“Đi cho đến ngày toàn thắng”

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/4/2015 | 10:26:42 AM

YênBái - YBĐT - “Đó không chỉ là quyết tâm, mong muốn mà còn là lời hứa với Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam của các chiến sỹ Sư đoàn 316 chúng tôi ngày ấy. Nhưng rồi nhiều chiến sỹ đã không giữ được lời hứa bởi họ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh thân mình cho ngày toàn thắng…”.

 Đại tá Nông Phương Nam - nguyên Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã nói với tôi như thế, khi tôi gặp ông trong ngôi nhà nhỏ ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có lẽ, trong cả cuộc đời binh nghiệp, chiến trường miền Nam là nơi đọng lại trong ông nhiều cảm xúc nhất. Khí thế sục sôi, hăng hái tiến về phía trước với một tinh thần phấn chấn, tự tin như được tái hiện lại trên gương mặt và trong từng lời kể của ông.

Cuối tháng 12/1973, Sư đoàn 316 đóng quân tại Nghệ An. Tại đây, Sư đoàn nhận lệnh tiến hành huấn luyện theo kế hoạch, lấy đối tượng tác chiến là quân đội Ngụy Sài Gòn, nâng cao trình độ đánh tiêu diệt và hiệp đồng binh chủng lớn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Cuối năm 1974, ông được giao đảm nhiệm vị trí Chính trị viên phó Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, phụ trách chỉ huy Tiểu đoàn gấp rút chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu.

Ngày hành quân, các chiến sỹ của Sư đoàn 316 vẫn còn nghe văng vẳng bên tai lời dặn dò của Đại tướng Văn Tiến Dũng rằng: “Đất nước 30 năm cầm súng mà vầng trăng còn xẻ làm đôi. Chiến trường, thời cơ, nhiệm vụ lúc này chính là việc chúng ta lên đường để cùng toàn dân đưa vầng trăng trở lại ngày rằm trọn vẹn…”, lời khẩu hiệu hô vang: “Quyết thắng! Quyết thắng!” và lời hứa của các chiến sỹ với Đại tướng: “Đi xa, đi lâu, đi cho đến ngày toàn thắng” như càng thúc giục, tiếp thêm sức mạnh cho tất cả tiến chắc, tiến nhanh đến chiến trường.

Sau 19 ngày đêm hành quân, ngày 3/2/1975, Sư đoàn đến Đắk Đam. Ngay khi vừa đặt chân xuống đất Tây Nguyên, Sư đoàn nhanh chóng triển khai chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng tham gia Chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch mở màn cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975. Lúc này, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã dự thảo xong kế hoạch đánh Buôn Ma Thuột. Theo kế hoạch ban đầu, Trung đoàn 148 và 174 của Sư đoàn được giao nhiệm vụ chặn viện dọc đường 14, trên hướng Sư đoàn 10 đánh Đức Lập; Trung đoàn 149 là đơn vị dự bị sẵn sàng tiếp ứng đánh vào Gia Nghĩa hoặc Buôn Ma Thuột.

Trong lúc công tác chuẩn bị chiến đấu đang được tiến hành khẩn trương theo kế hoạch, đoàn cán bộ trinh sát Gia Nghĩa do Sư trưởng Đàm Ngụy dẫn đầu đi khoảng 2 tiếng thì kế hoạch bất ngờ thay đổi. Tại cuộc họp của Bộ Tư lệnh Mặt trận, Đại tướng Văn Tiến Dũng - người chủ trì cuộc họp đã chỉ đạo: “Nhằm tranh thủ yếu tố bất ngờ mà vẫn chắc thắng, làm quỵ nhanh quân địch ngay khi Sư 10 và Sư 320 đánh Đức Lập. Sư đoàn 316 được trang bị mạnh về binh khí, kỹ thuật sẽ cùng Trung đoàn Đặc công 198, Trung đoàn 95B Bộ binh, một tiểu đoàn của Sư 10 tiến hành ngay nhiệm vụ tấn công thẳng vào Buôn Ma Thuột…”. Theo kế hoạch mới, Sư đoàn 316 trở thành lực lượng đột kích chủ yếu vào thị xã Buôn Ma Thuột, trọng điểm là khu phòng thủ của Sở Chỉ huy 23 ngụy. Bộ Tư lệnh Mặt trận xác định, để đánh thắng trong thời gian nhanh nhất phải bố trí lực lượng tiến công trên cả bốn hướng.

