Thao lược của Đảng và Hồ Chủ tịch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
- Cập nhật: Thứ năm, 7/5/2015 | 10:18:45 AM
YênBái - YBĐT - Cuối tháng 9/1953, trước tình hình địch ráo riết triển khai kế hoạch Na-va, Hồ Chủ tịch đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954 nhằm xác định phương hướng chiến lược, chủ trương tác chiến là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở.
Bộ đội ta tấn công quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
|
Đồng thời, tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta. Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch; tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân, bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ giữ quyền chủ động đánh địch trên mặt trận chính diện và cả ở vùng tạm bị chiếm; phối hợp trên phạm vi cả nước và toàn Đông Dương.
Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm: "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" và các nguyên tắc về chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là tiêu diệt sinh lực địch; bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng.
Ngày 15/10/1953, quân Pháp mở cuộc hành quân Hải Âu đánh ra tây nam Ninh Bình.
Trong tình thế đó, Đảng ta vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang tổ chức chiến dịch tiến công đập tan cuộc hành quân Hải Âu. Tích cực triển khai kế hoạch tác chiến đã định, đưa bộ đội chủ lực tiến quân lên Tây Bắc và tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với bạn theo kế hoạch đã định. Ngày 20/11/1953, địch mở cuộc hành quân Ca-xtro, đánh chiến Điện Biên Phủ, từng bước biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ngày 3/12, Na - va quyết định chấp nhận giao chiến tại Điện Biên Phủ.
Trước những diễn biến mới, ngày 6/12/1953 Bộ Chính trị họp khẩn cấp, sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo, đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Từ chủ trương chọn nơi địch sơ hở mà đánh (tháng 9.1953) đến quyết định nhằm vào chỗ địch mạnh nhất là Điện Biên Phủ mà đánh là một chủ trương kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời và là quyết tâm lớn thể hiện tầm nhìn chiến lược sắc sảo của Đảng ta và Hồ Chủ tịch.
Hồ Chủ tịch chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được". Theo đó, trên cả nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta dốc sức tổ chức lực lượng, huy động sức người, sức của để giành thắng lợi cho trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên 5 hướng khắp chiến trường Đông Dương. Triển khai chủ trương đó, ngày 10/12/1953, bộ đội ta mở Chiến dịch tiến công giải phóng thị xã Lai Châu, trực tiếp uy hiếp địch ở Điện Biên Phủ từ phía bắc.
Cuối tháng 12/1953, ta phối hợp với Lào tiến công địch ở Trung Lào và bộ đội chủ lực ta và bạn tiến xuống Hạ Lào giải phóng thị xã Át-tô-pư và toàn bộ cao nguyên Bô-lô-ven. Thừa thắng, bộ đội ta cùng quân giải phóng Ítxarắc Lào giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở Đông và Đông Bắc Cam-pu-chia. Ngày 26/1/1954, ta mở chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên, giải phóng một vùng rộng lớn, buộc địch phải ngừng tiến công ở đồng bằng Liên khu 5 và vội vàng điều thêm lực lượng lên Tây Nguyên, biến An Khê và Plâycu thành hai tập đoàn cứ điểm.
Cuối tháng 1/1954, bộ đội chủ lực phối hợp với bạn Lào mở chiến dịch Thượng Lào, tiến công địch ở phòng tuyến sông Nậm Hu, truy kích địch đến sát kinh đô Luông Phabăng, buộc địch phải điều lực lượng xây dựng Luông Phabăng và Mường Sài thành hai tập đoàn cứ điểm. Với 5 đòn tiến công chiến lược, ta chẳng những tiêu hao, hủy diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn với hàng chục vạn dân mà quan trọng là đã làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na -va ở đồng bằng Bắc bộ, buộc địch phải phân tán lực lượng, bị động, đối phó. Thực tế, diễn biến trên khắp chiến trường Đông Dương từ cuối 1953 đến đầu 1954 đã chứng minh phương hướng chiến lược, chủ trương tác chiến từ cuối tháng 9/1953 là đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược sắc sảo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch.
Sau khi hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi diễn biến trên khắp chiến trường và có những quyết định kịp thời nhằm biến quyết tâm chiến lược đó thành hiện thực. Khi quân Pháp mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (tháng 11/1953), ta chủ trương thực hiện phương châm tác chiến "đánh nhanh, thắng nhanh".
Nhưng đến cuối tháng 1/1954, trong quá trình triển khai chiến dịch Điện Biên Phủ, khi nhận thấy tình hình địch đã thay đổi, lực lượng của chúng được tăng cường, hệ thống phòng ngự được củng cố thì phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" không bảo đảm chắc thắng, Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ quyết định chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc" và quyết định này được Bộ Chính trị nhất trí. Chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là một chủ trương kịp thời, chính xác, thể hiện sự quán triệt tư tưởng chủ đạo của Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch là "đánh chắc thắng".
Du khách tham quan Di tích hầm Đờ-cát-xtơ-ri trong Cụm di tích Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp.
Để bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ chắc thắng, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch hết sức quan tâm chỉ đạo quân đội, các ngành, các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngày 8/2/1954, Bộ Chính trị ra chỉ thị cho Tổng quân ủy, liên khu ủy và khu ủy động viên quân đội và nhân dân tiếp tục đánh giặc, phục vụ tiền tuyến. Tiếp đó, ngày 22/2/1954, trong Chỉ thị "Ra sức phá tan mưu mô đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ".
Bộ Chính trị nhấn mạnh: "Công tác trung tâm trước mắt của toàn thể quân và dân ta là tập trung lực lượng đánh thắng địch trong những trận sắp tới, tiêu diệt nhiều sinh lực địch hơn nữa, làm cho kế hoạch Na-va của Pháp Mỹ phải hoàn toàn thất bại. Kiên quyết động viên nhân lực theo Chỉ thị 61/Chủ tịch-TW ngày 8/2/1954 để đánh thắng giặc, vì thắng lợi của ta trong chiến dịch này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng về quân sự và chính trị".
Ngày 11/3/1954, trong khi toàn mặt trận Điện Biên Phủ đang khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị cho giờ nổ súng mở màn chiến dịch, Hồ Chủ tịch viết thư động viên và căn dặn cán bộ chiến sỹ: "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin rằng, các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới...".
Hai ngày sau khi bộ đội ta nổ súng tiến công Him Lam (13/3/1954) mở đầu cho chiến dịch, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch gửi điện động viên cán bộ chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Sau hai đợt tiến công ở Điện Biên Phủ, ta đã giành được nhiều thắng lợi rất lớn và rất quan trọng. Tuy nhiên, vào cuối đợt II, do thời gian tác chiến diễn ra đã hơn một tháng, sức lực và tinh thần ở một số đơn vị và cá nhân có dấu hiệu suy giảm.
Ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết chỉ đạo các chiến trường phối hợp chặt chẽ với Điện Biên Phủ. Đối với mặt trận Điện Biên Phủ, nghị quyết chỉ rõ, cần tiếp tục thấu triệt phương châm "đánh chắc, tiến chắc", đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho Điện Biên Phủ. Cũng trong ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc các chiến trường trong cả nước tiếp tục thấu triệt phương châm tác chiến "đánh nhỏ ăn chắc", tăng cường hoạt động phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ.
Trong thư gửi đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngày 21/4/1954, Ban Bí thư truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị, lưu ý âm mưu và hành động chống đỡ của địch ở khu trung tâm, dùng trọng pháo và máy bay đánh phá trận địa của ta, phá hoại đường tiếp tế của ta hòng cố giữ đến mùa mưa. Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhấn mạnh: "Nhiệm vụ trước mắt của ta là củng cố quyết tâm giành toàn thắng của quân đội, nhất là cán bộ các cấp, nắm vững phương châm "đánh chắc, tiến chắc" mặt khác đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến".
Chấp hành sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, tại mặt trận Điện Biên Phủ, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, ngày 7/5/1954, quân ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Nhìn lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta càng thấy rõ hơn sự lãnh đạo tài tình, đầy thao lược và sáng tạo của Đảng và Hồ Chủ tịch cùng quyết tâm của toàn quân, toàn dân giáng đòn quyết định vào ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, góp phần quan trọng đưa Hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công.
Minh Quang (Ghi tại Hội thảo Chiến thắng Điện Biên Phủ, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - bài học và giá trị lịch sử)
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch của Đảng ủy Quân sự tỉnh Yên Bái về tổ chức Đại hội (ĐH) Đảng các cấp trong Đảng bộ Quân sự tỉnh, Đảng bộ Quân sự huyện Trạm Tấu đã có bước chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho đại hội.
YBĐT - Điểm nổi bật nhất của tỉnh Yên Bái sau 3 năm thưc hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là nội dung kiểm điểm tự phê và phê bình đã bám sát 3 vấn đề cấp bách được nêu trong Nghị quyết.
Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến năm 2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".