Yên Bái sẽ thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dân số tại vùng đặc biệt khó khăn
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/12/2015 | 3:36:39 PM
Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII, Tờ trình về việc phê duyệt Đề án một số chính sách hỗ trợ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh thẩm tra Đề án một số chính sách hỗ trợ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại 72 xã đặc biệt khó khăn.
|
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt nhiều kết quả quan trọng; nhận thức của toàn xã hội về công tác này có sự chuyển biến tích cực.
Số người chấp nhận mô hình gia đình có 1 - 2 con ngày càng tăng. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đã khống chế, duy trì ở mức 1,2%. Tỷ lệ sinh con thứ ba năm 2011 là 22%, giảm xuống còn 17% vào tháng 5/2015. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 3,3 năm 2011 giảm xuống còn 2,8 vào năm 2015. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở y tế được nâng cấp, đáp ứng tốt việc thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Yên Bái hiện là tỉnh có quy mô dân số trung bình so với cả nước song mức sinh không ổn định, nhạy cảm, dễ bị tác động tăng sinh trở lại nếu không có biện pháp quản lý, có chính sách dân số hợp lý và bền vững. Mức sinh còn chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền; ở những địa bàn vùng cao, vùng khó khăn, tỷ suất sinh thô còn trên 25%; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn khá phổ biến.
Hiện nay, tại 72 xã ĐBKK, tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại mới đạt 58% so với 75% tỷ lệ chung toàn tỉnh; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 17%; tỷ lệ mắc các bệnh đường sinh sản, tỷ lệ phụ nữ đẻ tại nhà, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn cao.
Thực trạng trên cho thấy, công tác dân số ở vùng ĐBKK còn nhiều hạn chế, yếu kém, đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung về dân số trên địa bàn tỉnh.
Ông Lương Kim Đức - Phó giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cho biết: “UBND tỉnh đã xây dựng Đề án một số chính sách hỗ trợ công tác DS/KHHGĐ tại 72 xã ĐBKK của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết vào kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII. Mục tiêu của Đề án là thực hiện giảm sinh nhanh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, không còn hôn nhân cận huyết thống tại 72 xã ĐBKK nhằm góp phần duy trì mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số".
Nếu Đề án được thông qua thì chính sách hỗ trợ cho các đối tượng thực hiện các biện pháp tránh thai được hỗ trợ ở mức cao (đặt dụng cụ tử cung 200 nghìn đồng/người, triệt sản 1 triệu đồng/người). Về nhân lực, cán bộ chuyên trách dân số của 72 xã ĐBKK được tuyển dụng vào viên chức. Các thôn, bản có tỷ lệ sinh cao và tỷ lệ sản phụ đẻ tại nhà trên 50% được bổ sung chức danh cô đỡ thôn, bản.
"Đây cũng là cơ sở quan trọng để bổ sung các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 29 ngày 12/12/2012 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ công tác DS/KHHGĐ giai đoạn 2013 - 2016” - ông Đức khẳng định.
Bà Lê Thị Liêm - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh khẳng định: “Việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết và phù hợp với định hướng công tác DS/KHHGĐ giai đoạn 2016 - 2020. So với giai đoạn 2011 - 2015, các chính sách hỗ trợ cho công tác DS/KHHGĐ ở 72 xã ĐBKK có nhiều thay đổi về đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ. Vì vậy, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh cần chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện; phân bổ ngân sách bảo đảm mục tiêu của Đề án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm các chính sách được thực hiện đúng, đủ và kịp thời”.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu khi tham gia thẩm tra đối với Tờ trình này, khi Nghị quyết ban hành, các địa phương thực hiện cần tập trung công tác truyền thông vào các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín trong dòng họ, đối tượng là học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, hôn nhân cận huyết thống; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, góp phần thực hiện mục tiêu giảm sinh nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng dân số tại vùng ĐBKK.
Hà Anh
Các tin khác
Nhận thức về Cộng đồng ASEAN của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và nhân dân còn hạn chế là một trong những thách thức lớn Việt Nam cần vượt qua để tận dụng tối đa cơ hội cũng như hóa giải thách thức trong tiến trình tham gia Cộng đồng ASEAN trong thời gian tới.
YBĐT - Đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 3 (mở rộng) tổ chức sáng 11/12.
YBĐT - Ngày 11/12, Đảng bộ Báo Yên Bái tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 12 (khóa XI).
YBĐT - Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét 15 tờ trình về giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước năm 2016 - nguồn vốn ngân sách tỉnh Yên Bái.