70 năm một chặng đường vẻ vang

Bài 1:Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp ở Yên Bái trước khi có Đảng

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/6/2015 | 9:49:07 AM

YênBái - YBĐT - Yên Bái được thực dân Pháp coi là địa bàn quân sự quan trọng, do đó từ năm 1930 trở về trước, quân Pháp đã tập trung ở đây một lực lượng quân sự khá mạnh. Tại thị xã tỉnh lỵ, ngoài lính khố xanh còn có 4 cơ là 5, 6, 7 và 8 tổng cộng chừng 600 binh sỹ đóng ở 2 trại lớn gọi là đồn Dưới (cơ 5,6) và đồn Cao (cơ 7,8) do viên thiếu tá Lơ - ta - công chỉ huy.

Nguyễn Thái Học - lãnh tụ Việt Nam  Quốc dân đảng.
Nguyễn Thái Học - lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng.

Với một lực lượng quân như vậy, để kiểm soát được một địa bàn có ý nghĩa quân sự nằm giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc,  giữa miền núi với đồng bằng Bắc Bộ, thực dân Pháp đã gây nhiều nỗi thống khổ cho người dân Yên Bái. Vì thế, ngay từ năm 1901, phong trào chống Pháp của người Dao đã phát triển trong một khu vực rộng lớn từ Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Thủ lĩnh của phong trào là Triệu Tài Lộc, Triệu Kiến Tiên. Sau khi đánh đồn Nậm Lốp ở Bắc Quang (Hà Giang) thất bại, Triệu Kiến Tiên hy sinh ở Bắc Hà (Lào Cai), Triệu Tài Lộc tiếp tục chỉ huy cuộc khởi nghĩa… Năm 1905, ông đã cùng một số thủ lĩnh tham gia đánh Pháp ở Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Vào thời kỳ này, trên địa bàn Yên Bái có chừng 14.000 người Dao sống tập trung khá đông ở Văn Bàn, Lục Yên, Trấn Yên. Mặc dù chiếm tới 2/3 dân số nhưng hầu hết người Dao lại sống tập trung ở các dãy núi cao về phía Đông bắc Yên Bái giáp giới Lào Cai, Hà Giang, số ít cư trú ở ven sông Chảy và sông Hồng. Nhiều làng của người Dao bị triệt hạ. Đói rét, bệnh dịch lại liên tiếp xảy ra. Có vùng mùa màng bị mất liền trong 3 năm (1910-1912) lại thêm phu đài tạp dịch nặng nề, dân phải đi làm đường hàng tháng. Năm 1913, nạn đậu mùa hoành hành dữ dội, có nhà bị bệnh này cướp đi tất cả sinh mạng.

Tuy nhiên, chiến tranh, đói khổ đã tạo cho người Dao khí chất kiên cường, lòng căm thù giặc Pháp. Năm 1908, nghĩa quân Trung Quốc bị đánh bạt từ bên kia biên giới đã chạy sang Trúc Lâu (Lục Yên), Mỏ Vọ (Trấn Yên) lập căn cứ đóng quân, được người Dao hết lòng ủng hộ. Nhiều người đã ra nhập đội quân này để tiếp tục chiến đấu, đưa đường, tiếp lương thực, truyền tin.

Cuối năm 1913, Triệu Tài Lộc cùng với Triệu Tiến Tiên về Lục Yên gây cơ sở tiếp tục cuộc đấu tranh chống Pháp. Tại đây, họ liên hệ được với Triệu Tài Tiến là người có uy tín trong người Dao và quyết định chọn Trúc Lâu làm căn cứ chủ yếu và Nặm Lói làm điểm mở đầu. Triệu Tiến Tiên tự xưng là Quốc Vương, chịu trách nhiệm vận động người Dao ở Tuyên Quang, còn Triệu Tài Lộc phụ trách ở mạn Lục Yên. Khẩu hiệu để cổ động và tập hợp nhân dân các dân tộc được bộ chỉ huy nghĩa quân nêu ra là: “ Chống đi phu, chống nộp thuế cho Pháp; Làm cho người Dao được tự do sung sướng, không ai bị áp bức khổ sở”.

Nghĩa quân còn dùng hình thức phụ cờ, bói toán và cúng ma để tập hợp dân chúng. Những người trong bộ chỉ huy hầu hết đều xuất thân trong số đầu mục trong động vừa là thầy mo, thầy cúng, do đó mọi hành động của họ bị mê tín chi phối là đương nhiên. Cờ tụ nghĩa là cờ màu trắng thêu 4 chữ Hán màu đen “Tổ quốc bạch kỳ” và màu cờ tượng trưng cho sự tươi sáng, mới mẻ của phong trào.

Triệu Tiến Tiên, Triệu Tài Lộc gặp gỡ, thuyết phục rộng rãi các quân Mán, trưởng động, giáp làng, thầy mo. Công việc tuyên truyền, gây dựng phong trào đã bị chánh tổng Nghĩa Đô và Bảo Hà báo cho người Pháp. Đồn trưởng khố xanh Dương Quỳ là Véc - đi - ê ngay lập tức báo cáo về tình hình phiến động ở một số người Dao ở Xuân Giao, Võ Lao cho Công sứ Yên Bái là La - puy - at. Viên Công sứ  bèn điện cho chỉ huy đồn Lục Yên đến Lương Sơn, Nghĩa Đô, Phố Ràng dò xét tình hình.Trong khi đó, bộ chỉ huy nghĩa quân vẫn an toàn và bí mật họp ở Nà Lúc, thống nhất cử Triệu Tài Lộc (Chòi Lộc) làm tướng nhất, Triệu Tài Tiến (Chòi Chắn) làm tướng hai, Đặng Văn Quân (Vần Quyên) làm chánh tốc tài, Phúc Hoa (Phụ Và) làm chánh lãnh binh, Mông Văn Thật - người Nùng làm phó lãnh binh. Họ đã cử Tiến Binh sang xóm Đá Đứng, tổng Đông Cuông (Trấn Yên) để tuyên truyền Lý Văn Minh.

Sau khi cơ sở Lục Yên đã tương đối phát triển, Triệu Tiến Tiên đã giao lại cơ sở cho Tài Lộc rồi sang Bảo Hà gặp Triệu Xuân Tiến và Triệu Quý Kim. Có cả 2 thủ lĩnh người Tày là Lý Đường và Lý Mìu cùng tham gia. Triệu Tiến Tiên đã họp các thủ lĩnh tại gò Đán Đeng thuộc làng Choong để cử Quý Kim làm phó vương; Xuân Tiến làm tướng nhất; Triệu Trung Tài, Triệu Kim Tiên, Giáp Nhàn, Lý Tiến Quang, Lào Sì… tham gia vào bộ chỉ huy
Những người đứng đầu các khu vực đều được Triệu Tiến Tiên, nhân danh Quốc Vương cấp dấu làm việc và bằng sắc. Bằng sắc được làm sẵn ở Ngọc Vản, còn dấu Quốc Vương đúc ở Trung Quốc. Hầu hết các tướng tá đều xuất thân từ người Dao và tùy theo từng nơi họ đặt tước lấy danh nghĩa để tập hợp lực lượng (tướng nhất, tướng hai, lãnh binh, tốc tài, tri châu, chánh tổng). Dưới họ là một đội ngũ những người thu lương, liên lạc, chỉ huy các đơn vị nhỏ tuyển trong giáp trưởng, cai đội trong lính Pháp hồi hưu hoặc quân tướng của quân Cờ Đen.

Mặc dù phong trào bị bó hẹp trong người Dao nhưng vẫn thu hút được nhiều chức thuộc và các dân tộc khác ở Đông Cuông, Trái Hút, Bảo Hà, Động Quan (Tày, Hoa kiều). Chỉ trong một thời gian ngắn, trừ Văn Chấn cùng một số xã thuộc Văn Bàn, một số xã gần thị xã chưa có cơ sở, còn hầu khắp, nhất là bắc Lục Yên, Trấn Yên, nhân dân tham gia phong trào hết sức đông đảo. Họ sung vào các đội nghĩa quân mang theo cả súng hỏa mai, giáo mác, lương thực.

Nghĩa quân đã tổ chức thao luyện tại Đán Đeng, một gò đá lớn ngay làng Choong (Bảo Hà) xây đồn đắp lũy ở gò Nậm Lói (Lục Yên). Việc tổ chức cơ ngũ mỗi nơi một khác. Ở Trái Hút, mỗi đội có 10 - 15 người, có cai đội chỉ huy. Nhiều nơi nghĩa quân đi ồ ạt hàng trăm người, có một tướng chỉ huy. Tính đến cuối tháng 9 - 1914, ở Đông Cuông (Trái Hút) có 114 nghĩa quân, Yên Phú 50 nghĩa quân. Lục Yên, kể cả Yên Bình, lực lượng tới 650 người, còn Bảo Hà có ngót 600 quân. Ngoài ra, ở động Khe Hào (Phong Dụ), Khe Dứa (Trấn Yên) cũng có nhiều nghĩa quân người Dao.

Qua nhiều lần suy tính, bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định đến đầu tháng 9 năm Giáp Dần sẽ khởi sự, với các mũi tấn công vào đồn Trái Hút (Lý Văn Minh), Bảo Hà (Triệu Xuân Tiến), Lục Yên (Triệu Tài Lộc), Phố Ràng (Hoàng Văn An). Riêng Triệu Tiến Tiên ở lại Nậm Lói chỉ huy chung
Địch đã nắm bắt được kế hoạch khởi sự của nghĩa quân. Chúng tăng cường quân ở Phố Ràng, sục sạo vào các động Dao ở Lương Sơn, Nghĩa Đô, Trúc Lâu và đưa 1.000 lính khố đỏ từ Yên Bái lên phòng thủ Trái Hút. Riêng Bảo Hà chỉ tăng thêm được 15 lính khố xanh do Đội Thiện cầm đầu. Đồng thời, giữa Lục Yên, Phố Ràng, Bảo Hà và Trái Hút luôn luôn có quân lính đi tuần tiễu.

Theo đúng lịch trình đã ấn định, ngày 19 - 10- 1914, Lý Văn Minh chỉ huy 114 nghĩa quân xuất phát từ Đá Đứng tiến về đồn Trái Hút. Quân địch do nắm được kế hoạch đã tổ chức phục kích tại Sài Lung và Đồng Dẹt. Chỉ trong 2 giờ giao chiến, nghĩa quân đã bỏ chạy. Sau trận này, Lý Văn Minh, Bàn Thừa Ấn bỏ chạy vào rừng.

Sáng ngày 21 - 10 - 1914, Triệu Xuân Tiến chia nghĩa quân làm 2 mũi rầm rộ xuống núi, một cánh tiến về làng Bông. Đến trưa, nghĩa quân đến Bảo Hà, đánh chiếm nhà ga nhưng bị đánh bật ra. Ở làng Bông, trận phục kích của nghĩa quân cũng thất bại. Nghĩa quân tiếp tục bị thua ở làng Choong và Đán Đeng. Cùng thời điểm  này, 3.000 nghĩa quân ở Lục Yên do Triệu Tài Lộc chỉ huy, chia làm 3 cánh đánh đồn. Tuy nhiên, chỉ có cánh quân Triệu Tiến Tài dẫn đầu tới điểm phục kích ở cầu Đồng Bánh cách đồn 500m. Cánh quân Khám Nhân và Triệu Tài Lộc chưa đến được điểm hẹn. Dù vậy, Triệu Tiến Tiên vẫn dẫn hơn 100 nghĩa quân phát hỏa. Địch chỉ để lại 9 binh lính trong đồn cầm cự, còn lại rút ra Gò Chì đánh tập hậu nghĩa quân. Thủ lĩnh Triệu Hữu Kim bị chết, phó tướng Triệu Hữu Bảo bị bắt. Nghĩa quân tan rã chạy lên Nậm Lói hoặc bỏ về nhà.

Ngày 26 - 10 -1914 quân Pháp ở Lục Yên và Phố Ràng phối hợp tấn công Nậm Lói và dùng lực lượng đánh vào Phiếc Phất – nơi trú ẩn của Triệu Tài Lộc. Ở những nơi này, địch đã đánh bật được nghĩa quân ra khỏi căn cứ và giết chết Triệu Tài Lộc. Kế hoạch tiến đánh Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang và Tuyên Quang phải bỏ dở. Địch ráo riết khủng bố và tàn sát những người tham gia phong trào. Chúng đã tung 120 lính khố đỏ đốt trụi xóm Đá Đứng. Tàn sát dã man nhân dân các xóm: Khe Sậy, Thương, Vần, Soi Ót (Lục Yên), Ngòi Kế, Ngòi Mây (Yên Bình), Làng Choong, Khau Bùn, Khe Hao (Bảo Hà). Tòa án quân sự của chúng đã đem xử hàng trăm người, trong đó có cả phụ nữ. Chúng đã kết án 67 người tử hình (bắn 39 người ở Yên Bái, 28 người ở Phú Thọ). Sự khủng bố dã man và tàn bạo của kẻ thù không làm cho nhân dân địa phương nhụt chí. Năm 1920, đồng bào Dao ở Khe Lịch (Lục Yên) lại đứng dậy đánh Pháp.

Đến đầu năm 1930, trên địa bàn Yên Bái tiếp tục nổ ra cuộc khởi nghĩa do Việt Nam  Quốc dân đảng lãnh đạo. Đây là tổ chức yêu nước chính thức được thành lập ngày 27 - 12 - 1927 do Nguyễn Thái Học đứng đầu, hoạt động chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Bắc Kỳ. Tổ chức này chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp, xây dựng xã hội dân chủ tư sản, với phương pháp bạo động. Việt Nam Quốc dân đảng không đề ra được đường lối, phương pháp cách mạng đúng mà chỉ chú ý vận động binh lính, tầng lớp tiểu tư sản, không coi trọng vận động công nhân, nông dân; tổ chức có nhiều sơ hở, bị mật thám, chỉ điểm chui vào thao túng. Năm 1929, sau khi tổ chức ám sát tên mộ phu Ba - Danh (Bazin),tổ chức này bị khủng bố dữ dội, hầu hết các tổ chức đảng bị bắt, nguy cơ tan rã hoàn toàn.

Trước tình hình đó, Nguyễn Thái Học, cùng các lãnh tụ khác chủ trương bạo động theo khẩu hiệu “Không thành công cũng thành nhân” và chọn nơi khởi nghĩa là thị xã Yên Bái. Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào đêm mùng 9 rạng sáng ngày 10 -2 - 1930. Quân khởi nghĩa chủ yếu dựa binh lính khố đỏ, chiếm được đồn Thấp, diệt và làm bị thương hơn chục tên địch, trong đó có tên quan ba Giuốc - đanh (Juordin), quan hai Rô - be (Robert), viên quản Qui - nê - ô (Cunéo) và chiếm kho vũ khí, nhưng không chiếm được đồn Cao do tên quan tư Pháp chỉ huy, không chiếm được trại lính khố xanh và để tên tuần phủ Yên Bái chạy thoát.

Nhân dân thị xã Yên Bái bị bất ngờ không có hoạt động gì ủng hộ quân khởi nghĩa. Khi trời sáng, quân Pháp từ đồn Cao phối hợp với đơn vị lính khố xanh phản công, quân khởi nghĩa tan rã. Thực dân Pháp ra sức truy lùng bắt toàn bộ những người lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng và những người tham gia cuộc khởi nghĩa. Chúng lập tòa đại hình xét xử hàng trăm người, trong đó xử tử 2 đợt gồm 17 người, có cả Nguyễn Thái Học.

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân đảng không thành công. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa đã gây được tiếng vang lớn trong cả nước, làm xôn xao dư luận nước Pháp. Đối với địa phương, tinh thần yêu nước, gương hy sinh anh dũng của các nghĩa sĩ ở nơi chiến trận cũng như lúc ra pháp trường, làm cho nhân dân các dân tộc Yên Bái hết sức khâm phục, kính trọng. Đồng thời, cổ vũ, bồi đắp cho nhân dân Yên Bái ý chí đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Bài 2: Bước ngoặt lịch sử

Các tin khác
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm với Đoàn TTVN dự SEA Games 28 tại Phủ Chủ tịch.

Chiều 23/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp mặt chúc mừng thành tích của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 28.

YBĐT - Ngày 23/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và Dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Tổng thống Myanmar Thein Sein chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Dangcongsan.vn)

Chiều 22-6, tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã diễn ra Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 7 (HNCC CLMV 7) với sự tham dự của lãnh đạo 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

YBĐT - Ngày 22/6, Huyện ủy Mù Cang Chải đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về công tác tổ chức cán bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục