Tuyên ngôn Độc lập: Từ quyền con người đến quyền dân tộc

  • Cập nhật: Thứ bảy, 22/8/2015 | 7:47:28 AM

Từ quyền lợi con người nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển thành quyền lợi dân tộc cụ thể trong Tuyên ngôn Độc lập.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Lịch sử Việt Nam, ngay từ những trang đầu dựng nước đã trải qua biết bao cuộc đấu tranh giữ nước để đắp xây và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Quá trình đó đã để lại nhiều áng văn bất hủ nhằm khẳng định quyền tự chủ của người dân nước Việt. Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình đã thấm nhuần tư tưởng vĩ đại đó và đến lượt mình, trên cương vị người đứng đầu chính quyền cách mạng đã trịnh trọng công bố bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945.

Theo trình tự thời gian, có thể ghi nhận ba đoạn văn tiêu biểu:

Thế kỷ X:       

    Nam  quốc sơn hà Nam đế cư

    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

     Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

                                              (Nam quốc sơn hà)

Thế kỷ XIV:

                                “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

                                 Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

                                 Như nước Đại Việt ta từ trước

                                 Vốn xây nền văn hiến đã lâu

                                 Núi sông bờ cõi đã chia

                                 Phong tục Bắc Nam cũng khác

                                 Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

                             Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

                                 Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau


                                 Song hào kiệt thời nào cũng có

                               ...Xã tắc từ đây vững bền

                                 Giang sơn từ đây đổi mới

                                 Càn khôn bĩ rồi lại thái

                                 Nhật nguyệt hối rồi lại minh

                                 Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu

                                 Muôn thuở nền thái bình vững chắc

                                                                       (Bình Ngô đại cáo)

Thế kỷ XX:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

(Tuyên ngôn Độc lập)

Nhắc lời người xưa để khắc sâu tâm khảm: điều thiêng liêng nhất chính là gìn giữ non sông, bảo vệ chủ quyền, đắp xây nền văn hiến, đem lại độc lập tự do. Lịch sử mấy ngàn năm của con cháu Lạc Hồng ghi đậm những trang đấu tranh oanh liệt, những tấm gương hy sinh, những chiến thắng lẫy lừng. Tên tuổi các bậc anh hùng tiên liệt mãi mãi gắn với núi sông, chói ngời những trang sử sách, nêu tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo.

Sau nhiều năm tháng bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với nhiều phong trào đấu tranh, tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng tiến bộ của nhân dân thế giới. Vì thế, trong Tuyên ngôn Độc lập, Người đã đề cập đến những chân lý phổ biến của cách mạng thế giới, từ đó khẳng định quyền độc lập, tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn hai đoạn văn bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789. Mở đầu Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu nói này có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Tài tình của Bác nằm trong ba chữ “suy rộng ra”, từ quyền lợi con người nói chung, Bác đã phát triển thành quyền lợi dân tộc cụ thể.

Ta hãy xem lời kể lại của A. Patti, sĩ quan tình báo Mỹ khi được nghe dịch bản thảo Tuyên ngôn trong buổi gặp Người: “Tôi chặn người phiên dịch lại và kinh ngạc quay sang hỏi ông Hồ có thực ông có ý định sử dụng câu đó trong bản Tuyên ngôn của ông không? Tôi không hiểu sao điều đó lại đập mạnh vào tôi, tuy vậy tôi cứ hỏi. Ông Hồ ngồi dựa vào ghế, hai tay úp vào nhau, ngón tay sát vào môi một cách nhẹ nhàng và như đang suy tưởng. Với một nụ cười nhã nhặn, ông hỏi tôi một cách dịu dàng “Tôi không thể dùng được câu ấy à?”. Tôi cảm thấy ngượng ngập và lúng túng. “Tất nhiên - tôi trả lời- tại sao lại không?”.

Có thể thấy rằng các văn kiện trên đã gây ấn tượng sâu sắc chừng nào đối với Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và đó là căn nguyên mà Người mở đầu bản Tuyên ngôn của mình bằng những lời bất hủ của cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp.

Rõ ràng, nhận thức của Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của các dân tộc được đúc kết từ tấm lòng thiết tha với vận mệnh dân tộc Việt Nam đã từng rên xiết dưới ách thực dân, và từ sự thể nghiệm qua cuộc hành trình thế giới trước tình cảnh nhiều dân tộc Á, Phi, Mỹ La tinh vẫn đang bị nô dịch. Trong mỗi dân tộc có nhiều cá nhân song quyền của mỗi cá nhân lại không bao hàm đầy đủ quyền của dân tộc. Cho nên, sự “Suy rộng ra…” của Người thật là chí lý, mở rộng khái niệm và nâng cao tầm nhìn về quyền tự nhiên cùng đối tượng được hưởng quyền tự nhiên ấy.

Do vậy, câu viết súc tích trên nói lên khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và cũng là tiếng nói chung của các dân tộc trên thế giới.

Giá trị nhân văn, ý nghĩa quốc tế của cuộc đấu tranh giải phóng được bao hàm trong lời tuyên bố đó. Học giả Nhật Bản Shingo Shibata nhận xét: "Đặc điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ông đã thừa hưởng tư tưởng về quyền con người và mở rộng quyền đó vào quyền các dân tộc. Sự đóng góp nổi bật của Hồ Chí Minh là trên thực tế, ông đã phát triển quyền con người vào quyền các dân tộc. Từ đó dẫn đến tất cả các dân tộc đều được hưởng quyền quyết định vận mệnh của chính mình, như vậy thì tất cả các dân tộc đều có thể và thực hiện việc tự cai quản nền độc lập của mình".

Sau khi tố cáo chế độ cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, phát xít Nhật và nền quân chủ phong kiến; công bố việc giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chính phủ lâm thời trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”.

Chỉ trong một đoạn văn ngắn, đã 3 lần Hồ Chí Minh nhắc đến “Tự do và Độc lập” với 3 ý nghĩa nối tiếp nhau: Dân tộc Việt Nam có quyền hưởng Tự do và Độc lập, đã trở thành một quốc gia Tự do và Độc lập, quyết hy sinh để bảo vệ quyền Tự do và Độc lập. Tuyên bố đanh thép đó đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam với lời kêu gọi kháng chiến chống thực dân Pháp: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”,và lời hiệu triệu toàn dân kháng chiến chống đế quốc Mỹ: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Lời tuyên thệ “quyết giữ vững tự do và độc lập” đến chân lý ngời sáng “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã đưa nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất Tổ quốc. Đó là minh chứng hùng hồn cho sức sống vĩnh cửu của Tuyên ngôn Độc lập.

Với cuộc hành trình đầy gian nan đi từ “quyền tự nhiên” của con người đến “quyền của các dân tộc”, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 được nhân dân thế giới tôn vinh và ngưỡng mộ: “Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường của ông bất chấp những khó khăn chất chồng, đã có thể đưa Hồ Chí Minh, trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại, lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ XX”.

(Theo VOV)

Các tin khác
Hải quân Indonesia phá hủy một tàu đánh cá nước ngoài ở gần Bắc Sulawesi hôm qua.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi phía Indonesia về việc này và yêu cầu phía Indonesia khi xử lý các ngư dân Việt Nam vi phạm lãnh hải của Indonesia cần phải phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng là thành viên của ASEAN và trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt Đoàn cán bộ Ngoại giao tiêu biểu qua các thời kỳ.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2015), chiều 20/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt đoàn cán bộ ngoại giao tiêu biểu qua các thời kỳ.

Đồng chí Hoàng Văn Thuyên - Giám đốc Sở Nội vụ kiểm tra cải cách hành chính bộ phận

YBĐT - Ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ, đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà nước.

Ảnh: Thư viện Quốc gia

Khoảng 1.500 tư liệu tiêu biểu về Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh (2/9) và hành trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc suốt 70 năm qua (1945-2015) sẽ được giới thiệu với công chúng tại Triển lãm “Đất nước - 70 năm một chặng đường”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục