Nối tiếp nhau ra trận
- Cập nhật: Thứ năm, 30/4/2015 | 8:58:28 AM
YênBái - YBĐT - Sau khi Tiểu đoàn Yên Ninh I thành lập, chỉ hơn nửa năm sau (từ tháng 2 đến tháng 6 của năm 1968), tỉnh Yên Bái liên tiếp huy động, huấn luyện thêm 3 tiểu đoàn nữa với trên 2.000 người nối nhau ra trận. Thật khó lý giải vì sao vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến, hàng ngàn người con Yên Bái lên đường dễ dàng đến thế? Nhưng chắc chắn có một động lực cao cả, đó là vì tình yêu Tổ quốc đến cháy bỏng con tim những chàng trai thuở ấy!
Chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh trên đường ra trận.
|
Tiền phương vẫy gọi các anh
Tất thảy những cựu binh của các tiểu đoàn Yên Ninh năm ấy, đều tự hào về sự ra đi chiến đấu của mình. Không một chút chần chừ do dự, tự nguyện, hăng hái, những tâm hồn trẻ chỉ nghĩ về một đóng góp vô tư cho tiếng gọi của Tổ quốc. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và các anh lên đường. Tháng 2 năm 1968, chàng trai Hoàng Văn Lộc, người thị xã Yên Bái vừa đủ 18 tuổi đã chích máu ký tên vào đơn tình nguyện xin nhập ngũ. Anh còn khai "gian” thêm thành 19 tuổi cho “già quân” để chắc chắn mình được đi bộ đội. Sau 3 tháng huấn luyện ở Tân Hương (Yên Bình), anh cùng 700 chiến sỹ của Tiểu đoàn Yên Ninh II ròng rã hành quân qua nam Lào sang đất Cam Pu Chia rồi xuống Long An bổ sung cho Tiểu đoàn 6 - Bình Tân chiến đấu. Năm 1969 bị thương, Hoàng Văn Lộc trong diện được ra Bắc vào năm 1971 nhưng anh xin ở lại vì lý do: “Đồng đội ở thị xã cùng đi với tôi đã hy sinh cả rồi”.
Ở tuổi 65, ông Lộc không thể quên những cái tên ghép của những chàng trai thị xã cùng nhập ngũ năm ấy: Minh “huệ”, Tháo “chống”, Tuấn “dũng”, Thuận “thừa”, Cảnh “cọ”, Trung Tiến Lợi. Có 7 anh em nhập ngũ cùng thị xã thì 6 người hy sinh, chỉ còn ông trở về với những vết thương chằng chịt hành hạ ông theo năm tháng. Ông Lộc bảo: “Cảnh “cọ”, Trung Tiến Lợi là con một đấy, nhưng vẫn lên đường!”.
Cũng 18 tuổi, anh Nguyễn Văn Trường đã phát huy truyền thống kháng chiến của làng Vạn Chài trong chống Pháp, cùng đi một đợt với 12 người của xã Âu Lâu. Ông Trường kể: “Khí thế ra đi nó mạnh lắm! Không khí tòng quân nó khác lắm! Ai mà được đi thì cảm thấy phấn chấn vô cùng vì được đi để gánh vác trách nhiệm một cách vô tư, không tính toán. Ông Minh “khàn” mới là con người đáng học tập. Lúc ra trận ông ấy khoảng 36 - 37 tuổi. Tổng động viên đến tuổi 45 kia mà. Ông ấy chia tay vợ và 4 đứa con lên đường, đánh nhiều trận và có nhiều thành tích chiến đấu lắm!”.
Thượng tá Phạm Tiến - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Tiểu đoàn Yên Ninh kể: “Trong các đợt vào quân ngũ, trẻ thì 17, 18 tuổi, già đến 35, 40 tuổi. Người là dân thường, người làm chủ nhiệm hợp tác xã, xã đội, chủ tịch, phó chủ tịch UBND và cán bộ khác ở địa phương, cơ quan nhà nước”. Tất cả vì miền Nam ruột thịt, một thế hệ ở Yên Bái đã lên đường. Có lẽ không phải ai trong số họ cũng lường trước được những khó khăn gian khổ và cả sự hy sinh đang ở chiến trường phía trước, thậm chí ngay cả trên đường hành quân. Bởi đó là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn cam go, ác liệt nhất. Cùng với đẩy nhanh chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, đế quốc Mỹ còn tiếp tục tiến hành chiến tranh phá hoại quy mô lớn ra miền Bắc mà chúng huênh hoang đưa miền Bắc "trở về thời kỳ đồ đá” nhằm cắt đứt sự chi viện cho chiến trường miền Nam.
Những tiểu đoàn nối nhau ra tiền tuyến
Chính vào cái thời điểm cuộc chiến tranh ác liệt ấy, theo lời kêu gọi tổng động viên của Hồ Chủ tịch, trong 2 năm (1967 - 1968) Yên Bái tổ chức 4 tiểu đoàn vào các chiến trường với khoảng 2.800 người. Trong các tiểu đoàn, thông thường các đại đội 1, đại đội 3 và đại đội 4 là con em Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên và huyện Văn Bàn, Bảo Yên của tỉnh Yên Bái cũ. Đại đội 2 dành biên chế cho con em thị xã Yên Bái và các cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp.
Trong tư liệu truyền thống của Câu lạc bộ các Tiểu đoàn Yên Ninh ghi rõ: Tiểu đoàn Yên Ninh I thành lập tháng 7/1967 với trên 700 cán bộ chiến sỹ; tổ chức huấn luyện tại xã Tân Hương (Yên Bình). Ngày 10/12/1967 tại xã Hán Đà, làm lễ xuất quân vào Nam chiến đấu. Giai đoạn đầu bổ sung lực lượng cho các đơn vị ở chiến trường Tây Nguyên. Sau đó, hành quân vào miền Đông Nam bộ bổ sung cho Sư đoàn 5 - Quân khu 7, tham gia chiến dịch trên đất Campuchia 1970; Chiến dịch Lam Sơn 1, Lam Sơn 2 (1971); Chiến dịch Nguyễn Huệ (1972); chiến dịch giữ đất giành dân năm 1973 cho đến khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh. Tiểu đoàn Yên Ninh II thành lập tháng 2/1968 cũng với trên 700 quân và huấn luyện tại Tân Hương.
Ngày 10/5/1968 xuất quân tại xã Hán Đà để đi vào chiến trường. Gần 6 tháng hành quân vào Long An chiến đấu cho đến ngày giải phóng. Cán bộ chiến sỹ Yên Ninh II đã cùng với quân và dân Long An bám trụ kiên cường, tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Bình Tân, Thủ Thừa, chiến dịch giúp bạn Campuchia, đánh Sân bay Đức Hòa, đánh tàu địch trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn… Tiểu đoàn Yên Ninh III thành lập tháng 4/1968 gồm 650 chiến sỹ, huấn luyện ở xã Tân Hương, đến 17/12/1968 xuất quân vào chiến trường bổ sung cho mặt trận Thừa Thiên - Huế.
Những người lính của tiểu đoàn này đã cùng quân và dân Thừa Thiên - Huế tham gia nhiều chiến dịch và các trận đánh lớn như: Bình độ 400, Cô Ca Va 1078, đường 9 Nam Lào 1971-1972 và trực tiếp tham gia giải phóng Thừa Thiên - Huế ngày 26/3/1975. Tiểu đoàn Yên Ninh IV thành lập tháng 6/1968 với quân số 650 chiến sỹ, tổ chức huấn luyện tại xã Hán Đà, Đại Minh và tổ chức xuất quân ngày 29/1/1969 bổ sung quân cho chiến trường miền Đông Nam bộ. Tiểu đoàn trực tiếp tham gia các trận đánh lớn vào căn cứ Đồng Dù, núi Bà Đen, Sa Mát, Téc-Ních (Bình Long), Đồng Xoài (Phước Long), Xuân Lộc (Long Khánh)...
Sau khi Tiểu đoàn Yên Ninh I thành lập, chỉ hơn nửa năm sau (từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1968), tỉnh Yên Bái liên tiếp huy động, huấn luyện thêm ba tiểu đoàn nữa với trên 2.000 người nối nhau ra trận. Thật khó lý giải vì sao vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến, hàng ngàn người con Yên Bái lên đường dễ dàng đến thế? Nhưng chắc chắn có một động cơ cao cả, đó là vì tình yêu Tổ quốc đến cháy bỏng con tim những chàng trai thuở ấy nên những người lính ấy nhẹ nhàng ra đi với suy nghĩ trong sáng: Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất một dải non sông. Ra đi vì ý chí, lòng yêu nước của một dân tộc bất khuất, kiên cường trước quân thù.
Để cho đất nước nở hoa
Nhận lệnh. Những người lính với quân tư trang, súng đạn lên đường. Trên vai luôn mang 30 - 40 cân nhưng hầu hết là phải đi bộ. Đích đến gần nhất là chiến trường Thừa Thiên - Huế và nơi xa nhất là chiến trường bắc Sài Gòn - Gia Định. Trong câu chuyện, cựu chiến binh các tiểu đoàn Yên Ninh đều nói, không biết đôi chân phải vượt quãng đường bao nhiêu cây số? Nhưng có chặng hành quân phải theo Đường 20 sang Lào, qua 4 tỉnh Xa-va-na-khẹt, Át-tô-pơ, Xa-ra-van, Khăm-muộn, sau đó vào Tây Nguyên, Nam bộ. Tiểu đoàn Yên Ninh II còn đi tiếp sang Campuchia rồi mới vòng trở lại.
Cuộc hành quân gian khổ và ác liệt, đeo vác nặng, sốt rét, anh em rất đói lại hành quân dài ngày, thậm chí đi đêm vượt qua các trọng điểm đánh phá ác liệt. Hàng tháng trời, chiến sỹ phải “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để qua mắt "cây nhiệt đới" của Mỹ theo dõi, tránh được mìn lá, biệt kích, và cả máy bay oanh tạc. Với quyết tâm như vậy, các tiểu đoàn đã vào được chiến trường đảm bảo 80 - 90% quân số để nhanh chóng bổ sung vào các đơn vị. Có người vào hôm trước, hôm sau nổ súng chiến đấu ngay.
Sau tết Mậu Thân 1968, địch tiến hành các chiến dịch càn quét, tìm diệt nên đó cũng là thời điểm chiến đấu cam go, ác liệt. Nhiều đơn vị phải tham gia chống càn, bám trụ giữ đất, bảo vệ căn cứ nên số chiến sỹ hy sinh rất lớn. Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Tiểu đoàn Yên Ninh nguyên là chiến sỹ tiểu đoàn Yên Ninh II ngậm ngùi cho biết: “Có thể nói, Tiểu đoàn Yên Ninh II hy sinh nhiều nhất vì lúc vào có trên 700 cán bộ, chiến sỹ, khi kết thúc chiến tranh, theo số liệu điều tra giữa anh em thì hy sinh trên chiến trường Long An, bắc Sài Gòn - Gia Định khoảng trên 400 người. Trong số này còn tới hơn một nửa chưa tìm được phần mộ”. Ông Tiến giở sổ, điểm vài con số: Xã Minh Chuẩn (Lục Yên) trong 2 năm vào các tiểu đoàn 12 chiến sỹ, hy sinh 8. Cũng ở Lục Yên, xã Yên Thắng đi 11, hy sinh 5, trong đó có 3 thương binh. Ở Trấn Yên, xã Văn Phú nhập ngũ 7, hy sinh 3; xã Văn Tiến vào 12, hy sinh 9. Xã Việt Cường có Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chấm, cả 3 con trai là Lê Thưởng, Lê Hà, Lê Hồng lần lượt vào Yên Ninh I, II, IV đều anh dũng hy sinh.
Phải chăng, truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời và những gì đã trải qua từ lầm than, nô lệ, đánh đuổi ngoại xâm đã hun đúc nên tinh thần quả cảm của mỗi người dân Yên Bái? Người mất, người còn, người trở về với những thương tật, nhưng các chiến sỹ mang tên Tiểu đoàn Yên Ninh hoàn toàn được tự hào về những đóng góp cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Trong đó, nhiều cán bộ, chiến sỹ ở cả 4 Tiểu đoàn Yên Ninh đã vinh dự được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để hôm nay đất nước nở hoa trên đường tới tương lai tươi sáng.
Ông HOÀNG VĂN LỘC - cựu binh Tiểu đoàn Yên Ninh II:
Ông NGUYỄN VĂN TRƯỜNG (thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái) - cựu tù nhân Phú Quốc, thương binh hạng ¼:
|
Quang Tuấn
Các tin khác
Sáng 29-4, Lễ hội Thống nhất non sông với nghi lễ thượng cờ diễn ra trang trọng tại kỳ đài Hiền Lương (Quảng Trị).
Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, phấn đấu xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn
Đúng 7h sáng nay - 30-4, chương trình Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã diễn ra. Hànộimới trân trọng đăng toàn văn bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ kỷ niệm.
YBĐT - Những ngày này, về thị xã Nghĩa Lộ, chúng tôi được hoà chung vào không khí thi đua lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc trên địa bàn nhằm hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
YBĐT - Trong không khí hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đến Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà - nơi ghi dấu trang sử hào hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là mục tiêu trọng điểm mà máy bay Mỹ đánh phá, hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.