Ông Nam bồi hồi kể: “Ngày 7/3/1975, Trung đoàn 148 nhận lệnh xuất phát. Trên đường hành quân, chúng tôi đã chạm trán với địch, pháo từ thị xã bắn ra chặn đường buộc đơn vị phải đi đường vòng. Đường xa, đi đêm, anh em không nắm rõ đường hướng nên vừa đi vừa mò mẫm dò đường nhưng rồi chúng tôi vẫn vào trận địa đúng thời gian quy định. Đúng 1 giờ 30 phút sáng ngày 10/3/1975, Trung đoàn đặc công của ta nổ súng phát lệnh tổng tấn công. Tất cả các mũi đồng loạt nổ súng tiến công theo kế hoạch đã định. Riêng mũi Tây Bắc của chúng tôi do pháo và xe tăng chi viện cho Trung đoàn bị lạc đường nên mãi 9 giờ mới bắt đầu tiến công. Ngay sau khi Tiểu đoàn 4 mở cửa ở mũi tiến công chính, Tiểu đoàn 6 nhanh chóng chiếm được khu thiết giáp rồi chiếm khu hậu cứ của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 45 địch. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, các chiến sỹ trong Tiểu đoàn đã chiến đấu rất anh dũng và nhiều người trong số đó đã hy sinh. Tôi còn nhớ, đồng chí Vi Anh Đôi ở C17 dù đã bị thương đến 3 lần vẫn tiếp tục ôm bộc phá lên mở đường cùng bộ binh đánh chiếm lô cốt, dùng đại liên của địch bắn chi viện cho quân ta xung phong. Y tá Đỗ Viết Bá vừa làm nhiệm vụ cấp cứu, băng bó cho thương binh vừa cầm súng chiến đấu, chi viện cho đồng đội và anh đã anh dũng hy sinh trong tư thế chiến đấu, một bên vai là khẩu B40, vai kia vẫn còn đeo túi thuốc…”.

Chỉ trong vòng 2 ngày đêm, Sư đoàn 316 cùng các đơn vị bạn đã chiếm lĩnh thị xã Buôn Ma Thuột. Sau 3 ngày ráo riết truy quét tàn quân của địch, chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột đã thắng lợi hoàn toàn.

Ngay sau khi hoàn thành Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 27/3/1975, Sư đoàn tiếp tục tiến vào Trảng Bàng, Tây Ninh. Từ đó đến trước ngày 30/4/1975, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ đánh và vây giữ nhiều cứ điểm quan trọng của địch như: Ấp Bầu Nâu, Bông Trang, Trà Võ... Với sự kiên định, sáng tạo và những kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm trên nhiều chiến trường mà ông đã chỉ huy đơn vị đánh thắng nhiều trận, những trận đánh tuy không lớn nhưng lại có ý nghĩa quyết định góp phần làm nên chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Và rồi giờ phút lịch sử cũng đã đến, đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ông và đồng đội của ông trong Sư đoàn 316 đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, “đưa vầng trăng trở lại ngày rằm trọn vẹn” như nhiệm vụ mà Đại tướng Văn Tiến Dũng đã giao phó và “đi đến ngày toàn thắng” như đã hứa với Đại tướng.

Nguyễn Thị Tâm

Các tin khác

YBĐT - Đại hội đảng cấp cơ sở ở các địa phương, đơn vị đã diễn ra sau nhiều ngày chuẩn bị chu đáo. Sau việc tổ chức thành công đại hội, các chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở sẽ là bước thứ hai trong tiến trình đại hội đảng các cấp.

Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn.

Vào thời khắc cuối cùng của chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn 40 năm về trước, trong đoàn quân đi đầu của lực lượng "đột kích thọc sâu" thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh "nhanh chóng chiếm những vị trí trọng yếu thuộc nội đô Sài Gòn," có một người lính giải phóng quân quê Hà Nam - người lái cỗ "chiến xa" huyền thoại T54-843 có mặt sớm nhất tại dinh lũy cuối cùng của địch trưa ngày 30/4/1975.

Những hình ảnh lịch sử giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước cách đây 40 năm được giới thiệu chọn lọc trên trang history.com.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son, trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan thanh tra của Bộ, của các sở, ngành và các cơ quan chức năng khác tiếp tục thanh tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa và nâng cao vai trò trách nhiệm của toàn xã hội nói chung, trực tiếp là các nhà mạng để ngăn chặn nạn tin nhắn rác bất hợp pháp một cách kịp thời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục