Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn Liên Xô với chiến thắng phát xít
- Cập nhật: Thứ bảy, 9/5/2015 | 7:08:51 AM
Đó là nội dung trả lời phỏng vấn hãng Interfax (Nga) của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
|
P.V: Thưa Chủ tịch, Ngài đánh giá như thế nào về ý nghĩa lịch sử của Chiến tranh thế giới thứ hai và vai trò của quân đội Xô-viết trong việc đập tan phe phát-xít?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít thuộc về tất cả các lực lượng dân chủ tiến bộ trên toàn thế giới, nhưng nếu không có vai trò của Hồng quân, không có sự hy sinh lớn lao của nhân dân Xô-viết trong chiến tranh mà người dân Nga gọi là cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại thì loài người khó thoát khỏi thảm họa diệt vong.
Thắng lợi của phe đồng minh tại Thế chiến thứ hai, trong đó quân đội Xô-viết đóng vai trò quyết định, đã cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa chủ nghĩa phát-xít và góp phần quan trọng gìn giữ nền hòa bình thế giới.
Nhân dân toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn nỗ lực anh hùng và sự hy sinh anh dũng của hàng triệu chiến sỹ Hồng quân và người dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh đập tan chủ nghĩa phát-xít và không bao giờ quên những tổn thất của nhân dân Liên Xô trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó.
Thắng lợi của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh giữ nước đã mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, cổ vũ nhân dân các nước, trong đó có người dân Việt Nam chúng tôi, vùng lên chống ách áp bức của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Với tầm nhìn sáng suốt, sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết một lòng của dân tộc Việt Nam và sự khích lệ của chiến thắng của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhân dân Việt Nam đã Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên Cách mạng Tháng 8 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
PV: Trong thời gian gần đây, Mỹ tích cực phát triển mối quan hệ với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, xuất hiện một số ý kiến cho rằng quan hệ Việt – Nga sẽ suy giảm. Xin Ngài cho biết việc tăng cường quan hệ giữa Hà Nội và Washington sẽ tác động thế nào đến quan hệ Nga – Việt?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đường lối đối ngoại của Việt Nam: “độc lập, tự chủ, hòa bình và phát triển” với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước” đã đem lại những kết quả tích cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế, đóng góp có trách nhiệm trong hoạt động của nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương và đang chủ động tích cực hội nhập quốc tế.
Trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn chủ trương nguyên tắc cùng có lợi, cùng thắng và quyết không phát triển quan hệ với nước này để làm phương hại đến quan hệ với nước khác.
Nga và Mỹ là hai cường quốc và là hai đối tác đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Chúng tôi đang nỗ lực không ngừng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga cũng như quan hệ Đối tác toàn diện với Mỹ nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga không ngừng phát triển tích cực, năng động trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, an ninh – quốc phòng, kinh tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa, du lịch… và đạt được nhiều bước tiến đáng tự hào. Với thành quả hợp tác to lớn hiện nay, tôi tin tưởng rằng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp.
PV: Mặc dù Nga và Việt Nam có quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực chính trị, nhưng trao đổi kim ngạch thương mại giữa hai nước còn hạn chế, thấp hơn vài lần so với kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Nguyên nhân của vấn đề này là gì và bằng cách nào có thể tăng đáng kể trao đổi hàng hóa lên mức 10 tỷ USD trong 5 năm tới?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Trong những năm vừa qua, quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Về kinh tế - thương mại, Liên bang Nga luôn là đối tác thương mại truyền thống và quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Trong hơn một thập niên qua, kim ngạch thương mại hai nước tăng gần 7 lần từ 400 triệu USD lên 2,76 tỷ USD.
Cả hai nước đang phấn đấu đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy vậy, so với tiềm năng thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn và giữa hai nước vẫn còn nhiều dư địa và cơ hội để tăng cường hợp tác thương mại cho tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tin cậy giữa hai nước, không để thua kém so với các quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các nước khác.
Để thực hiện điều này, tôi đề nghị hai nước khẩn trương triển khai những việc sau: Thứ nhất, sớm ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu trong năm 2015 nhằm tạo cú huých quan trọng thúc đẩy thương mại giữa hai nước.
Thứ hai, tạo điều kiện tốt nhất để các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam và Liên bang Nga mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường của nhau.
Thứ ba, hỗ trợ thành lập các trung tâm thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Việt Nam và Liên bang Nga đến người tiêu dùng của hai nước. Thứ tư, tạo cơ hội để doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, hợp tác đầu tư, kinh doanh.
PV: Tranh chấp biển Đông ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Việt Nam và Trung Quốc? Việt Nam có dự kiến đề nghị Nga, vốn có quan hệ tốt với cả Hà Nội và Bắc Kinh, làm trung gian để giải quyết cuộc tranh chấp này?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Liên bang Nga là Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam và thời gian qua quan hệ Việt – Nga phát triển hết sức thành công. Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao, hợp tác kinh tế hiệu quả, hợp tác quốc phòng – an ninh không ngừng được củng cố.
Hai bên có nhiều quan điểm đồng trong các vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có cả việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực
Về vấn đề biển Đông, Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và tránh các hành động có thể gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong đó có việc áp đặt hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương làm thay đổi nguyên trạng; cần cấp thiết xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nhiều nước, trong đó có Nga hiểu lập trường này của Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn Nga tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các dự án hợp tác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.
PV: Xin cảm ơn Chủ tịch nước!
(Theo VOV)
Các tin khác
Mục đích cao nhất của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là mong muốn con người được giải phóng triệt để và trở thành chủ nhân đích thực của đất nước, của thế giới.
YBĐT - Ngày 8/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã đi tiếp xúc cử tri các xã Sơn Lương, Sùng Đô, Nậm Lành và Nậm Mười tại trụ sở xã Sơn Lương huyện Văn Chấn để thông báo với cử tri nội dung, chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.