Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2015 | 3:28:03 PM

YênBái - YBĐT - Để tuyển dụng, lựa chọn đội ngũ cán bộ đáp ứng đòi hỏi của cách mạng Việt Nam, bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng nước ta mà chỉ ra những nội dung cần có ở người cán bộ.

Cán bộ - theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc" và "muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Tức là, nếu có cán bộ tốt, cán bộ ngang tầm thì việc xây dựng đường lối sẽ đúng đắn và là điều kiện tiên quyết để đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi. Không có đội ngũ cán bộ tốt thì dù có đường lối chính sách đúng cũng khó có thể biến thành hiện thực được. Muốn biến đường lối thành hiện thực, cần phải có con người sử dụng lực lượng thực tiễn, đó là đội ngũ cán bộ cách mạng và cùng với quần chúng cách mạng, bằng sự mẫn cán của mình để đưa cách mạng đến thành công.

Vừa giành được độc lập năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc đi vào cuộc trường kỳ kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự nghiệp cách mạng ngày càng phát triển, quy mô ngày càng lớn trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ đông về số lượng và cao về chất lượng. Trước yêu cầu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị ra nội dung xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, lựa chọn cán bộ. Hơn lúc nào hết, người cán bộ phải "Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng"; "Tận trung với nước, tận hiếu với dân"; "Đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết"; "Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì nên tránh"; phải biết "Lo, trước thiên hạ, hưởng, thì sau thiên hạ"; phải "Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình…".

Đặc biệt, Người đòi hỏi cán bộ phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, quét  sạch chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân là nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa… tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập…

Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, là người cán bộ cách mạng thì phải thực hành "Cần kiệm liêm chính"-đó là bốn đức mà "thiếu bốn đức, thì không thành người"; phải rèn luyện những phẩm chất "nhân-nghĩa-trí - dũng" đồng thời phải chống  cho kỳ được các chứng bệnh dễ mắc trong quá trình công tác.

Người chỉ rõ biểu hiện của những chứng bệnh như bệnh kiêu ngạo, bệnh tự ái, bệnh tham ô, lãng phí, bệnh chủ quan… Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu cán bộ phải tẩy cho kỳ sạch các bệnh: Địa phương chủ nghĩa, tị nạnh, xu nịnh, a dua, trái phép, cậy thế,  hủ hóa, bệnh tư tưởng, bệnh chia rẽ, cũng như óc bè phái, quân phiệt, quan liêu, óc hẹp hòi ích kỷ.

Trong kiến quốc và xây dựng CNXH, cán bộ nhất định phải có học thức; phải có văn hoá làm gốc; phải có nghề, thạo nghề. Cán bộ lãnh đạo ngành nào phải biết ngành đó, xây dựng CNXH không thể lãnh đạo chung chung được. Tức là, "cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn; không thể lãnh đạo chung chung... ra sức đào tạo thật nhiều cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cần thiết cho sản xuất phát triển, chỉ có như thế chúng ta mới xây dựng thắng lợi CNXH".

Khi sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo việc ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực; ham dùng những người tính hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình... sẽ đưa đến thực tế là một số cơ quan, đơn vị khi cán bộ có sai phạm khuyết điểm, "làm bậy", cũng cứ bao dung, che chở, khiến cho cán bộ ngày càng hư hỏng. Đối với những người tốt, người chính trực, lẽ ra phải được cất nhắc, nhưng do không ưng ý với mình thì bới lông tìm vết để trả thù, hạ uy tín, tìm cách cô lập, dèm pha nói xấu...

Ngoài ra, trong công tác cán bộ, phải biết khéo léo kết hợp các lứa tuổi, không coi thường cán bộ trẻ, đồng thời biết phát huy và sử dụng kinh nghiệm của những cán bộ đi trước. Tức là, "Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ... Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm".

Kế thừa và rút ra từ di sản tư tưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ. Căn cứ tiêu chuẩn cán bộ quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tiêu chuẩn của cấp ủy viên các cấp, bên cạnh tiêu chuẩn tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân thì cũng cần phải nhấn mạnh đến năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng và nhân dân, có phong cách công tác khoa học, dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quan trọng là không tham ô, tham nhũng.

Những điều trên  là rất đúng và rất cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đảng và nhân dân rất cần những người cán bộ, những người lãnh đạo như vậy. Mỗi cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu và cơ quan tham mưu công tác cán bộ, cụ thể hóa tư tưởng, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc lựa chọn đúng cán bộ có đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy khóa mới, để không "có tội với Đảng, có tội với đồng bào".

Nguyễn Văn Thanh

Các tin khác
Ông Nguyễn Hạnh Phúc

Hướng tới kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí bên lề phiên họp của Quốc hội sáng nay, 12-6.

YBĐT - Ban biên tập Báo Yên Bái bằng nhiều hình thức, biện pháp đã tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu tại buổi họp báo.

Cho đến nay, chưa có thông tin được khẳng định về công dân Việt Nam cũng như người nước ngoài ở Việt Nam bị nhiễm bệnh này. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc đang theo dõi sát sao để có biện pháp cần thiết trong trường hợp khẩn cấp.

YBĐT - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 11/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục