Nhớ ngày bầu cử đầu tiên
- Cập nhật: Thứ tư, 9/12/2015 | 9:40:12 AM
YBĐT - Ngày 6 tháng 1 năm 1946, một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn, bầu những người có tài, có đức vào Quốc hội để gánh vác công việc nước nhà.
Người dân Việt Nam tham gia bầu cử Quốc hội khóa I.
(Ảnh: T.L)
|
Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đã 13 lần tham dự bầu đại biểu Quốc hội, nhưng cảm xúc của lần đầu tiên được cầm lá phiếu ấy cách đây 70 năm chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí ông Phạm Tính (tổ 15, phố Thống Nhất, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái).
Năm 1946, ông Tính ở tuổi mười chín, là đoàn viên thanh niên cứu quốc, tham gia tự vệ chiến đấu xã Nang Sa (nay là xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ). Vừa là công dân đủ tuổi bầu cử, vừa bảo đảm an ninh trật tự cho bầu cử lại và tham gia lực lượng tuyên truyền vận động cho cuộc bầu cử, ông Tính vẫn còn nhớ như in không khí sôi nổi, háo hức trước bầu cử lúc bấy giờ.
"Chúng tôi đi đến từng nhà, tuyên truyền, vận động bà con đi bầu cử, nói rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử. Ai ai cũng háo hức, chỉ mong đến ngày để đi bầu cử. Với tôi, không chỉ háo hức mà còn thấy thực sự sung sướng và hạnh phúc khi mình được thể hiện quyền dân chủ thông qua lá phiếu. Bởi vì, tôi đã từng thấm thía nỗi thống khổ của người không có tự do" - ông Tính tâm sự.
Năm 1944, chỉ vì thiếu sản lượng thầu dầu ve phải nộp cho Nhật mà ông khi đó, là đàn ông duy nhất trong gia đình đã bị bắt và chỉ được thả cho đến khi gia đình lo được đủ số thầu dầu ve còn thiếu. "Đất phù sa quê tôi mầu mỡ, thế mà chúng bắt nhổ lúa trồng thầu dầu ve. Thiếu sản lượng thì chúng bắt người, nên tôi thấy căm hận vô cùng. Thế nên, còn gì vui sướng hơn khi được có quyền công dân, được lựa chọn người đại diện cho mình đảm nhận những trọng trách lớn của nước nhà".
Sau này, khi tham gia công tác ở Yên Bái, ở những vị trí khác nhau như Bí thư Thị ủy Yên Bái hay Bí thư Huyện ủy Văn Yên, không chỉ tham gia bầu cử mà còn trực tiếp lãnh đạo công tác bầu cử ở địa bàn mình công tác, nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy hạnh phúc bằng cái lần đầu tiên được cầm lá phiếu trong tay năm 19 tuổi.
Chưa đủ tuổi để tham gia bỏ phiếu trong lần bầu đại biểu Quốc hội đầu tiên, song ông Phùng Bích ở tổ 58, phố Tân Nghĩa, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) lại vinh dự được tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ cho cuộc bầu cử. Khi ấy, ông Bích mới 17 tuổi, là chiến sĩ quân báo tham gia bảo vệ điểm bầu cử tại phố Việt Trì, huyện Hạc Trì (nay là thành phố Việt Trì, Phú Thọ).
Ông Bích kể: "Đó thật sự là niềm vinh dự lớn với tôi. Công việc khiến chúng tôi di chuyển trên nhiều địa bàn, được chứng kiến không khí của nhân dân chuẩn bị cho bầu cử, đâu đâu cũng là một sự phấn khởi, háo hức như ngày hội. Không khí ấy khiến tôi cùng anh em đồng chí ý thức hơn nữa trọng trách của mình, tích cực hết mình trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cuộc bầu cử".
Còn bà Trần Thị Điểm - vợ ông Bích năm đó mới ở tuổi 12, nhưng bà chưa bao giờ được chứng kiến một không khí sôi nổi, phấn khởi đến thế, nên những ngày tháng đó vẫn còn in đậm trong tâm trí bà. "Gia đình tôi khi ấy là địa điểm đóng chân của Huyện ủy Hạc Trì nên tôi được chứng kiến không khí chuẩn bị cho cuộc bầu cử rất sôi động.
Người thì xay thóc lúa chuẩn bị lương thực cho cán bộ, người thì trang trí khánh tiết khu vực bầu cử. Thiếu niên chúng tôi được đi đánh trống ếch cổ động bầu cử khắp từ đầu làng đến cuối làng, hô vang khẩu hiệu cổ động. Đường làng ngõ xóm thì sạch sẽ, quang đãng. Háo hức lắm!". Háo hức, vui sướng và không bao giờ quên, có lẽ là cảm xúc chung của rất nhiều người đã từng sống trong thời khắc lịch sử đó của dân tộc.
Cách đây 70 năm, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến những sự kiện trọng đại, trong đó có cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi cử tri cả nước tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội: "… Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu được hưởng dụng quyền dân chủ của mình…".
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng tháng Tám, đông đảo công dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến… từ 18 tuổi trở lên, đã nô nức tham gia bầu cử.
Ở các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng nói chung Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình… Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Sau gần một thế kỷ đấu tranh giành độc lập, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự mình lựa chọn và xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.
Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Chiều 8/12, đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà cùng lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã kiểm tra tình hình phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà.
YBĐT - Tiếp tục chương trình công tác, ngày 8/12, đoàn công tác của Ban Đối ngoại Trung ương do đồng chí Trần Đắc Lợi - Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Yên Bái.
YBĐT - Ngày 8/12, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “50 năm Ngày truyền thống ngành nội chính Đảng”.
YBĐT - Chiều 7/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị lấy ý kiến phản biện vào Dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.