng anh dũng nhưng đều không thành công vì thiếu một đường lối đúng đắn, chưa tập hợp và phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, chưa có được một tổ chức lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh. Trong bối cảnh lịch sử đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân.

Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở học thuyết cách mạng đó con đường cứu nước đúng đắn. Người đã truyền bá lý luận Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, từng bước chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức để thành lập một Đảng cách mạng chân chính. Sau nhiều dấu mốc quan trọng, ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước hơn hai phần ba thế kỷ kể từ khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược.

Trải qua 85 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, làm nên những kỳ tích lừng lẫy năm châu. Với các thắng lợi vĩ đại của một đất nước nhỏ bé được cả thế giới biết đến như chiến thắng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954 và chiến thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tiếp đến là các thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thắng lợi vĩ đại ấy đã đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ bản thân; đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã vươn lên, vượt qua ngưỡng nước nghèo, vững bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trở lại với dòng chảy của lịch sử Yên Bái, từ thời Hùng Vương dựng nước, Yên Bái thuộc bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Trải qua các thời kỳ Bắc thuộc, Yên Bái thuộc phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa. Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, ngày 11 tháng 4 năm 1900, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chính thức thành lập tỉnh Yên Bái. Sau khi thành lập tỉnh, thực dân Pháp đã sử dụng bộ máy chính quyền phong kiến để thống trị nhân dân các dân tộc trong tỉnh, triệt để áp dụng chính sách "ngu dân", "chia để trị", kích động chia rẽ đồng bào các dân tộc, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, lạc hậu và người dân Yên Bái bị thực dân nô dịch, sống kiếp đời nô lệ, lầm than. Quyết không chịu kiếp sống nô lệ, nhân dân các dân tộc Yên Bái cùng nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược như các cuộc khởi nghĩa của đồng bào Kinh, Tày, Dao... ở Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên.

Điển hình là cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng do chí sĩ yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Tuy không thành công nhưng cuộc khởi nghĩa đã dấy lên phong trào yêu nước nồng nàn, gây một tiếng vang lớn trên thế giới, đặc biệt vào mùa xuân 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đã mở ra một trang sử mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đầu những năm 40 của thế kỷ XX, một số cơ sở cách mạng được xây dựng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái; nhiều tổ chức cứu quốc được thành lập. Ngày 7 tháng 5 năm 1945, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên đã ra đời ở thị xã Yên Bái. Ngày 30 tháng 6 năm 1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Sự kiện thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh đã mở ra bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương.

Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống anh dũng, sáng tạo, tập hợp đoàn kết nhân dân các dân tộc, lãnh đạo nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành khởi nghĩa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cũng như nhiều địa phương khác, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Yên Bái đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách của nạn "giặc đói", "giặc dốt" và giặc ngoại xâm.

Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ, củng cố lực lượng vũ trang, tránh được sự xô xát với quân Tưởng, cô lập bọn phản động Việt Quốc, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Yên Bái đã có bước chuyển mình khá mạnh mẽ. Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh năm 1991, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, phấn đấu vươn lên. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên mọi mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng từ các huyện, thị vùng thấp đến các huyện vùng cao.

Trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, từ lối sản xuất theo tập quán tự nhiên, độc canh cây lúa, phá rừng làm nương rẫy và làm ruộng một vụ, làm không đủ ăn, người dân đói nghèo thì đến nay, Yên Bái đã có một nền nông nghiệp khá phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Kết thúc năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11,07% (xếp thứ 4 trong khu vực), thu nhập bình quân đầu người đạt 23,1 triệu đồng/năm; tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 69.391ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 285.920 tấn, vượt 4,2% kế hoạch; có 3 xã có khả năng đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, 37 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, vượt 27 xã so với kế hoạch; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 1.402 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Yên Bái tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng, trong đó đã hoàn thành đi vào hoạt động 8 nhà máy thủy điện với tổng công suất 123MW.

Cùng với sự phát triển kinh tế, trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, tỉnh Yên Bái đã có sự đột phá khá rõ nét. Trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, từ một trường tiểu học ban đầu, đến nay, toàn tỉnh có 567 trường mầm non, phổ thông với quy mô 6.683 nhóm, lớp, 186.505 cháu mầm non, học sinh và một đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hùng hậu; duy trì và nâng cao chất lượng 180/180 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 175/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, 187 trường đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng đạt trên 35%. Hệ thống y tế phát triển mạnh tới tận thôn, bản với tỷ lệ 7,4 bác sĩ/một vạn dân; chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được bảo đảm, không có các dịch lớn phát sinh. Văn hóa, thông tin phát triển mạnh cả về loại hình và chất lượng. Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm.

Trên mặt trận an ninh, quốc phòng, từ ngày đầu thành lập, Đội du kích Âu Cơ với trên 20 chiến sĩ, vũ khí được trang bị thô sơ thì đến nay, tỉnh đã xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, nòng cốt là các lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, công an viên khá đông đảo, có sức chiến đấu cao, là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Trong công tác xây dựng Đảng, từ một chi bộ ban đầu, đến nay, hệ thống chính trị của Yên Bái được xây dựng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và đạt nhiều kết quả. Đảng bộ tỉnh hiện có 13 Đảng bộ trực thuộc, 583 tổ chức cơ sở Đảng, 3.319 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và trên 48.700 đảng viên, tất cả các thôn bản đều có chi bộ. Chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở, sinh hoạt chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh đi vào nề nếp. Chế độ sinh hoạt cấp ủy cơ sở, sinh hoạt chi bộ định kỳ và theo chuyên đề được duy trì đạt nhiều kết quả như: 100% tổ chức cơ sở Đảng xây dựng được quy chế làm việc; số cấp ủy cơ sở sinh hoạt đủ 12 kỳ/năm đạt 92,77%; số chi bộ sinh hoạt đủ 12 kỳ/năm đạt 84,20%; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt bình quân 94,89%, cao nhất từ trước đến nay; hàng năm, có trên 80% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh.

85 mùa xuân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã giác ngộ, giáo dục, tập hợp, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, sức mạnh của cả Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tầng lớp nhân dân góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, vững bước đi lên cùng cả nước trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

 Văn Tuấn

   -------------------
*Bài viết có tham khảo các tài liệu: "Tỉnh Yên Bái một thế kỷ" (1900 - 2000); "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái" tập I, tập II (giai đoạn 1930 - 2000).

Các tin khác
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh (thứ 3, phải sang) cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thăm mô  hình sản xuất, chế biến gỗ ở xã Báo Đáp (Trấn Yên). (Ảnh: Mạnh Cường)

YBĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cách mạng phải có Đảng lãnh đạo và Đảng phải lấy dân làm gốc. Bởi lẽ, Đảng không có dân thì lấy đâu ra lực lượng? Dân không có Đảng thì lấy ai dẫn đường?"...

Ông Vũ Mão cho rằng, Đảng cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

"Thành công của Đại hội VI là do Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận thấy có sai lầm, thiếu sót nên đưa tinh thần "đổi mới hay là chết". Tôi cho rằng cần khôi phục không khí của cuộc đổi mới này", nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão chia sẻ với phóng viên báo chí.

Nhân dân xã Văn Lãng khai thác gỗ rừng trồng.

YBĐT - Bước sang năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2010 - 2015, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy xã Văn Lãng (Yên Bình) phấn khởi cho biết, các chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ này đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đã đạt và vượt từ năm 2014. Đó là những kết quả rất đáng phấn khởi, là tin vui trước thềm xuân mới và hướng về ngày kỷ niệm trọng đại đầu tiên trong năm 2015 của đất nước - 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại buổi lễ.

Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, thắng lợi của công cuộc Đổi mới, vững bước đi lên CNXH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục